Cổ tức của các công ty Nhật Bản dự kiến thiết lập kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo số liệu Nikkei, cổ tức mà các doanh nghiệp Nhật Bản trả cho cổ đông dự kiến đạt tổng khoảng 15.200 tỷ yên (109 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024.
Cổ tức của các công ty Nhật Bản dự kiến thiết lập kỷ lục mới

Mức này cao hơn khoảng 100 tỷ yên so với mức cao kỷ lục trong năm kết thúc vào tháng 3 năm nay và lập kỷ lục mới trong năm thứ ba liên tiếp.

Bất chấp tâm lý bất ổn kéo dài về triển vọng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc, có khoảng 30% doanh nghiệp Nhật Bản vẫn công bố kế hoạch tăng cổ tức.

Ngoài ra, cũng xuất hiện xu hướng rõ rệt trong kế hoạch mua lại cổ phiếu, một động thái giúp tăng lợi nhuận cho cổ đông. Tính đến cuối tháng 5 năm nay, các công ty đã dành tổng cộng hơn 5.160 tỷ yên để mua lại cổ phần.

Chi trả cổ tức của doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến tiếp tục đạt kỷ lục
Chi trả cổ tức của doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến tiếp tục đạt kỷ lục

Tính đến thời điểm hiện tại, tốc độ mua lại cổ phiếu đang ngang bằng năm ngoái, thời điểm mà tổng số tiền chi cho việc này ở mức cao kỷ lục khoảng 9.400 tỷ yên. Trên thị trường chứng khoán, ngày càng nhiều các chuyên gia dự đoán rằng con số của cả năm nay sẽ bằng hoặc vượt con số của năm ngoái.

Năm nay, Công ty Honda có kế hoạch mua lại tới 200 tỷ yên cổ phiếu của mình, tương đương khoảng 4% tổng số cổ phiếu đang được lưu hành và trả cổ tức kỷ lục 150 yên/cp, tăng 30 yên/cp so với năm trước.

"Chúng tôi sẽ đầu tư số tiền kiếm được vào việc thúc đẩy điện khí hóa và lợi nhuận cho cổ đông. Khi Honda cân bằng được giữa đầu tư và lợi nhuận của cổ đông, giá cổ phiếu của hãng hiện dao động ở mức cao nhất khoảng 8 năm", Phó chủ tịch điều hành Shinji Aoyama nói.

Trọng tâm quản lý của giới doanh nghiệp Nhật Bản luôn thay đổi. Citizen Watch cho biết, gần đây đã mua lại 17% số cổ phiếu đang lưu hành, bao gồm cả cổ phiếu quỹ. Nhà sản xuất máy móc Ushio cũng báo cáo chi một khoản tiền lớn bất thường để mua lại 17% cổ phần của họ, không bao gồm cổ phiếu quỹ.

Theo thống kê của Nikkei, có tới 64 công ty đang tăng lợi nhuận cho cổ đông, với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ yên, ngay cả khi có công ty dự báo lợi nhuận ròng giảm. Đây là mức lớn nhất từ trước đến nay về cả số lượng công ty và tổng số tiền chi trả.

Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo là người đứng đằng sau động thái này. Vào cuối tháng 3/2023, họ yêu cầu các công ty niêm yết có tỷ lệ P/B dưới 1 công bố và thực hiện các biện pháp cụ thể để nâng mức giá cổ phiếu lên. Tính đến thời điểm đó, 50% công ty lớn trong TOPIX có tỷ lệ P/B dưới 1, tức là họ đã đánh mất giá trị vốn mà các cổ đông ủy thác.

Nguyên nhân chính của việc tỷ lệ P/B thấp là các công ty đang cầm tiền mặt quá nhiều. Dự trữ tiền mặt của các công ty niêm yết, không bao gồm các tổ chức tài chính, đã tăng lên tổng mức khoảng 100.000 tỷ yên vào cuối năm ngoái, tăng khoảng 23.000 tỷ yên so với năm 2015.

Các công ty niêm yết dự kiến sẽ tăng đều đặn giá trị doanh nghiệp của họ bằng cách sử dụng lợi nhuận để đầu tư vào nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển và chi tiêu vốn. Số tiền dư thừa được trả lại cho các cổ đông thông qua việc mua lại cổ phần và chia cổ tức để nâng cao giá trị trên thị trường chứng khoán.

QUICK FactSet so sánh giữa doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản và Mỹ về phần trăm thu nhập ròng được phân bổ cho cổ tức và mua lại cổ phần, tỷ lệ này của 500 doanh nghiệp lớn tại Mỹ là gần 100%. Điều đó có nghĩa là gần như tất cả lợi nhuận kiếm được đều được chia cho các cổ đông. Tỷ lệ đối với 600 công ty lớn của châu Âu là gần 70%, trong khi con số của Nhật Bản là khoảng 50%.

Ngoài việc tăng cổ tức và mua lại cổ phần, các doanh nghiệp của Nhật Bản đã bắt đầu chuyển từ tích trữ tiền mặt sang chi tiêu.

Theo dữ liệu thống kê doanh nghiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản, đầu tư vốn của tất cả ngành, ngoại trừ lĩnh vực tài chính và bảo hiểm đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 16.500 tỷ yên trong 3 tháng đầu năm 2023, đây là mức cao nhất trong 15 năm qua.

RENGO, liên đoàn lao động quốc gia của Nhật Bản cho rằng mức tăng lương sau các cuộc đàm phán về quản lý lao động vào mùa Xuân năm 2023 là khoảng 3,66%, mức cao nhất trong 30 năm.

Nếu các công ty tăng lương cho nhân viên và thu nhập cho cổ đông của họ, và các hộ gia đình dự kiến có thu nhập cao hơn, điều này sẽ củng cố niềm tin của các hộ gia đình và kích thích tiêu dùng trong nước cao hơn.

Hiện nay, các nhà đầu tư dài hạn ở nước ngoài đã chuyển hướng dòng vốn vào cổ phiếu Nhật Bản với dự đoán về những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Nhật Bản và điều đó đã hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục