Nhật Bản đầu tư 7 tỷ USD để sản xuất chip vào năm 2024

(ĐTCK) Nhật Bản phân bổ 7 tỷ USD cho chi tiêu thiết bị chip vào năm 2024, mức tăng đáng kể nhất trên thế giới.

Vào những năm 1980, Nhật Bản là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% sản lượng bán dẫn toàn cầu. Đến đầu những năm 2000, Nhật Bản đối mặt với những thách thức trong chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tích hợp theo chiều dọc (IDM) truyền thống sang phân công lao động theo chiều ngang (fabless/foundry). Việc không bắt kịp xu hướng kinh doanh sản xuất thế giới đã dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng trong chuỗi cung ứng chip trên thế giới, khiến Nhật Bản chỉ còn chiếm 9% sản lượng bán dẫn toàn cầu.

Mặc không còn là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, nhưng hiện Nhật Bản vẫn duy trì thị phần cao và khả năng cạnh tranh quốc tế trong những nhóm sản phẩm như bộ nhớ (đặc biệt là NAND), cảm biến (đặc biệt là cảm biến hình ảnh CMOS) và bán dẫn nguồn.

Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế, Nhật Bản chiếm các thị phần trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn và thiết bị liên quan trên toàn cầu bao gồm: Chip bán dẫn (Logic, Micro, Memory, Analog) 6%; Thiết bị sản xuất chất bán dẫn 35%; Vật liệu bán dẫn 50%.

Sau đại dịch Covid-19, thế giới bắt đầu chuyển trọng tâm sang ngành công nghiệp bán dẫn, Nhật Bản cũng bắt đầu tận dụng vị thế trước đây để thu hút các nhà sản xuất chip lớn như công ty sản xuất linh kiện bán dẫn theo hợp đồng Đài Loan (Trung Quốc) và Công ty điện tử Samsung của Hàn Quốc. Sau khi tuyên bố thắt chặt kiểm soát đối với những thiết bị sản xuất chip quan trọng, Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch gia tăng đầu tư cho lĩnh vực sản xuất chip.

Theo đó, Nhật Bản có kế hoạch đầu tư khoảng 7 tỷ USD cho sản xuất chip vào năm 2024, tăng hơn 82% so với năm 2023, mức đầu tư lớn nhất trên thế giới, theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip toàn cầu (SEMI).

Trung Quốc theo dự báo sẽ chỉ tăng đầu tư vào thiết bị sản xuất chip ở mức 2%, tổng số tiền đầu tư của Nhật Bản còn cao hơn tổng chi tiêu của thị trường châu Âu và Trung Đông.

Động thái tăng chi tiêu lên đến 82% trên của Nhật Bản nhằm phục hồi lại ngành sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến, đã bị Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục vượt qua gần 20 năm trước.

Mới đây, Nhật Bản cùng với Mỹ và Hà Lan là thiết lập liên minh nhằm hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc. Cụ thể, Bộ thương mại Nhật Bản tuần trước cho biết, các nhà cung cấp 23 loại công nghệ chip sẽ cần sự chấp thuận của chính phủ để xuất khẩu sang các nước bao gồm cả Trung Quốc sớm nhất là vào tháng 7. Điều đó ảnh hưởng đến nhiều công ty vốn là trung tâm trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp chip nội địa của Trung Quốc, bao gồm Tokyo Electron, Nikon và Screen Holdings.

Động thái trên đã gặp phải phản ứng gay gắt của Bắc Kinh. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các chính sách của Mỹ liên quan đến chất bán dẫn và thậm chí đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Trung Quốc cho rằng, các biện pháp này đe dọa lợi ích của các công ty của họ và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Di Di

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục