Thay vì mở rộng thêm gói nới lỏng tiền tệ đã hết hạn, BOJ tiếp tục cam kết gia tăng cơ sở tiền tệ hàng năm ở mức 80.000 tỷ Yên (660 tỷ USD). Tiền cơ sở đại diện cho tiền mặt và các khoản tiền gửi được Ngân hàng Trung ương nắm giữ và có thể mở rộng thông qua việc mua vào trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro.
Trước đó, các quan chức Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính Nhật cũng nhận định rằng, tăng cường nới lỏng tiền tệ vào thời điểm này là không cần thiết. Trong khi đó, tranh cãi vẫn nổ ra trong giới chuyên gia.
Theo khảo sát của Bloomberg trước cuộc họp, 16/36 chuyên gia kỳ vọng BOJ sẽ tung thêm gói nới lỏng tiền tệ trong lần họp này, 8 người dự đoán BOJ sẽ ra quyết định sau đó và 12 người không nhận thấy triển vọng tăng cường kích thích trong tương lai gần.
Kazuhiko Ogata, chuyên gia từ Credit Agricole SA phát biểu trước khi có quyết định của BOJ rằng: “Thật sai lầm khi nghĩ áp lực đè nặng lên BOJ đã được loại bỏ. Nền kinh tế không đủ mạnh và mục tiêu lạm phát 2% quá xa vời. BOJ sẽ phải xem xét khả năng tung thêm gói kích thích.”
Trong cuộc họp nêu trên, Nhật Bản công bố chỉ số CPI lõi (không tính giá thực phẩm) trong tháng 9 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đi xuống tháng thứ 2 liên tiếp. Nếu tính cả giá thực phẩm và năng lượng, CPI của Nhật tăng 0,9% trong tháng 9.
Theo báo cáo chi tiết cập nhật tình hình kinh tế Nhật Bản, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cùng các thành viên Hội đồng cho rằng, việc giá dầu sụt giảm tiếp tục là nguyên nhân để hạ bớt dự báo giá tiêu dùng trong 2 năm tới. Theo nhận định của BOJ, mục tiêu lạm phát 2% có thể đạt được vào đầu năm 2017, thay vì vào tháng 3/2016 như kỳ vọng được đưa ra trước đó.
Để bảo vệ cho việc giữ nguyên các chính sách tiền tệ hiện tại, ông Kuroda cho biết, niềm tin vào BOJ không giảm sút và những hành động tính đến hiện tại, bao gồm việc sử dụng gói nới lỏng tiền tệ lớn chưa từng có, đang tạo nên những tác động tích cực. Thời gian đạt được mức lạm phát mục tiêu phụ thuộc vào giá dầu. Ông Kuroda nhấn mạnh, BOJ sẽ không ngần ngại điều chỉnh các chính sách nếu cần thiết.
Thách thức của Nhật Bản về giá tiêu dùng cũng là vấn đề mà các quốc gia phát triển khác đang đối mặt, khi các nhà chính sách buộc phải cắt giảm mục tiêu do giá năng lượng rẻ và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy giảm, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi khi tăng trưởng chậm lại.
BOJ dự báo, giá tiêu dùng sẽ tăng 0,1% trong năm 2015, giảm so với mức 0,7% được đưa ra trước đó, đồng thời cho biết thêm, các mối nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế và giá cả tiêu dùng đang dần giảm xuống.
“Tôi không nghĩ quyết định này có thể chấm dứt mọi việc, kỳ vọng tiếp tục nới lỏng tiền tệ vẫn sẽ kéo dài trong vài tháng tới. BOJ đã tự đặt mình vào vòng nguy hiểm khi không hành động ngay hôm nay”, Daiju Aoki, chuyên gia kinh tế tại UBS Securities Japan Co nhận xét.
Trái với việc giới chuyên gia còn có nhiều điểm chưa hài lòng về quyết định mới của BOJ, các phản ứng của thị trường sau thông tin từ cuộc họp lại khá tích cực.
“Mặc dù BOJ không mở rộng gói nới lỏng tiền tệ hiện tại, nhưng cả chỉ số Nikkei và đồng Yên đều giao dịch ở mức cao so với nhiều tháng nay, khi báo cáo của Chính phủ cho thấy, họ đang cân nhắc mở rộng thêm kích cỡ của cơ sở tiền tệ, khiến giới đầu tư tin rằng sẽ có thêm các biện pháp nới lỏng khác được thông báo từ Thủ tướng Shinzo Abe trước khi hết năm”, David Welch, Giám đốc Giao dịch chứng khoán, Reorient Group tại Hồng Kông nói.
Sau thông tin về phiên họp của BOJ, chỉ số Topix tăng 0,7%, đóng cửa ở 1.558,20 điểm trong phiên cuối tuần trước, giúp chỉ số này tăng 10% trong tháng 10, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2013. Chỉ số Nikkei 225 Stock Average tăng 0,8%, lên mức cao nhất kể từ ngày 28/8. Đồng Yên giao dịch mạnh hơn, với mức tăng 0,2%, đạt mức 1 USD đổi được 120,94 Yên trong phiên cuối tuần trước..