Kém thanh khoản
Lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng đầu tư trong năm 2014, quỹ ETF là sản phẩm mới hứa hẹn đem đến cơ hội đầu tư hấp dẫn cho công chúng. Quỹ ETF VFMVN 30 do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý lên niêm yết đến nay đã hơn 3 tháng và Quỹ ETF SSIAM HNX30 do Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý lên niêm yết được gần 1 tháng. Kết quả hoạt động của hai quỹ này cho thấy, quỹ chưa chứng tỏ được sức hấp dẫn như lời giới thiệu, cũng như kỳ vọng của các nhà lập quỹ.
Thứ nhất, sau khi niêm yết, cả hai quỹ ETF đều có thanh khoản rất kém. Quỹ ETF VFMVN 30 có thanh khoản cao hơn, nhưng rất nhiều phiên, khối lượng giao dịch chỉ đạt vài ngàn chứng chỉ quỹ. Thanh khoản của ETF SSIAM HNX30 thì thực sự kém, số phiên không có thanh khoản chiếm áp đảo. Liên tiếp trong các phiên giao dịch từ ngày 15 - 22/1, không một chứng chỉ quỹ ETF SSIAM HNX30 nào được mua bán trên thị trường.
Các giao dịch của quỹ ETF chủ yếu dừng lại ở các thành viên lập quỹ, một vài NĐT cá nhân lớn, còn NĐT cá nhân nhỏ lẻ hầu như chưa quan tâm tới sản phẩm này. Kém thanh khoản là một trong những chỉ báo rõ ràng nhất cho một thực tế, NĐT chưa mặn mà với quỹ ETF.
Thứ hai, giá trị tài sản ròng/đơn vị quỹ (NAV) liên tục giảm kể từ sau khi lên niêm yết cũng là lý do khiến quỹ ETF kém hấp dẫn NĐT. Cụ thể, NAV của Quỹ ETF VFMVN 30 trong tháng 11/2014 giảm còn 9.466 đồng/đơn vị quỹ so với kỳ báo cáo trước là 9.902 đồng/đơn vị quỹ. Trong kỳ báo cáo gần đây nhất (tháng 12/2014), NAV của quỹ này giảm còn 9.311 đồng/đơn vị quỹ. Với kết quả hoạt động như vậy, liệu tham vọng của VFM là thành lập thêm các quỹ ETF có sớm trở thành hiện thực?
Hoạt động nhạt nhòa của các quỹ ETF đang làm lu mờ những lợi thế của quỹ ETF như nhiều lần các nhà lập quỹ nêu ra là quỹ có tính minh bạch cao, chi phí quản lý quỹ thấp, giúp NĐT giao dịch linh hoạt cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp...
Không hợp khẩu vị với NĐT ưa lướt sóng
Tuy là sản phẩm được ưa chuộng trên thế giới và có tốc độ phát triển đến chóng mặt trong thời gian gần đây, nhưng diễn biến thị trường đang cho thấy, quỹ ETF tại Việt Nam chưa hợp với khẩu vị ưa thích lướt sóng của NĐT.
Nhiều NĐT chia sẻ, sở dĩ họ chưa quan tâm tới quỹ ETF bởi trong khi cổ phiếu có nhiều thông tin hỗ trợ được rải khá đều trong suốt cả năm, từ đó hỗ trợ cho giá cổ phiếu, thì các yếu tố này với quỹ ETF gần như vắng bóng. Nếu có thì đó chỉ là các thông tin hỗ trợ cho giá cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số mà quỹ mô phỏng, nghĩa là quỹ ETF chỉ nhận được các thông tin hỗ trợ gián tiếp mà trong nhiều trường hợp là NĐT không nhận diện được, khác với thông tin tác động trực tiếp đến cổ phiếu.
Cụ thể, giá cổ phiếu thường có “sóng” khi DN công bố kết quả lợi nhuận, triển khai dự án mới, ký kết hợp tác với các đối tác và rất nhiều thông tin khác. Trong khi đó, quỹ ETF không nhận được các yếu tố hỗ trợ này một cách trực tiếp, nên giá chứng chỉ quỹ ít có biến động, ngoại trừ thụ động tăng giảm theo diễn biến giá của chỉ số mà quỹ mô phỏng. Ngay cả khi chỉ số tham chiếu tăng, thì thị giá chứng chỉ quỹ ETF nhiều khi cũng không tăng.
Bởi vậy, đầu tư vào quỹ ETF trong giai đoạn thị trường giảm, rủi ro mất vốn là khá cao, trong khi với cổ phiếu thì có thể ngược lại, vì ngay cả trong giai đoạn thị trường giảm, nếu DN hoạt động hiệu quả, triển vọng phát triển tốt, giá cổ phiếu vẫn tăng.
Một yếu tố khác khiến NĐT “quay lưng” với quỹ ETF là đầu tư vào cổ phiếu tốt, họ có cơ hội nhận được cổ tức đều đặn với tỷ lệ tương đối cao, nhưng điều này gần như là không thể với quỹ ETF.
Cách nào để “chống ế” cho quỹ ETF đang là bài toán đau đầu đối với các nhà lập quỹ cả trong trước mắt lẫn dài hạn.