Keidanren hiện là tổ chức lobby kinh tế lớn nhất ở Nhật Bản. Đây là một liên đoàn kinh tế toàn diện, với các thành viên gồm hơn 1.300 doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản, 121 hiệp hội công nghiệp toàn quốc và 47 tổ chức kinh tế khu vực (tính đến hết năm 2013). Ngồi vào ghế lãnh đạo phải là chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn, có máu mặt ở Nhật Bản. Bản thân ông Hiromasa Yonekura cũng đang là Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Chemical Co.
Đầu tháng 6/2014, ông Sadayuki Sakakibara mới chính thức lên nắm quyền Chủ tịch Keidanren. Thực ra, lúc đầu, ông Takashi Kawamura, 74 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Hitachi mới là lựa chọn số 1, song ông này đã từ chối với lý do quá bận bịu với công việc điều hành tại Hitachi. Sau đó, ông Sadayuki Sakakibara mới nổi lên là ứng cử viên sáng giá nhất.
Theo thông lệ ở Keidanren, Chủ tịch đương nhiệm có quyền đề cử người thay thế mình. Ông Hiromasa Yonekura đã chọn Sadayuki Sakakibara, với các lý do sau.
Thứ nhất, ông Sadayuki Sakakibara là Chủ tịch Toray, một tập đoàn kinh tế đa ngành có tiếng ở Nhật Bản. Toray chuyên sản xuất các sản phẩm sợi và dệt; nhựa và hóa chất; sợi carbon, vật liệu composite… Toray chính là nhà cung cấp sợi carbon được sử dụng trong kết cấu thân, cánh của máy bay chở khách hiện đại đời mới Boeing 787 Dreamliner của Hãng Boeing (Mỹ). Thứ hai, ông Sadayuki Sakakibara đáp ứng được tiêu chí mà Keidanren đặt ra là ưu tiên lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - chế tạo, hơn là ở khối dịch vụ.
Thứ ba, ông Sadayuki Sakakibara là vị lãnh đạo có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và có các mối quan hệ khá mật thiết với các quan chức Chính phủ, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đối tác nước ngoài. Ông hiện là một trong những đại diện của khối tư nhân trong Hội đồng Cạnh tranh công nghiệp (một tổ chức của Chính phủ).
Cuối cùng, ông Sadayuki Sakakibara đã rất quen việc ở Keidanren, bởi ông đã từng giữ chức Phó chủ tịch tới 4 năm (từ năm 2009 đến 2011).
Ông Hiromasa Yonekura khẳng định: “Ông Sadayuki Sakakibara là nhân vật phù hợp nhất làm Chủ tịch Keidanren, bởi ông sở hữu các kỹ năng quản lý tuyệt vời, có nhiều kinh nghiệm thực tế và có các mối quan hệ khá tốt với nhiều chính khách, nhà lập pháp cũng như với các đối tác nước ngoài”.
Không chỉ trong nội bộ thành viên Keidanren, mà ngay cả nhiều chính khách Nhật cũng đón nhận việc bổ nhiệm ông một cách khá tích cực.
Ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Chính phủ Nhật Bản phát biểu: “Vai trò của Keidanren là rất quan trọng ở Nhật Bản. Ông Sadayuki Sakakibara là sự lựa chọn rất hợp lý”.
Theo nhiều nhà phân tích, một số nhiệm vụ chính của ông Sadayuki Sakakibara trên cương vị Chủ tịch Keidanren là phải lobby Chính phủ để cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; góp phần cải thiện mối quan hệ giữa Nhật Bản với 2 đối tác kinh tế quan trọng ở Đông Á là Trung Quốc và Hàn Quốc (sau khi xảy ra những tranh chấp về chủ quyền một số đảo)...
Về phần mình, ông Sadayuki Sakakibara chưa hứa hẹn gì nhiều, mà chỉ nhấn mạnh: “Cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ phải hợp tác với nhau như 2 bánh xe trên cùng một trục. Tiếng nói, thông điệp của các doanh nghiệp cần được chuyển tải một cách chuẩn xác”.
Ở đây, có lẽ cũng nên nói qua vài nét về vị tân Chủ tịch Keidanren.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Nagoya, tháng 4/1967, Sadayuki Sakakibara đầu quân cho Toray. Đường hoan lộ của ông lúc đầu diễn ra khá chậm. Mãi đến tháng 6/1994, tức là sau hơn 27 năm, ông mới là Trưởng phòng Kế hoạch. Song chỉ sau 2 năm, vào tháng 6/1996, ông đã được đề bạt làm Phó chủ tịch và tháng 6/2010, được ngồi vào ghế Chủ tịch Toray. Hiện tại, ông còn là thành viên độc lập trong Ban giám đốc của nhiều tập đoàn kinh tế lớn ở Nhật Bản, như Hãng vận tải biển Mitsui O.S.K. Lines, Ltd; Tập đoàn Viễn thông NTT…
Cần nói thêm ở đây rằng, với Việt Nam, cả Keidanren lẫn Toray đều có các quan hệ hợp tác với các cơ quan Chính phủ và có quan hệ kinh doanh - đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam. Trong những năm qua, Keidanren thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Ngày 26/11/2012, Keidanren và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ để thiết lập kênh đối thoại thảo luận các biện pháp chính sách hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế và các mục tiêu công nghiệp hóa của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Còn Toray đã từng có nhiều năm hợp tác với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có Tổng công ty May Nhà Bè…, nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng may mặc cao cấp cung ứng cho thị trường Nhật Bản.