Nhật Bản: Thâm hụt thương mại được cải thiện, BOJ tiếp tục duy trì lãi suất cực thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 5 vừa qua đã giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.370 tỷ yen ( khoảng 9,8 tỷ USD), phần lớn là do chi phí nhập khẩu nhiên liệu giảm.
Nhật Bản: Thâm hụt thương mại được cải thiện, BOJ tiếp tục duy trì lãi suất cực thấp

Dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 15/6 cho biết, trong tháng 5 vừa qua, nhập khẩu đạt mức 8.670 tỷ yen, giảm 9,9%. Xuất khẩu tăng 0,6%, lên mức 7.290 tỷ yen, ghi nhận mức cao kỷ lục so với tháng 5 của các năm trước đây, nhờ vào đồng yen giảm giá.

Điều này giúp thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 5 giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.370 tỷ yen ( khoảng 9,8 tỷ USD). Mặc dù vậy, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn giữ thâm hụt thương mại tháng thứ 22 tháng liên tiếp, phản ánh rõ hơn sự phụ thuộc lớn của nước này vào nhập khẩu, do khan hiếm tài nguyên.

Trong các mặt hàng xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu ô tô và máy móc sang Mỹ đã đóng góp phần lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi xuất khẩu thiết bị và linh kiện điện tử cần thiết để sản xuất chất bán dẫn đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dầu thô, than đá và khí đốt tự nhiên giảm, đã hỗ trợ giảm giá trị nhập khẩu, kéo theo thâm hụt thương mại của Nhật Bản được thu hẹp lại.

Ông Yuichi Kodama, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda cho biết, việc cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu đã thúc đẩy xuất khẩu ô tô - lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là tăng trưởng xuất khẩu nói chung đang mất dần động lực, đặc biệt là khi những dự báo ban đầu về sự tăng trưởng yếu của Mỹ và nhu cầu tăng mạnh của Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 đã không trở thành hiện thực.

Trong tháng 5 vừa qua, Nhật Bản đạt thặng dư thương mại khoảng 434,89 tỷ yen với Mỹ, nhưng thâm hụt khoảng 540,55 tỷ yen với Trung Quốc, ghi nhận tháng thứ 26 thâm hụt liên tiếp, qua đó khiến Nhật Bản thâm hụt thương mại 105,16 tỷ yen với các nước trong khu vực châu Á, đánh dấu lần đầu tiên nước này rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại với cả khu vực trong 4 tháng trở lại đây. Tương tự, thương mại Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng thâm hụt 141,03 tỷ yen.

Vào quý I năm nay, nền kinh tế Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng quý thứ 2 liên tiếp, bất chấp lực cản từ xuất khẩu giảm. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, mức tăng trưởng khiêm tốn sẽ tiếp tục trong quý II năm nay, nhờ tiêu dùng và chi tiêu vốn tương đối ổn định, mặc dù tình hình kinh tế của 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có sự ổn định.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi bất chấp các yếu tố tiêu cực như giá cả hàng hóa cao hơn. Tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, đang được BoJ theo dõi chặt chẽ, vẫn ở mức trên 2% trong suốt một năm qua.

Lạm phát gây tăng giá nhiều loại hàng hóa đã khiến tâm lý người tiêu dùng Nhật Bản bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là khi tốc độ tăng lương không theo kịp tốc độ tăng của lạm phát. Tuy nhiên, BOJ đã không thay đổi quan điểm nhận định rằng, các đợt tăng giá gần đây là do chi phí nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô tăng lên và đà tăng này sẽ dần yếu đi trong thời gian tới.

Do đó, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, kết thúc sáng nay, thứ Sáu (16/6), BOJ đã quyết định duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), theo đó lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm sẽ ở mức 0% và lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%.

Lợi suất trái phiếu 10 năm sẽ được phép di chuyển trong biên độ 50 điểm cơ bản quanh mức 0 như trước đây.

Các hoạt động mua trái phiếu không giới hạn sẽ tiếp tục được tổ chức hàng ngày để giữ cho lợi suất không di chuyển ra ngoài phạm vi quy định. BOJ đã và đang sử dụng các biện pháp khác để kiểm soát đường cong lợi suất, bao gồm hạn chế hoạt động bán khống JGB và hoạt động cung cấp quỹ ngân sách dài hạn được thiết kế để khuyến khích mua trái phiếu.

Trong khi đó, chính sách nới lỏng của BOJ hoàn toàn trái ngược với lập trường của nhiều ngân hàng trung ương khác.

Trong cuộc họp chính sách tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất chính sách thêm 500 điểm cơ bản kể từ năm ngoái và báo hiệu còn hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã quyết định nâng lãi suất chính sách trong cuộc họp thứ tám liên tiếp lên 4% và báo hiệu việc thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Chính sách lãi suất thấp của BOJ đã khiến đồng yên trở thành một khoản đầu tư tương đối kém hấp dẫn và dễ bị bán ra. Vào thứ Năm (15/6), đồng tiền này đã có lúc chạm mức thấp nhất so với đồng bạc xanh trong năm nay ở mức 141. So với đồng euro, đồng yên đã chạm mức thấp nhất trong 15 năm ở mức 153.

Kazuo Ueda, Thống đốc của BOJ đã và đang báo hiệu một cách tiếp cận thận trọng đối với bất kỳ sự thay đổi chính sách nào, chẳng hạn như điều chỉnh khuôn khổ kiểm soát đường cong lợi suất hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông cho biết lạm phát tiêu dùng dự kiến sẽ giảm xuống dưới mục tiêu 2% của BOJ và tác dụng phụ của việc kiểm soát đường cong lợi suất đã trở nên ít nghiêm trọng hơn.

Một cuộc khảo sát của QUICK - một kênh tin tức trực thuộc Nikkei - đã cho thấy khoảng 90% các nhà kinh tế thị trường đang mong đợi không có thay đổi nào đối với khung chính sách của BOJ tại cuộc họp này.

Những kỳ vọng như vậy đã góp phần khiến đồng yên trở thành một trong những đồng tiền hoạt động kém nhất kể từ cuộc họp gần đây nhất của BOJ vào ngày 27 và 28/4.

Lạm phát toàn phần của Nhật Bản đã giảm xuống 3,5% trong tháng 4 từ mức cao nhất trong 41 năm là 4,3% trong tháng 1, nhờ chi tiêu của chính phủ để giảm giá điện. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản không bao gồm năng lượng và thực phẩm vẫn có xu hướng tăng và đạt 4,1% trong tháng 4.

Di Di - Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục