Nhật Bản đã và đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng tổng trị giá 9 tỷ USD ở khu vực Mekong

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, hợp tác Mekong - Nhật Bản đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các nước Mekong.

Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28: Đối thoại, tin cậy, trách nhiệm và thiện chí hợp tác vì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực

Tiếp tục chương trình làm việc của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các Hội nghị liên quan, tối ngày 6/8/2021 (giờ Việt Nam), Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28 (ARF-28) đã diễn ra trực tuyến với sự tham gia của 27 nước và tổ chức thành viên. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Cùng điểm lại những phát triển của ARF thời gian qua, các nước đánh giá ARF tiếp tục là diễn đàn hàng đầu trong khu vực về an ninh, đạt nhiều kết quả trong xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa. Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Diễn đàn vẫn duy trì với 24 hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Trong số đó có đối thoại giữa các quan chức quốc phòng, đối thoại chính sách an ninh, vận dụng Công ước Luật Biển 1982, an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa. Các hoạt động này đóng góp thiết thực cho các nỗ lực xây dựng lòng tin giữa các nước.

Kế hoạch hành động Hà Nội II giai đoạn 2020-2025 cũng đạt được những tiến triển ban đầu với 12 hoạt động đã và đang được triển khai.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28 (ARF-28)

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại Hội nghị diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 28 (ARF-28)

Trong trao đổi về định hướng tương lai của ARF, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của ARF là diễn đàn hàng đầu về thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng về các vấn đề an ninh ở khu vực, ủng hộ ARF nâng cao tính hành động và tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm. Hội nghị thông qua 38 hoạt động cho năm 2021-2022 trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, rác thải biển, luật biển và nghề cá, an toàn giao thông phà. Trong đó, Việt Nam sẽ đồng chủ trì một số hoạt động như tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển, tiêu chuẩn an ninh, an toàn trong sử dụng năng lượng hạt nhân, ứng phó và phục hồi dịch bệnh.

Các nước cũng nhất trí cần nỗ lực hơn nữa ứng phó các thách thức an ninh chung như khủng bố, mua bán người, an toàn công nghệ thông tin, tội phạm xuyên quốc gia, do diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của các thách thức này trong bối cảnh Covid-19. Nhận định về tính phức tạp của các vấn đề được bàn thảo, các Bộ trưởng yêu cầu thúc đẩy phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả ứng phó.

Trước tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương, khu vực và quốc tế trong ngăn ngừa, ứng phó và giảm thiểu các tác động của dịch bệnh. Các nước kêu gọi sớm khôi phục mở cửa thị trường, kết nối các chuỗi cung ứng để bảo đảm an ninh lương thực và duy trì hoạt động kinh tế, đẩy nhanh phục hồi toàn diện ở khu vực. Bên cạnh đó cần bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng hiệu quả, an toàn, chất lượng.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Hội nghị chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các Ngoại trưởng tái khẳng định các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, đề cao luật pháp quốc tế, nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các nước hoan nghênh tiến triển mới trong xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

Các thành viên ARF hoan nghênh việc Bộ trưởng Ngoại giao Bru-nây được cử làm Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, đề nghị triển khai đầy đủ và nhanh chóng Đồng thuận 5 điểm của các nhà Lãnh đạo ASEAN, khẩn trương hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar và khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn và tìm kiếm giải pháp vì lợi ích của người dân.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị, đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp và chia sẻ quan trọng. Đánh giá về quá trình gần 30 năm hoạt động, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ARF đã chứng tỏ được giá trị và thế mạnh của Diễn đàn trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực. Chia sẻ quan ngại về tác động của Covid-19 đến đời sống kinh tế-xã hội, Bộ trưởng cho rằng chung tay hành động là sức mạnh để chiến thắng dịch bệnh, và đề nghị các đối tác trong ARF, đặc biệt là những nước sản xuất vaccine hàng đầu, tiếp tục hợp tác cùng ASEAN bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng và bình đẳng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ vaccine. Việt Nam mong muốn các nước tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào đối thoại và hợp tác, vì hòa bình và an ninh bền vững ở khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN và Việt Nam; nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy lòng tin, kiềm chế không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và gây tổn hại tới môi trường biển. Bộ trưởng cũng chỉ rõ cần xử lý tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 - cơ sở pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương; Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước ASEAN khác và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực xây dựng bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982.

Cùng các nước ASEAN, Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN đã nhất trí cử Bộ trưởng Ngoại giao Brunei làm Đặc phái viên về Myanmar và Tổng Thư ký ASEAN làm Điều phối viên hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar; nhấn mạnh ASEAN cần triển khai hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar, và kêu gọi sự ủng hộ của các đối tác cho ASEAN trong các nỗ lực này.

