Điều đó cho thấy, chính sách tích cực kích thích kinh tế của nước này đang củng cố sự phục hồi kinh tế một cách vững chắc.
Cuối tuần trước, Chính phủ nước này cũng đã tăng nhận định về tiêu dùng tháng thứ 2 liên tiếp, cho rằng, việc gia tăng này là nhờ tâm lý lạc quan vẫn được duy trì và do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trước thời hạn tăng thuế bán hàng vào tháng 4 sắp tới.
Thêm vào đó, cùng với lợi nhuận doanh nghiệp và các điều kiện kinh doanh đang phục hồi, Chính phủ Nhật Bản đã nâng cao đánh giá về vốn kinh doanh lần đầu tiên trong vòng 4 tháng qua, cho rằng, mức chi tiêu này cũng đang tăng lên.
“Nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ vừa phải”, trích báo cáo của Chính phủ cuối tuần trước. Đây là lần đầu tiên, báo cáo này sử dụng từ “phục hồi” để nói về nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực phục hưng nền kinh tế trong nước sau nhiều năm ì ạch. Báo cáo tháng trước chỉ cho rằng nền kinh tế đang hướng tới một sự phục hồi ở mức khiêm tốn.
Quan điểm lạc quan đến từ lợi ích mà nền kinh tế thu được từ các bước kích thích tài chính và tiền tệ lớn của Chính phủ, nhằm chấm dứt 15 năm giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã tăng tốc vượt qua các đối tác của mình trong G7 vào nửa đầu năm ngoái khi các biện pháp kích thích kinh tế có hiệu lực.
Báo cáo mới nhất nói trên đưa ra đánh giá sáng sủa nhất kể từ báo cáo tháng 1/2006 - được công bố 1 tháng sau khi ông Abe giữ chức Thủ tướng, với cam kết sẽ khôi phục vị thế kinh tế nước này.
Chính sách kinh tế của ông Abe, giúp giảm giá nhanh đồng Yên, là tin tốt đối với các nhà xuất khẩu nước này, với việc mang lại sức cạnh tranh lớn hơn tại thị trường nước ngoài và làm tăng giá trị của các khoản lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật tại nước ngoài. Cùng với đó, ông Abe cam kết đưa nền kinh tế vượt qua tình trạng giảm phát kéo dài nhiều năm đang tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng, các nhà sản xuất, khiến họ phải trì hoãn các kế hoạch đầu tư mới.
Một yếu tố quan trọng trong chính sách khôi phục kinh tế của ông Abe là kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương, qua đó thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Số liệu tháng 11/2013 cho thấy, giá tiêu dùng Nhật Bản đã tăng 1,2%, mức tăng cao nhất trong 5 năm qua, và gần với con số mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Thống đốc BOJ, ông Haruhiko Kuroda, người đã giám sát chương trình mua trái phiếu lớn chưa từng có kể từ tháng 4 năm ngoái, đã chia sẻ việc duy trì quan điểm lạc quan của ông về nền kinh tế, cho rằng, nó sẽ tiếp tục phục hồi ở mức độ vừa phải, bất chấp những thiệt hại có thể xảy ra do việc tăng thuế bán hàng từ tháng 4 sắp tới.
BOJ đang hy vọng, những nỗ lực của mình sẽ có thế khuấy động lạm phát tăng 2% trong vòng chưa đầy hai năm. Việc đánh dấu nửa chặng đường hướng tới mục tiêu lạm phát đã đạt được trong tháng 11 vừa qua khi giá cả tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm.
“Nhìn chung, sự phục hồi kinh tế đang trên cơ sở khá vững chắc,” một quan chức của Văn phòng Nội các phát biểu.
Dữ liệu vào thứ Năm tuần trước đã cho thấy các đơn hàng máy móc thiết bị của Nhật Bản đã tăng lên mức cao trong vòng 5 năm qua vào tháng 10/2010, một dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp có thể đã sẵn sàng để tiếp tục đầu tư.
Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari cho biết, chi tiêu vốn của khu vực tư nhân dự kiến sẽ được mở rộng nhờ những cải thiện về lợi nhuận và niềm tin của doanh nghiệp.
“Các chỉ số khác cũng đang tăng dần lên, vì vậy, chúng ta có thể kỳ vọng chi tiêu vốn kinh doanh sẽ tăng lên đáng kể”, ông Amari phát biểu. “Tiêu dùng cá nhân công ty vững chắc phản ánh rằng, các hộ gia đình đang cảm nhận được sự phục hồi kinh tế, cùng với tác động từ việc người tiêu dùng đổ xô đi mua hàng trước thời điểm tăng thuế”.
Một báo cáo kinh tế hàng tháng cho biết, nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng bởi thu nhập của các hộ gia đình và chi tiêu của doanh nghiệp tăng lên, và bởi vì xuất khẩu nước này cũng đang trên đà cải thiện.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Văn phòng Nội các vào thứ Sáu tuần trước lại cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Nhật đã trở nên tồi tệ vào tháng 12, dấu hiệu của sự đề phòng trước động thái tăng thuế bán hàng của Chính phủ.