Nhật Bản phá vỡ trần giá dầu của phương Tây khi mua dầu Nga trên 60 USD/thùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhật Bản đã được Mỹ chấp thuận ngoại lệ để mua dầu Nga ở mức trên 60 USD/thùng, phá vỡ quy định giá trần do G7 đặt ra vào năm ngoái.
Nhật Bản phá vỡ trần giá dầu của phương Tây khi mua dầu Nga trên 60 USD/thùng

Theo Wall Street Journal (WSJ), Mỹ đã lên kế hoạch áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga đã được G7, Australia và EU thông qua vào năm ngoái. Tuy nhiên, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á và nền kinh tế lớn thứ 2 trong G7 giờ đây lại mua dầu trên giá trần.

Theo quy định về giá trần với dầu thô của Nga, các bên tham gia "Liên minh giá trần" sẽ không cung cấp bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác cho dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển nếu giá mua trên 60 USD/thùng. Các thành viên của "Liên minh giá trần" cho biết sẽ giám sát chặt chẽ hiệu quả của mức giá, cũng như sẵn sàng xem xét và điều chỉnh mức giá khi thích hợp.

Nhật Bản đã khiến Mỹ chấp nhận ngoại lệ này với lý do Nhật Bản cần đảm bảo khả năng tiếp cận với nguồn năng lượng từ Nga. Sự nhượng bộ trên cho thấy mức độ phụ thuộc của Nhật Bản vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Các nhà phân tích cho rằng, an ninh năng lượng là nguyên nhân khiến Tokyo do dự không ủng hộ nhiều hơn cho Ukraine.

Trong khi nhiều nước châu Âu đã giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga thì Nhật Bản lại tăng cường mua khí đốt của Nga. Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, còn Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là nhà lãnh đạo G7 cuối cùng tới thăm Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch quân sự.

Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, Tokyo muốn đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm chính của Sakhalin-2 là khí đốt.

Quan chức này cho biết: "Chúng tôi đã hành động với mục tiêu hướng tới việc cung cấp năng lượng ổn định cho Nhật Bản. Ông cho biết, một lượng nhỏ dầu thô khai thác cùng với khí đốt tại Sakhalin-2 cần được bán để đảm bảo khí hóa lỏng (LNG) có thể được sản xuất. Giá cả được quyết định bởi sự thương lượng giữa hai bên".

Nhập khẩu khí đốt của Nhật Bản tăng vọt về giá trị do khủng hoảng năng lượng. Nga đóng góp khoảng 1/10 lượng khí đốt nhập khẩu của Nhật Bản, phần lớn tới từ dự án Sakhalin-2. Trong khi đó, Đức từng phụ thuộc tới 55% khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, Berlin vẫn duy trì nền kinh tế sau khi bị Nga cắt phần lớn khí đốt, và thậm chí còn tăng trưởng nhanh hơn Nhật Bản.

Ông James Brown, giáo sư của Đại học Temple, nhận định: "Không phải Nhật Bản không thể từ bỏ việc mua khí đốt của Nga, chẳng qua do họ không muốn. Ông cho rằng, Nhật Bản nên rút khỏi các dự án Sakhalin nếu thực sự nghiêm túc trong việc hỗ trợ Ukraine".

Mitsui và Mitsubishi đang sở hữu 22,5% cổ phần của Sakhalin-2. Hai công ty vẫn có thể duy trì cổ phần trong dự án này vào năm ngoái, sau khi Moscow tái cơ cấu Sakhalin-2 và đưa hoạt động quản lý về tay một nhà điều hành của Nga.

Trong hai tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã mua khoảng 748.000 thùng dầu từ Nga với tổng trị giá 6,9 tỷ yen. Theo tỷ giá hối đoái hiện nay, giá mà Tokyo đã trả cho mỗi thùng dầu Nga là khoảng 70 USD. Nga hiện vẫn xuất khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày, nên lượng mua vào của Nhật Bản chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Nhật Bản hầu như không có nhiên liệu hóa thạch và phải phụ thuộc vào khí đốt, than đá nhập khẩu để sản xuất phần lớn điện năng, nhất là sau sự kiện động đất sóng thần năm 2011 làm rò rỉ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Các quan chức cho biết, Nhật Bản sẽ nhận trái đắng nếu từ bỏ cơ hội tiếp cận với LNG của Nga, bởi Nga có thể chuyển hướng và bán số nhiên liệu này sang cho Trung Quốc.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục