Sự sụt giảm này, theo WB, là do các nền kinh tế lớn giảm tốc, làm giảm nhu cầu giữa lúc nguồn cung tiếp tục phục hồi đối với một số kim loại cơ bản. Giá kim loại dự kiến sẽ giảm 5% trong năm 2024, sau khi giảm gần 10% trong năm 2023 (so với năm trước đó) và ổn định vào năm 2025.
Tăng trưởng nhu cầu kim loại trên thế giới đã ghi nhận mức giảm 0,6% trong quý III/2023 (so với quý trước đó) do hoạt động sản xuất toàn cầu vẫn giữ ở mức thấp. Xu hướng này tương ứng với Chỉ số quản lý mua hàng của ngành sản xuất toàn cầu (PMI) liên tục cho thấy sự co rút suốt cả năm. Chính sách tiền tệ thắt chặt tại các nền kinh tế phát triển đã làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng lớn từ kim loại. Riêng tại Trung Quốc, dù thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng nhu cầu từ phần cơ sở hạ tầng và sản xuất của Trung Quốc, chuyển đổi năng lượng và lạc quan về các biện pháp kích thích, chính sách để hỗ trợ hoạt động kinh tế đã hỗ trợ nhu cầu kim loại của nước này.
Tuy vậy, sự hồi phục nhẹ về nguồn cung kim loại đã tạo áp lực lên giá cả các mặt hàng này. Sản lượng kim loại đã tăng trong ba quý đầu năm 2023 (so với cùng kỳ năm trước) sau những gián đoạn sản xuất trong năm 2022. Sản lượng nickel 9 tháng đầu năm 2023 tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022, với nguồn cung tăng chủ yếu đến từ Indonesia - nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới.
Ngay cả khi có gián đoạn sản xuất ở Chile vào đầu năm 2023, quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới, sản lượng đồng toàn cầu 9 tháng đầu năm ngoái vẫn tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này có thể được giải thích cho sự mở rộng công suất của các nhà sản xuất lớn khác, bao gồm Trung Quốc và Congo. Ngược lại, sản xuất của các kim loại tiêu thụ năng lượng cao như nhôm và kẽm vẫn giữ ổn định khi các nhà máy luyện kim châu Âu lớn chưa hoàn toàn phục hồi sau khi đóng cửa vào năm 2022 do chi phí năng lượng cao.
Cơ sở nào cho dự báo giá kim loại sẽ giảm 5% trong năm 2024 trước khi ổn định vào năm 2025? Chỉ số giá kim loại của Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ giảm 5% trong năm 2024. Trong các mặt hàng kim loại, niken được dự báo giảm giá mạnh nhất, tiếp theo là nhôm, thiếc, kẽm, chì và đồng. Giá các mặt hàng này sẽ tăng nhẹ vào năm 2025, với mức tăng dao động từ 2% (chì) đến 9% (nhôm).
Tuy nhiên, giá kim loại dự báo chịu nhiều rủi ro biến động mạnh. Rủi ro chính đối với dự báo giá đặt ở sự giảm tốc độ đột ngột trong hoạt động của các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc, có thể làm yếu hơn nhu cầu kim loại trong năm 2024. Các hạn chế thương mại và các biện pháp chính sách khác, như trừng phạt Nga và việc hạn chế xuất khẩu nhôm của Trung Quốc, có thể thu hẹp nguồn cung kim loại và đẩy giá lên cao. Sự leo thang của xung đột tại khu vực Trung Đông có thể dẫn đến những động lực đáng kể trên thị trường năng lượng, làm tăng chi phí sản xuất cho các kim loại tiêu thụ năng lượng lớn trong quá trình khai thác.
Rủi ro ngắn hạn khác bao gồm những lo ngại về môi trường, tranh chấp lao động, điều kiện thời tiết xấu, hoặc vấn đề kỹ thuật có thể làm gián đoạn hoạt động khai thác mỏ và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung kim loại ở một số vùng, đặc biệt là châu Phi, châu Mỹ, Úc và Indonesia. Trong dài hạn, một sự chuyển đổi năng lượng gia tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cho một số kim loại cơ bản, đặc biệt là nhôm, đồng, niken và thiếc.