Nhiều chủ dự án bất động sản “ngó lơ” tiện ích giáo dục

(ĐTCK) Việc phát triển trường học trong dự án bất động sản lớn là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng cư dân đô thị, nhưng hiện có không ít chủ đầu tư dự án vẫn “ngó lơ” tiện ích này.
Tiện ích giáo dục là điểm cộng cho dự án

Đất xây trường bị bỏ không

Mô hình tích hợp trường học trong khu đô thị đang trở thành xu hướng hiện đại cho các dự án nhà ở, khu đô thị. Một số “ông lớn” trong ngành như Vingroup, Vihajico, Sunshine Group… đã nhìn nhận được việc này và triển khai ra thực tế. Những cái tên như Vinhomes Times City, Ecopark gắn với loạt trường học chất lượng cao như Vinschool, Đoàn Thị Điểm… thực sự là điểm cộng thu hút cư dân.

Tuy nhiên, tỷ lệ dự án khu đô thị có tích hợp tiện ích học tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn còn quá ít. Chưa kể, cũng có không ít dự án có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ và chậm hơn so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Đơn cử như tại Hà Nội, Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương - Viglacera, Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Đoàn Ngoại giao, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, Khu nhà ở để bán Quang Minh Vinaconex 2… là những cái tên được UBND TP.Hà Hội chỉ rõ đã "quên” tiện ích trường lớp như đã hứa.

Ngoài ra, có tình trạng một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng cũng trong tình trạng chậm triển khai.

Còn tại TP.HCM, dù chính quyền thành phố chưa có văn bản hay con số chính thức, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, có không ít dự án đã bán xong nhà và bàn giao cho khách hàng, nhưng khu đất được quy hoạch làm trường học vẫn chỉ là bãi đất trống.

Cụ thể, tại dự án Hà Đô Centrosa Garden do Công ty cổ phần Hà Đô - 756 Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 6,8 ha, gồm khu  nhà phố liên kế, 8 tòa nhà căn hộ cao tầng cùng tường học và công viên.

Được khởi công xây dựng từ năm 2016 - 2017, đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành thi công và bàn giao nhà cho khách hàng tại các block Orchid & Jasmine, công tác thi công và nghiệm thu block Iris cũng được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng vào quý I/2020 vừa qua.

Tuy nhiên, khu đất được quy hoạch làm trường học trong dự án đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống, được quây tôn kín xung quanh.

Để tìm hiểu thông tin về việc triển khai tiện ích này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với đại diện truyền thông của Tập đoàn Hà Đô, nhưng chính vị này cũng không biết rõ thông tin về việc khi nào sẽ triển khai tiện ích này.

Khu đất quy hoạch làm trường học tại dự án Hà Đô Centrosa Garden hiện vẫn được quây tôn kín mít
Tương tự, một dự án khác tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, có tiện ích đi kèm nhưng cư dân không mấy vui vẻ là Khu đô thị Dịch vụ thương mại Nam Long. Theo bản vẽ quy hoạch trước đó, các khu vực xây dựng công trình tiện ích đều đẹp, sang trọng với vô số tiện ích đi kèm. Tuy nhiên, khi dự án bàn giao cho cư dân đưa vào sử dụng, các tiện ích đi kèm như trường học, công viên, siêu thị...  vẫn còn nằm trên giấy.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đã thừa nhận rằng, pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực thực hiện nên việc triển khai tại các địa phương chưa đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển đô thị, khu công nghiệp.

Trường công “gồng mình” gánh học sinh ở dự án mới

Theo quy hoạch mạng lưới trường học, mỗi phường, xã, thị trấn phải có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS công lập. Tuy nhiên, khi các khu đô thị mới tại Hà Nội và TP.HCM phát triển nhanh mà không đi cùng với việc xây thêm trường học, khiến gánh nặng học sinh gia tăng đổ lên các trường công lập.

Đơn cử như tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ, đây được coi là trường có số học sinh đông nhất quận 12, TP.HCM, khi số học sinh lên tới khoảng 5.000 em. Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, từ nhiều năm trước, Trường đã phải tận dụng một số phòng sinh hoạt đội, nhà ăn để làm phòng học. Năm nay, số học sinh không những giảm mà còn có chiều hướng tăng hơn nên trường chỉ còn cách cho học sinh học một buổi và học thêm cả thứ Bảy.

Hay tại Trường tiểu học Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, năm học 2018 - 2019 có khoảng 5.200 học sinh, tương đương 5 trường tiểu học trong nội thành. Để triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trường phải dồn các lớp từ khối lớp 2 đến khối lớp 5 để dành phòng học cho học sinh khối lớp 1.

Cách Trường tiểu học Vĩnh Lộc A chưa đầy 1km, một trường tiểu học khác dù mới xây dựng nhưng cũng đã chật kín. Nhà trường chuẩn bị chuyển hội trường và thư viện để làm phòng học, đón học sinh lớp 1. Tuy nhiên, vẫn phải bố trí học thêm cả ngày thứ Bảy mới đủ lớp.

Được biết, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa TP.HCM cùng với cả nước sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với chương trình mới, 100% học sinh lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày, tăng các giờ hoạt động thể chất. Thế nhưng, do áp lực tăng dân số cơ học nên tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở một số quận, huyện vẫn còn thấp.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, số phòng học mới đưa vào sử dụng chỉ đủ cho số học sinh nhập cư trên địa bàn quận, nên chưa thể tổ chức đồng loạt 100% lớp 1 học 2 buổi/ngày. Do đó, để đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh trên địa bàn quận, trong năm học này chỉ có 32% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Số học sinh còn lại sẽ được học cả ngày thứ Bảy để đảm bảo yêu cầu về số tiết học theo chương trình mới.

Để khắc phục tình trạng chủ đầu tư “quên” tiện ích giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655 về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - khu chế xuất”. Mục tiêu của đề án này là đầu tư đồng bộ nhà ở, siêu thị, nhà trẻ và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp - khu chế xuất.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và trình Quốc hội Luật Quản lý phát triển đô thị để hoàn thiện thể chế, tiến tới phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đưa ra chính sách thu hút đầu tư các công trình xã hội như các công trình giao thông, giáo dục, y tế, công viên cây xanh; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong việc quản lý thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành, cần phải nâng mức xử phạt hành chính với các chủ đầu tư không tuân theo kế hoạch, chậm tiến độ đã được phê duyệt để tăng sức răn đe, giải quyết triệt để.

“Mặc dù chúng ta có luật pháp quy định, song mức xử phạt còn nhẹ, chỉ khoảng từ 40 - 50 triệu đồng đối mỗi chủ đầu tư vi phạm nên chưa đủ sức răn đe, Vì vậy, ngoài việc phải nghiêm túc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cơ quan quản lý cần bổ sung những hình thức xử phạt mới để giải quyết triệt để”, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng văn phòng luật Thanh Niên nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục