VN-Index có thể điều chỉnh trước khi bứt phá
Dòng tiền đầu cơ vẫn đang tích cực tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu nhỏ lẻ. Một số cổ phiếu có mức tăng giá ấn tượng như MSR (tăng 18%), FCM (tăng 17%), DRI (tăng 15%). Ngược lại, có những cổ phiếu đầu cơ cho thấy dòng tiền dần thoát ra sau khi đã có nhịp tăng giá sốc như KSV (giảm 16%), MNV (giảm 10%), MFS (giảm 6 %).
Trong khi đó, các cổ phiếu bluechip có đà tăng riêng lẻ, mang tính chất giữ nhịp và định hướng thị trường như VHM, REE, BCM, BVH, GVR. Đây đều là những cổ phiếu không mang tính dẫn dắt quá cao, vì vậy không thể giúp cho thị trường tăng quá mạnh về mặt chỉ số.
Về thanh khoản, tuần qua chứng kiến mức tăng ấn tượng - khoảng 32% so với tuần trước đó. Việc tăng giá đi kèm thanh khoản là điều kiện quan trọng để kích hoạt sóng tăng, cho thấy dòng tiền lớn đang quay trở lại thị trường. Đây không chỉ là tín hiệu tích cực về tâm lý nhà đầu tư, mà còn phản ánh niềm tin vào triển vọng thị trường.
Nhìn ra thế giới, có những diễn biến quan trọng tác động đến thị trường tài chính toàn cầu như đồng Yên tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng, khi thị trường kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Động thái này ảnh hưởng đến tỷ giá và tác động đến lợi suất trái phiếu cũng như dòng vốn trên toàn cầu.
Tại Mỹ, nỗi lo đình lạm quay trở lại khi lạm phát duy trì dai dẳng, trong khi chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đang gây sức ép lên nền kinh tế. Nguy cơ suy giảm tăng trưởng đi kèm với giá cả tăng cao khiến thị trường trở nên thận trọng hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng dư thừa công suất và tình hình có thể trở nên nghiêm trọng dưới tác động của các rào cản thương mại từ Mỹ. Cuộc chiến thuế quan mới của chính quyền Donald Trump khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế.
Những yếu tố trên tạo ra sự phân hóa trong chính sách tiền tệ và thương mại toàn cầu, khiến nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng khi phân bổ dòng vốn trong giai đoạn tới.
Về kịch bản cho thị trường tuần này, VN-Index có thể sẽ dành 2 ngày đầu tuần để tích lũy và kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 1.280 điểm trước khi bứt phá, vượt mốc 1.300 điểm vào những phiên cuối tuần, với sự dẫn dắt của các dòng cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép.
Ngành bất động sản: Triển vọng từ FDI
FDI đăng ký vào bất động sản trong năm 2024 đạt 6,3 tỷ USD, tăng 35% so với mức 4,7 tỷ USD của năm 2023, thể hiện sức hút và tiềm năng lớn của thị trường Việt Nam, với nhu cầu dồi dào trong dài hạn được hỗ trợ bởi các yếu tố như văn hóa, nhân khẩu học, đô thị hóa, phát triển kinh tế. Trong đó, DSC nhận thấy, thị trường phía Nam sôi nổi hơn cả với các thương vụ của những chủ đầu tư lớn từ châu Á như Capital Land (Singapore), Daewoo (Hàn Quốc), NNR (Nhật Bản). Đặc biệt, nhóm chủ đầu tư này đang có xu hướng tập trung phát triển các sản phẩm tầm trung, cận cao cấp, thay vì chỉ thuần cao cấp như thời kỳ trước.
|
FDI được đẩy mạnh vào thị trường bất động sản sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông thanh khoản, thúc đẩy nguồn cung, đồng thời còn là cú huých trong ngắn và trung hạn về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư để ra quyết định “xuống tiền” trở lại. Về dài hạn, đây là một yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn, nhờ nâng cao mặt bằng chất lượng của chủ đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán, trong nhóm bất động sản hiện tại, nhiều cổ phiếu vẫn đang có định giá khá hấp dẫn và còn tiềm năng tăng trưởng. Nhà đầu tư có thể xem xét những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt như NLG, TCH, VHM, DXG để tham gia, đặc biệt khi thị trường vượt ngưỡng 1.300 điểm, vì dòng tiền đầu cơ khó có thể bỏ qua nhóm cổ phiếu này.