Kết thúc Hội nghị, các nước thông qua Tuyên bố thúc đẩy chương trình nghị sự Thanh niên, Hòa bình và An ninh đề cao vai trò, đóng góp và sự tham gia của thanh niên vào các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh. Chủ tịch ARF-28, Brunei sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị.

*****

ASEAN - EU kết thúc đàm phán Hiệp định vận tải hàng không toàn diện, nối liền 37 quốc gia thành viên

Chiều ngày 6/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU. Đây là hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Đại diện cấp cao EU về Chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell Fontelles và Tổng Thư ký ASEAN cùng dự Hội nghị này.

Các nước hoan nghênh việc ASEAN và EU chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác trên cơ sở chia sẻ các giá trị, nguyên tắc và lợi ích chung, đề cao hợp tác đa phương, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng. ASEAN nhất trí với đề xuất của EU tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ hai bên tại Brussels, Bỉ, vào năm 2022.

Các nước hoan nghênh việc ASEAN và EU chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược

Các nước hoan nghênh việc ASEAN và EU chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược

Đại diện EU nhấn mạnh EU luôn coi trọng quan hệ với ASEAN, mong muốn phối hợp với ASEAN tận dụng hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Đại diện EU hoan nghênh việc hai bên vừa kết thúc đàm phán Hiệp định vận tải hàng không toàn diện (CATA), nối liền 37 quốc gia thành viên của hai tổ chức khu vực, góp phần tăng cường kết nối người dân và các nỗ lực phục hồi. Đại diện EU cũng cho biết đã đóng góp hơn 3 tỷ Euro qua cơ chế COVAX hỗ trợ vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó cung cấp 33 triệu liều vaccine và sẽ tiếp tục cung ứng cho các nước Đông Nam Á.

Thay mặt ASEAN, với tư cách là nước điều phối quan hệ, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore khẳng định EU luôn là đối tác quan trọng của ASEAN và hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác hai bên thời gian qua. EU là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào ASEAN với tổng số vốn 7,6 tỷ USD và là đối tác thương mại của ASEAN với tổng kim ngạch đạt 258 tỷ USD trong năm 2020.

Các nước ASEAN đánh giá cao EU triển khai chương trình Đội châu Âu (Team Europe) trị giá 800 triệu Euro hỗ trợ ASEAN phòng chống dịch bệnh và chương trình “Sẵn sàng ứng phó đại dịch tại Đông Nam Á” trị giá 20 triệu Euro tại khu vực; đồng thời đề nghị EU tiếp tục ủng hộ các sáng kiến phòng chống Covid-19 của ASEAN cũng như phối hợp bảo đảm tiếp cận, cung ứng, nghiên cứu và phát triển vaccine an toàn, đồng đều và hiệu quả tại khu vực.

Các nước nhất trí ASEAN và EU với tư cách là hai tổ chức khu vực được đánh giá thành công nhất trên thế giới, tiếp tục ưu tiên phối hợp ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện, bền vững, đồng thời phối hợp hoàn tất Kế hoạch hành động ASEAN-EU 2018-2022. Đại diện EU đề nghị thời gian tới hai bên cần tập trung ưu tiên hợp tác thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại và đầu tư, kết nối, chuyển đổi số, kinh tế số, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững, phối hợp sớm khởi động đối thoại về năng lượng. ASEAN và EU nhất trí phối hợp xem xét khả năng xây dựng Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU trong tương lai và sớm ký kết Hiệp định CATA.

Về tình hình quốc tế và khu vực, các nước ASEAN và EU đều nhất trí cần bảo đảm một môi trường hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực, tạo thuận lợi cho các nước tập trung nỗ lực ứng phó Covid-19. Các bên nêu rõ tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, ủng hộ đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình hay gia tăng tranh chấp, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982. ASEAN và EU khẳng định ủng hộ các nỗ lực nối lại đàm phán hướng tới bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

EU bày tỏ hoan nghênh việc Chủ tịch ASEAN cử ông Erywan Yusuf Bộ trưởng Ngoại giao II Brunei làm Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar, khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ ASEAN thực hiện thành công Đồng thuận 5 điểm của các Nhà lãnh đạo ASEAN, góp phần thúc đẩy hòa giải, đối thoại, hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời và đầy đủ, xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời và đầy đủ, xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU, đóng góp tích cực cho nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương và liên kết khu vực; đồng thời hoan nghênh EU đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các nỗ lực toàn cầu ứng phó dịch bệnh, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại đa phương, hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiếp cận vaccine kịp thời và đầy đủ, xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và nâng cao tự cường, tự chủ vaccine tại khu vực. Bộ trưởng cũng đề nghị EU là đối tác kinh tế hàng đầu của ASEAN, cần tăng cường phối hợp với ASEAN ổn định kết nối chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư, nghiên cứu khả năng xây dựng FTA ASEAN - EU trên cơ sở các FTA song phương đã có giữa EU với một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Nhấn mạnh các nước ASEAN và EU đều chia sẻ lợi ích và trách nhiệm duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN và của Việt Nam về Biển Đông. Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, gia tăng tranh chấp hay gây hại đối với môi trường biển, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. ASEAN đang tích cực phối hợp sớm hoàn tất bộ Quy tắc ứng xử COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Bộ trưởng tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương. Bộ trưởng nhấn mạnh quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển được qui định trong UNCLOS 1982 phải được tôn trọng.

Kết thúc Hội nghị, Philippines chính thức tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - EU trong giai đoạn 2021-2024.

*****

Nhật Bản đã và đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng tổng trị giá 9 tỷ USD ở khu vực Mekong

Ngày 6/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 14 theo hình thức trực tuyến. Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mekong: Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 14

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 14

Hội nghị thảo luận tình hình và phương hướng hợp tác Mekong - Nhật Bản. Bộ trưởng Motegi thông báo Nhật Bản đã và đang thúc đẩy triển khai các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực với tổng trị giá 9 tỷ USD; cung cấp 5,6 triệu liều vaccine Covid-19, 700 máy tạo oxy, cùng với 750 triệu Yên (6,8 triệu USD) hỗ trợ xây dựng hệ thống bảo quản lạnh dành các cho các nước Mekong. Các Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các nước Mekong, đặc biệt trong ứng phó đại dịch Covid-19, và ghi nhận những kết quả đạt được của hợp tác trong triển khai Chiến lược Tokyo 2018, Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong 2.0, Sáng kiến Mekong - Nhật Bản về các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các Bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp các nỗ lực chung chống dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế. Hội nghị nhất trí: (i) thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, bảo đảm tiếp cận vaccine kịp thời và hiệu quả; (ii) tăng cường kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại, đầu tư và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; (iii) phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong; (iv) phát triển hạ tầng chất lượng cao; (v) thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ.

Các Bộ trưởng Mekong và Nhật Bản nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp các nỗ lực chung chống dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế

Các Bộ trưởng Mekong và Nhật Bản nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp các nỗ lực chung chống dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong cuộc chiến chống Covid-19 tại khu vực và đánh giá hợp tác Mekong - Nhật Bản đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các nước Mekong. Bộ trưởng nhấn mạnh mặc dù trong năm qua dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước Mekong và Nhật Bản vẫn duy trì các cuộc họp cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương, đa phương quan trọng; hỗ trợ nhau hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, cũng như giữ vững đà phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Về phương hướng hợp tác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng các nước cần ưu tiên thực hiện hai mục tiêu quan trọng là kiểm soát hoàn toàn đại dịch và phục hồi kinh tế bao trùm, bền vững. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị chiến lược hợp tác sắp tới của Mekong - Nhật Bản cần dựa trên ba trụ cột: Kinh tế năng động và thích ứng; Xã hội lành mạnh, lấy người dân làm trung tâm; và Mekong xanh và số.

Với các trụ cột này, các nước Mekong và Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác theo hướng: (i) Thúc đẩy hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ và phân phối vaccine kịp thời, hiệu quả; tăng cường năng lực ứng phó của hệ thống y tế; (ii) Tăng cường hợp tác về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, đặc biệt là nguồn nước Mekong; triển khai hiệu quả Sáng kiến Mekong - Nhật Bản về các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030 và Đối tác Đầu tư vì Mục tiêu phát triển bền vững Mekong; (iii) Tăng cường hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ; thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do ở khu vực; (iv) Thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, nền kinh tế số và xã hội số; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng số, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình chuyển đổi số; và thu hẹp khoảng cách số, đặc biệt giữa nông thôn và thành thị; và (v) tăng cường sự gắn kết giữa hợp tác Mekong - Nhật Bản với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và các cơ chế hợp tác Mekong khác.

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được Hội nghị đánh giá cao. Các đề xuất của Việt Nam được các nước ghi nhận để thúc đẩy hợp tác cũng như chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 13 dự kiến vào cuối năm 2021.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục