Kiến tạo cuộc sống xanh, công trình xanh phải bắt đầu từ trường học

(ĐTCK) Để kiến tạo cuộc sống xanh phải bắt nguồn từ chính con người và muốn tạo nên những con người xanh, phải đầu từ hệ thống giáo dục. 
Trường Mầm non và Tiểu học Genesis của  Capital House tại Khu đô thị Tây Hồ Tây đã được VGBC trao chứng nhận LOTUS hạng vàng - giai đoạn hoàn công. Trường Mầm non và Tiểu học Genesis của Capital House tại Khu đô thị Tây Hồ Tây đã được VGBC trao chứng nhận LOTUS hạng vàng - giai đoạn hoàn công.

Phát biểu mở đầu tại buổi Tọa đàm Cafe Xanh số thứ hai với chủ đề "Trường học xanh" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Capital House tổ chức sáng 12/6, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, Chính phủ đã sớm có sự quan tâm tới phát triển xanh và trong những năm qua, ngày càng có nhiều sự quan tâm tới công trình xanh ở Việt Nam.

Cụ thể, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1393/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 403/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định 84/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030.

Trong đó, Quyết định 1393 khẳng định tăng trưởng xanh là mắt xích quan trọng của nền kinh tế phát triển bền vững.

"Quyết định 1393 không chỉ có vai trò của yếu tố xanh trong nền kinh tế, màcòn khẳng định rõ, tăng trưởng xanh là vì con người, do con người. Đây là mục tiêu hết sức quan trọng và nhân văn" ông Chiến nói. 

Lý giải về sự cần thiết của "Trường học xanh", ông Chiến cho biết, để kiến tạo cuộc sống xanh phải bắt nguồn từ chính con người và muốn tạo nên những con người xanh, phải đầu từ hệ thống giáo dục. 

Đối với một trường học hiện nay, đó là môi trường giao tiếp, gắn kết cộng đồng, là nơi con em đến học và giao tiếp.  Muốn đạt được mục tiêu như thế, thì phải biết chúng ta hiện đang ở đâu. 

Đồng quan điểm, ông Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam cho rằng, với trường học xanh cần quan tâm đến nhiều vấn đề, điều này sẽ giúp định hướng cho những người ở ngay trong môi trường đó có định nghĩa đúng về xanh, để ra ngoài đời có tư duy chuẩn xanh về môi trường. 

Về lo ngại liên quan tới chi phí tăng thêm của công trình xanh, ông Nguyên cho rằng, chi phí này tăng thêm khá nhỏ so với các công trình thông thường, không như chúng ta tưởng tượng nếu áp dụng chuẩn xanh ngay từ đầu.

Trong khi đó, lợi ích hữu hình của công trình xanh có thể thấy chính là tăng giá bán, bán nhanh hơn và dễ chuyển nhượng, giảm phí vận hành, tăng giá trị tài sản. Thế nhưng, lợi ích quan trọng hơn là lợi ích vô hình của loại hình này là lợi thế người dẫn đầu, thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Đỗ Thuỳ Chi, Phó chủ tịch Capital House cho biết, một ngôi trường xanh không chỉ đạt về phần xác, mà còn cả phần hồn. Với 1 tập thể đông người, học sinh mới, chúng ta phải dạy dỗ cho trẻ, đào tạo nhân viên sống xanh, thực hiện xanh. Bởi xây trường học xanh, phải tính đến vấn đề tạo ra con người xanh.

"Để hướng đến trường học xanh đúng nghĩa, chúng tôi mỗi lúc phải cố một chút để đưa thêm nhiều tiện ích hơn và mỗi khi đưa thêm 1 vật liệu, 1 tiêu chuẩn nào, chúng tôi đều phải tính toán từng ly từng chút một. Đặc biệt, để đạt được điểm chốt nhất định, chúng tôi đưa chương trình giáo dục xanh vào chính thức chương trình của cộng đồng", bà Chi nhấn mạnh.

Hiện nay, đã có một số hệ thống đánh giá công trình xanh ở Việt Nam bao gồm: LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Hội đồng công trình xanh Singapore), Lotus (Hội đồng công trình xanh Việt Nam)…

Ngoài ra, còn có bộ chứng chỉ VACEE do Hội Môi trường, Bộ Xây dựng Việt Nam ban hành; bộ tiêu chí “Kiến trúc Xanh” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam ban hành. Các tiêu chí trong chứng chỉ xanh là năng lượng, nước, địa điểm, vật liệu và nội thất…

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục