Nhiều câu hỏi về phát huy lợi ích từ FTA

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều câu hỏi được đặt ra khi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với các bộ, ngành về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Một trong những nguyên nhân hạn chế quá trình thực thi FTA là tính sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước còn quá thấp. Một trong những nguyên nhân hạn chế quá trình thực thi FTA là tính sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước còn quá thấp.

Đặc biệt quan tâm yếu tố kết nối

Chiều 22/7, làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu nhiều đánh giá về tác động, cả tích cực và tiêu cực, của các FTA với Việt Nam.

Theo đó, việc mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ và đầu tư cùng với những cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam.

Điều này đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.

“Nhiều doanh nghiệp trong nước yếu sẽ phải rời khỏi thị trường, người lao động mất việc. Vậy dự báo loại hình doanh nghiệp nào sẽ bị tác động nặng nhất? Biện pháp, chính sách gì cho cả doanh nghiệp và người lao động bị đào thải khỏi sân chơi do cạnh tranh?”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề.

Dẫn báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiều ý kiến khác cũng tỏ ra hết sức sốt ruột khi các số liệu liên quan đều cho thấy, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp tận dụng cơ hội của FTA còn quá thấp.

“Trong quá trình thực thi các cam kết, nếu gặp vướng mắc, doanh nghiệp không biết đầu mối nào để giải quyết hoặc được tư vấn chính thức”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh phản ánh băn khoăn của doanh nghiệp.

Nhận định là nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với FTA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nhận thức của doanh nghiệp và một số bộ, ngành về thực thi FTA chưa đầy đủ. Việc xây dựng thể chế vẫn chậm, lủng củng, các luật vướng nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, lợi ích mà FTA mang lại là rất tốt, nhưng không chuẩn bị tốt thì cũng chỉ là bày cỗ cho nước ngoài vào xơi, doanh nghiệp Việt một lần nữa đứng ra ngoài, cuối cùng Việt Nam mở cửa, nhưng lại mang lợi ích cho doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, không thể không thu hút FDI, mà vẫn phải thu hút, nhưng phải hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, ngang  bằng với khu vực FDI.

Trả lời câu hỏi về “hàng rào” thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tới đây, sẽ đặc biệt quan tâm đến yêu cầu kết nối của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là bài học rút ra sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài.

Với Luật Đầu tư vừa được Quốc hội sửa đổi, Chính phủ sẽ được quyết định ưu đãi cho những nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu nói trên.

Đã đến lúc xem lại độ mở của nền kinh tế

Trong buổi làm việc với Bộ Công thương sáng 22/7, các ý kiến phát biểu đều khẳng định tác động tích cực của FTA với nền kinh tế, song cũng nêu nhiều vấn đề cần lưu ý khi tiếp tục thực thi các hiệp định này.

Nhấn mạnh rằng, từ khi thực thi các FTA, xuất khẩu tăng rất nhanh, kéo theo độ mở kinh tế quá lớn (đến 200% GDP), đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần phải đặc biệt lưu ý để kiểm soát độ mở của nền kinh tế, bởi nếu các thị trường nước ngoài có vấn đề, thì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khó khăn ngay.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng, đã đến lúc cần xem lại độ mở của nền kinh tế.

Khẳng định việc này không đi ngược lại chủ trương hội nhập, ông Khánh nêu 2 việc quan trọng là cần cập nhật chiến lược FTA, lựa chọn đối tác đàm phán rất thận trọng, có nguyên tắc và cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Nhắc đến thông tin nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có xu hướng gia tăng, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lưu ý, cần cân nhắc giải bài toán này.

Bộ Công thương cần phải đi đầu trong hoạch định chính sách để giải bài toán nhập siêu với các đối tác cạnh tranh với Việt Nam.

Từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Dương Quốc Anh chia sẻ, khi nhập siêu kéo dài quá lâu, thì cái khổ nhất là tỷ giá và từ khi thực thi FTA, đã hỗ trợ rất nhiều để giảm nhập siêu của Việt Nam.

Phó trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân hạn chế quá trình thực thi FTA là tính sẵn sàng của các doanh nghiệp trong nước còn quá thấp. Nhiều năm nay, vấn đề này hầu như chưa được cải thiện.

Hiểu biết của doanh nghiệp về các FTA còn rất hạn chế

Theo khảo sát 8.600 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam (trong khuôn khổ Điều tra PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3/2019, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhận thức khá hạn chế về các FTA, mặc dù hầu hết đều đã “nghe nói” tới các FTA này.

Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về các FTA tiêu biểu (đã tìm hiểu một số cam kết hoặc đã tìm hiểu kỹ) chỉ là thiểu số (kể cả FTA lớn như CPTPP), cao nhất là AEC cũng chỉ là 37%. Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất nhỏ, thấp nhất là với FTA giữa Việt Nam và EAEU (1%), cao nhất là với AEC (3%).

Theo điều tra của VCCI với 250 phản hồi của doanh nghiệp trong 4 ngành sản xuất (dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử) công bố tháng 4/2016, hai yếu tố lớn nhất cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ các FTA là tình trạng thiếu thông tin về cam kết và cách thức thực hiện (84%) và bất cập trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước.

Những vấn đề thuộc về năng lực của doanh nghiệp (năng lực cạnh tranh kém, khó đáp ứng quy tắc xuất xứ và cam kết bất lợi) cũng rất lớn, nhưng vẫn xếp sau các yếu tố gắn với hành động của cơ quan nhà nước.

Kết quả điều tra nói trên có thể vẫn đúng vào thời điểm này và với đa số doanh nghiệp, theo các quan sát của VCCI.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục