Nhật Bản không còn là điểm đến lý tưởng của lao động nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với dân số già và ngày một giảm, Nhật Bản đang phải nghiêm túc hơn với việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh nhân tài toàn cầu hậu đại dịch, Nhật Bản không còn nhiều lợi thế để thu hút lao động có tay nghề cao như trước
Nhật Bản không còn là điểm đến lý tưởng của lao động nước ngoài

Nhà máy Fujiya có trụ sở chính tại Osaka, chuyên sản xuất kìm cắt nổi tiếng về độ bền và sắc nét, là một trong nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng phụ thuộc vào lao động nước ngoài.

Yasunobu Nozaki, Chủ tịch Fujiya, chia sẻ với Nikkei Asia rằng: "Chúng tôi thực sự không thể duy trì sản xuất nếu không có sự khéo léo của các thực tập sinh kỹ năng. Sẽ rất khó để tìm được những người thợ như vậy từ thị trường lao động trong nước".

Nhật Bản có hơn 1,82 triệu lao động nước ngoài vào năm 2022, với số lượng thực tập sinh kỹ năng vào khoảng 343.000 người, tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. Với dân số ngày càng giảm, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang phải nghiêm túc hơn về việc tiếp nhận lao động nước ngoài, từ những người làm trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cho đến những người có kiến thức tiên tiến về các công nghệ mới nổi.

Dân số của đất nước hiện khoảng 124 triệu người, được dự đoán sẽ giảm khoảng 30% vào năm 2070. Dữ liệu của Chính phủ công bố vào đầu tháng 6 này cho thấy, tổng tỷ suất sinh - số con của một phụ nữ Nhật đạt mức thấp kỷ lục 1,26 vào năm 2022, khi số trẻ sơ sinh lần đầu tiên giảm xuống dưới 800.000.

Nhật Bản đã và đang triển khai các biện pháp thu hút nhân tài hàng đầu toàn cầu để thúc đẩy nền kinh tế. Thủ tướng Fumio Kishida hứa hẹn trong một bài phát biểu về chính sách hồi đầu năm rằng Nhật Bản sẽ tạo ra một hệ thống đẳng cấp thế giới để tiếp nhận lao động có tay nghề cao.

Theo đề xuất của một hội đồng chuyên gia, Tokyo cuối tuần trước đã quyết định thực hiện nhiều sửa đổi lớn đối với các chương trình lao động nước ngoài, bao gồm thay thế chương trình Thực tập sinh Kỹ năng bằng các khuôn khổ mới, để giải quyết trực tiếp hơn tình trạng thiếu lao động.

Ra đời vào năm 1993, chương trình Thực tập sinh Kỹ năng được thiết kế để thúc đẩy và chuyển giao kiến thức, cùng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cho các nước đang phát triển thông qua đào tạo. Các thực tập sinh có thể ở lại Nhật Bản tới 5 năm, làm việc trong các lĩnh vực cụ thể như sản xuất và nông nghiệp.

Giám đốc điều hành của một tổ chức hỗ trợ thực tập sinh chia sẻ với Nikkei rằng, đã có sự khác biệt ngày càng tăng giữa các mục tiêu ban đầu của chương trình và thực tế. Chỉ khoảng 10% thực tập sinh tiếp tục công việc cũ sau khi họ về nước. Mục đích chính của thực tập sinh là kiếm tiền. Hợp tác quốc tế chỉ là trên lý thuyết.

Ngoài ra, chương trình còn là mục tiêu tranh cãi vì nhiều trường hợp chủ lao động bị tố cáo lạm dụng và không trả lương cho thực tập sinh, trong khi hàng nghìn thực tập sinh đã biến mất khỏi nơi làm việc của họ mỗi năm.

Thống kê năm 2021, có khoảng 7.100 thực tập sinh đã rời công ty chủ quản mà không thông báo trước, dường như là để tìm kiếm điều kiện làm việc hoặc mức lương tốt hơn một cách bất hợp pháp, bởi quy định là thực tập sinh kỹ năng không được phép thay đổi công việc.

Thủ tướng Kishida đã thể hiện quyết tâm thu hút nhiều lao động hơn thông qua cải cách chương trình lao động nước ngoài. Điều quan trọng là phải giải quyết các vấn đề và làm cho quốc tế hiểu những vấn đề đó, đồng thời cân nhắc đến quyền con người của công dân nước ngoài, để Nhật Bản sẽ được chọn là điểm đến hấp dẫn của lao động.

Nhật Bản cũng sẽ xác định và kiểm tra các vấn đề xung quanh việc thu hút lao động nước ngoài, chẳng hạn như thuế và các quy định, đồng thời thực hiện các hành động cần thiết.

Là một phần của những nỗ lực như vậy, Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 4 năm nay đã giới thiệu các chương trình mới để chấp nhận những người lao động được trả lương cao từ nước ngoài. Nếu họ được trả hơn 20 triệu yên (144.000 USD) mỗi năm và đáp ứng một số tiêu chí khác, họ có thể nộp đơn xin lưu trú sau khi ở lại 1 năm.

Một động thái khác nữa là cho phép sinh viên tốt nghiệp từ 100 trường đại học hàng đầu thế giới ở lại Nhật Bản trong 2 năm. Việc cấp thị thực cho cả sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp cho thấy quyết tâm lớn của Nhật Bản trong việc thu hút tài năng trẻ.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác nhau từ tốc độ tăng lương chậm chạp của đất nước đến các chương trình thị thực mới đầy cạnh tranh của các nước trong khu vực đang đặt ra những thách thức không nhỏ, làm giảm triển vọng của Nhật Bản trong thời đại cạnh tranh nhân tài toàn cầu.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình ở Nhật Bản chỉ tăng 3% từ năm 2001 đến năm 2021. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 40% của Hàn Quốc và 29% của Mỹ trong cùng thời kỳ.

Theo dữ liệu từ Levels.fyi, một trang web trực tuyến so sánh mức lương công nghệ, mức lương trung bình cho các kỹ sư phần mềm ở Nhật Bản năm ngoái thấp hơn 23% so với Singapore và 17% so với ở Seoul.

Ở những nơi khác trong khu vực, cuộc đua thu hút nhân tài nước ngoài đang diễn ra gay gắt hậu đại dịch, với nhiều chương trình mới hấp dẫn.

Singapore năm nay tung ra thị thực mới để thu hút các chuyên gia có tay nghề cao, cho phép những người kiếm được ít nhất 30.000 SGD (22.000 USD) một tháng ở lại 5 năm và được làm việc cho nhiều chủ lao động.

Một nghiên cứu của OECD về lao động nhập cư được công bố hồi tháng 3 cũng cho thấy, New Zealand, Thụy Điển và Thụy Sĩ hiện là những quốc gia hấp dẫn nhất đối với lao động có tay nghề cao. Nghiên cứu đã xét đến các yếu tố như tiêu chuẩn giáo dục, khả năng dễ dàng có được quốc tịch cho con cái của người di cư, và trình độ tiếng Anh là động lực thu hút nhân tài từ nước ngoài.

Kaori Akiyama, giám đốc điều hành cấp cao của Hiệp hội trao đổi thanh niên Nhật Bản - châu Á, một tổ chức giám sát các thực tập sinh kỹ năng, nhận định: Nếu mức lương vẫn ở mức như 2 hoặc 3 năm trước, rất khó để đảm bảo lực lượng lao động chất lượng cao. Chúng tôi phải nói với các công ty Nhật Bản rằng nếu muốn có lao động tốt, bạn phải trả nhiều tiền hơn.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục