Việt Nam đề nghị ASEAN tận dụng cơ hội để mua và chuyển giao công nghệ vaccine

Việt Nam đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, đẩy nhanh mua vaccine cho các nước từ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu Việt Nam tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu Việt Nam tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác

Từ ngày 2-6/8/2021, đã và sẽ diễn ra hơn 20 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Đây là một trong các đợt hội nghị quan trọng nhất trong năm của ASEAN để bàn về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Trong ngày làm việc đầu tiên, đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54), Hội đồng Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN lần thứ 23, Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 29, Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và Phiên đối thoại với các Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị này.

Tại các Hội nghị, các nước đánh giá cao tiến độ triển khai các ưu tiên của năm 2021, ủng hộ các sáng kiến của Chủ tịch Brunei về ứng phó thảm họa, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao ý thức và bản sắc Cộng đồng ASEAN. Trước thực trạng dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở nhiều nước trong khu vực, các Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian trao đổi về hợp tác ứng phó và phục hồi sau đại dịch, nhấn mạnh cần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine. Các nước cũng nhất trí tiếp tục triển khai các kết quả đạt được trong năm 2020, trong đó có kiểm điểm triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy hợp tác tiểu vùng.

Thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ với các đối tác, các nước tiếp tục khẳng định giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác và đóng góp xây dựng của các đối tác cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh và quan hệ Đối tác theo lĩnh vực với Brazil.

Các nước đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Trước các diễn biến phức tạp ở Biển Đông, các Bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982, kêu gọi kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiếp tục nỗ lực hướng tới bộ Quy tắc ứng xử COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982.

Về vấn đề Myanmar, các nước nhấn mạnh cần triển khai toàn diện và kịp thời Đồng thuận 5 điểm tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021. Các nước khẳng định mong muốn của ASEAN hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, tìm kiếm giải pháp cho những phức tạp hiện nay vì lợi ích của người dân. Các nước cũng dành thời gian trao đổi về việc cử Đặc phái viên (ĐPV) của Chủ tịch ASEAN, nhấn mạnh vai trò của ĐPV trong hỗ trợ đối thoại giữa các bên tại Myanmar cũng như nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của các Lãnh đạo ASEAN. Các Bộ trưởng nhất trí cần khẩn trương triển khai hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar ứng phó với đại dịch Covid-19 thông qua Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (AHA).

Đoàn Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn, đã tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất quan trọng tại các Hội nghị. Bộ trưởng nhấn mạnh đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Tinh thần ấy đã được thể hiện xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua và được minh chứng rõ nét trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay. Trong các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, Bộ trưởng chia sẻ ý nghĩa thiết yếu của vaccine, đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Trước những chuyển động mới trong chính sách, quan hệ và cạnh tranh giữa các nước lớn, Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, bảo đảm tiếng nói chung và cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các đối tác. Bộ trưởng đề nghị kiểm điểm quy trình và thủ tục hoạt động của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm tiếp tục giữ vững mục tiêu, giá trị và vai trò của các cơ chế này.

Trong trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, Bộ trưởng nhấn mạnh môi trường hòa bình, an ninh, và ổn định là điều kiện tiên quyết để ứng phó hiệu quả dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi và duy trì tăng trưởng ở khu vực; đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982, khuôn khổ điều chỉnh mọi hoạt động trên mọi vùng biển và đại dương. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu triển khai Đồng thuận 5 điểm, và đề nghị đẩy nhanh hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar trong bối cảnh nước này đang hứng chịu tác động nặng nề của Covid-19.

Ngày mai 03/8/2021, các BTNG ASEAN sẽ tiếp tục chương trình hội nghị với các Đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN+3.

*****

Cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân

Chiều ngày 2/8/2021, tiếp tục chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị liên quan, Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) đã họp trực tuyến. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước SEANWFZ đối với an ninh khu vực, cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, đồng thời bảo đảm quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình của các nước. Các nước cũng cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANFWZ giai đoạn 2018-2022, nhất trí tiếp tục tham vấn, thúc đẩy các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sớm ký kết Nghị định thư Hiệp ước SEANWFZ.

Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân
Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân

Hội nghị nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao vai trò và quảng bá giá trị của Hiệp ước, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, qua đó đóng góp cho nỗ lực không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Theo đó, các nước đánh giá cao Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã hoàn tất Bản ghi nhớ các hoạt động liên quan đến Hiệp ước SEANFWZ và gửi đến Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 các bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hội nghị ghi nhận các nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành ASEAN trong thúc đẩy hợp tác kỹ thuật cũng như mở rộng quan hệ hợp tác với các nước đối tác và tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trong đó, các nước hoan nghênh Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEANTOM) và Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thảm họa (AHA) phối hợp xây dựng Quy tắc ASEAN về sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với sự cố hạt nhân/phóng xạ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ ý nghĩa và vai trò của Hiệp ước SEANFWZ, đánh giá cao việc triển khai Kế hoạch hành động tăng cường thực hiện Hiệp ước SEANFWZ giai đoạn 2018-2022 dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ trưởng khẳng định ủng hộ ASEAN tiếp tục tham vấn với các nước có vũ khí hạt nhân về việc tham gia Nghị định thư SEANFWZ, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của việc duy trì mục tiêu, nguyên tắc và tính toàn vẹn của Hiệp ước. Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc xây dựng Quy tắc ASEAN về ứng phó khẩn cấp với sự cố hạt nhân, phóng xạ, coi đây là đóng góp quan trọng cho Sáng kiến Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD) của Chủ tịch Brunei về tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó các thảm họa thiên tai.

Ngày mai 03/8/2021, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ tiếp tục chương trình hội nghị với các Đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN+3.

*****

Việt Nam đề nghị đẩy nhanh dùng 10,5 triệu USD mua vaccine cho các nước từ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19

Tiếp nối các hoạt động trong chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các Hội nghị Bộ trưởng liên quan, chiều 2/8/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 29. Hội nghị được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Brunei, Chủ tịch ASEAN 2021. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, các Quan chức cao cấp ASEAN của ba trụ cột Cộng đồng Chính trị - an ninh, Kinh tế, Văn hóa - xã hội ASEAN và Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực các nước tại ASEAN (CPR).

Hội đồng điều phối ASEAN, cơ quan chủ trì điều phối hợp tác ASEAN, ghi nhận những tiến triển tích cực trong xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực. Cùng khẳng định quyết tâm giữ vững đà hợp tác, không để các thách thức ảnh hưởng tới nỗ lực hợp tác chung, các Bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, ứng phó Covid-19 và phục hồi kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, nâng cao năng lực ứng phó với thảm hoạ thiên tai và tận dụng các cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Các Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường hơn nữa phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành, xử lý hiệu quả các nội dung hợp tác liên ngành và liên trụ cột. Các Bộ trưởng cũng khẳng định phối hợp chặt chẽ để hoàn tất các ưu tiên và kết quả chính của năm 2021, chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 vào tháng 10/2021.

Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 29

Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 29

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị nhanh chóng dùng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 để mua vaccine cho các nước. Bộ trưởng cũng yêu cầu việc đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, một trong những kết quả chính của năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, cần được đảm bảo triển khai hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN trong thời gian tới.

Nhấn mạnh ý nghĩa của phát triển đồng đều và bền vững trong ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ rõ ASEAN cần quan tâm hỗ trợ các vùng miền kém phát triển trong ASEAN, bao gồm Tiểu vùng Mê Công, trong thu hẹp khoảng cách phát triển đang gia tăng ở khu vực do ảnh hưởng của đại dịch; đồng thời lồng ghép vấn đề này trong triển khai Kế hoạch công tác sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn IV. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông báo Việt Nam sẽ nỗ lực tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng: Thu hẹp khoảng cách phát triển ở các tiểu vùng vì phục hồi toàn diện và phát triển bền vững vào Quý IV/2021 tại Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại ACC

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại ACC

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã thông qua và ghi nhận nhiều văn kiện/báo cáo quan trọng, trong đó có Điều khoản tham chiếu (TOR) thành lập Nhóm đặc trách cao cấp và Lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Bộ nguyên tắc để Timor Leste tham gia các hoạt động của ASEAN vì mục tiêu xây dựng năng lực và phương thức tổ chức các hội nghị tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN. Hội đồng Điều phối ASEAN cũng chấp thuận việc bổ nhiệm ông Ekkaphab Phanthavong, quốc tịch Lào, giữ chức Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hoá-xã hội nhiệm kỳ 2021-2024.

Tiếp theo Hội nghị ACC, các Bộ trưởng Ngoại giao sẽ tổ chức Hội nghị Uỷ ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.

*****

Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các cuộc họp liên quan, phiên Đối thoại thường niên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao với các Đại diện của Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) đã diễn ra vào chiều ngày 2/8/2021.

Đại diện của Brunei Darussalam, Chủ tịch AICHR 2021, thay mặt AICHR báo cáo các Bộ trưởng về tình hình và kết quả hoạt động của AICHR trong năm qua (từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021). Báo cáo nhấn mạnh các nỗ lực của AICHR ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thông qua lồng ghép việc triển khai Kế hoạch Công tác AICHR 2021-2025 và các hoạt động thuộc Chương trình ưu tiên 2021.

Theo đó, trong năm qua, AICHR đã tăng cường hợp tác về quyền sức khoẻ, quyền của người dân trong các hoạt động kinh tế, hỗ trợ nhân đạo, môi trường và biến đổi khí hậu, quyền của nhóm yếu thế trong bối cảnh dịch bệnh như lao động di cư, phụ nữ và trẻ em… AICHR đồng thời đã thông qua 8 sáng kiến, hoạt động trong Khung phục hồi tổng thể ASEAN thuộc phạm vi chức năng của AICHR, trong đó bao gồm Chương trình ưu tiên 2022.

Đối thoại thường niên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao với các Đại diện của Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền

Đối thoại thường niên giữa các Bộ trưởng Ngoại giao với các Đại diện của Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền

Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Đại diện Việt Nam tại AICHR, phát biểu nhấn mạnh AICHR nên tập trung nguồn lực vào đáp ứng các nhu cầu cấp bách, thiết yếu và quyền cơ bản nhất của người dân như tiếp cận vaccine, an ninh lượng thực và nguồn nước sạch, giáo dục và việc làm…

Các Bộ trưởng hoan nghênh AICHR đã nỗ lực đảm bảo hiệu quả và tiến độ triển khai các công việc trong “trạng thái bình thường mới”, kịp thời điều chỉnh các hoạt động để đáp ứng và giải quyết các vấn đề nhân quyền mới khi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng trong khu vực.

Các Bộ trưởng khuyến khích AICHR tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan ASEAN và các đối tác để lồng ghép nhân quyền trong triển khai Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN và các sáng kiến ASEAN khác; tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực, tập trung vào các lĩnh vực gia tăng chất lượng cuộc sống và các quyền cơ bản của người dân, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương và đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất; qua đó đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

*****

Hợp tác chính trị-an ninh ASEAN đạt kết quả khả quan

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các Hội nghị liên quan, chiều ngày 2/8/2021 đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN lần thứ 23. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Trọng tâm của Hội nghị lần này là rà soát hoạt động của các cơ quan chuyên ngành trong trụ cột Chính trị-an ninh và tiến độ triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN 2025.

Theo báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN, dù phải đối mặt nhiều thách thức, hợp tác chính trị-an ninh ASEAN tiếp tục đạt kết quả khả quan, nhất là trong triển khai các khuyến nghị của Báo cáo kiểm điểm giữa kỳ Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN. Đến nay, 280/290 dòng hành động (tương đương 97%) đã được đưa vào triển khai; hợp tác ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi, hợp tác quốc phòng, quản lý biên giới, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống… đạt nhiều kết quả quan trọng; quan hệ giữa ASEAN với các đối tác tiếp tục được làm sâu sắc hơn thông qua triển khai các Kế hoạch hành động, nhất là hợp tác ứng phó Covid-19 và phục hồi sau dịch bệnh. Trước các diễn biến phức tạp ở khu vực như ở Biển Đông, Myanmar, Hội nghị nhấn mạnh ASEAN cần củng cố đoàn kết, tin cậy, hiểu biết và vai trò trung tâm, duy trì đối thoại và hợp tác với các đối tác, cùng đóng góp có trách nhiệm cho mục tiêu chung là hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN lần thứ 23

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị-an ninh ASEAN lần thứ 23

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới và khu vực đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, hơn bao giờ hết ASEAN cần tăng cường hợp tác chính trị-an ninh để bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định; đây là điều kiện tiên quyết để ứng phó hiệu quả dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi và duy trì tăng trưởng ở khu vực.

Trước thực trạng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, Bộ trưởng cho rằng ASEAN cần cách tiếp cận toàn diện trong quan hệ với các đối tác hiện nay cũng như hợp tác với các đối tác tiềm năng mới. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị kiểm điểm kỹ lưỡng quy trình và thủ tục hoạt động của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm tiếp tục giữ vững mục tiêu, giá trị và vai trò của các cơ chế này cũng như thúc đẩy sự tham gia và đối thoại xây dựng của các đối tác.

Nhấn mạnh tính chất đa diện và cấp bách của các thách thức hiện nay như an ninh hàng hải, đại dịch Covid-19 hay hỗ trợ nhân đạo, Bộ trưởng đề nghị cần có cách tiếp cận sáng tạo trong phối hợp liên ngành và liên trụ cột; cập nhật các vấn đề đang nổi lên hiện nay vào Kế hoạch tổng thể Cộng đồng chính trị-an ninh 2025 để bảo đảm tính tương thích và chủ động thích ứng của ASEAN. Bộ trưởng cũng đề xuất ASEAN dành thêm sự quan tâm tới Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình, an ninh nhằm thúc đẩy sự tham gia, đóng góp và vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, đồng thời ủng hộ việc xây dựng một Kế hoạch hành động của khu vực về vấn đề này.

Trước đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chứng kiến trực tuyến Lễ trao giải thưởng ASEAN năm 2020 cho Trung tâm nghiên cứu ASEAN (ASC), thuộc Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak, có trụ sở tại Singapore. Giải thưởng ASEAN được trao thường niên từ năm 2018 nhằm vinh danh các cá nhân/tổ chức của khu vực có những đóng góp quan trọng đối với nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trung tâm ASC được thành lập vào năm 2008 với nhiệm vụ thúc đẩy các nghiên cứu chính sách và nâng cao hiểu biết về ASEAN từ góc độ khu vực nhằm hỗ trợ tiến trình hội nhập ASEAN và xây dựng Cộng đồng.

*****

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54

Sáng 2/8/2021, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) đã khai mạc trực tuyến, mở đầu cho chuỗi hơn 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) từ ngày 02-06/8/2021. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các trụ cột Chính trị-an ninh, Kinh tế và Văn hóa-xã hội trong triển khai ưu tiên của năm ASEAN 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động lớn đến tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực của các nước. Các nước hoan nghênh các sáng kiến như Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD) tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp 4.0 cho ASEAN. Các Bộ trưởng cho rằng các hoạt động nâng cao ý thức và bản sắc Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa thiết thực, đóng góp cho đoàn kết, hỗ trợ, đùm bọc và chia sẻ giữa các nước, đồng thời nâng cao tự cường, chủ động và hiệu quả của ASEAN trước các thách thức đang đặt ra.

Các Bộ trưởng cam kết cần triển khai các kết quả hợp tác năm 2020, trong đó có kiểm điểm triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy hợp tác tiểu vùng. Các nước hoan nghênh Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác Tiểu vùng cuối năm nay.

Ứng phó và phục hồi sau đại dịch là nội dung được các Bộ trưởng trao đổi nhiều trước thực trạng dịch bệnh tái bùng phát ở nhiều nước trong khu vực cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới. Các Bộ trưởng nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó, đặc biệt là về vaccine; theo đó, ASEAN cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine. Hoan nghênh đóng góp của các nước ASEAN và đối tác cho Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, các nước đề nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vaccine, Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN.

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nước đã thảo luận các biện pháp tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và khẳng định giá trị của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác và sự tham gia, đóng góp tích cực, xây dựng của các đối tác cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại với Anh và quan hệ Đối tác theo lĩnh vực với Brazil. Hội nghị cũng hoan nghênh và chấp thuận đề nghị tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của Hà Lan, Hy Lạp, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Oman và Đan Mạch, tiếp tục khẳng định các nguyên tắc và giá trị của Hiệp ước trong duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực.

Các nước đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông. Trước các diễn biến phức tạp tại Biển Đông, các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, bày tỏ quan ngại về tình trạng bồi đắp và các sự việc nghiêm trọng, trong đó có vấn đề gây tổn hại đến môi trường biển. Các Bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982, kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới bộ COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982.

Các nước nhấn mạnh cần triển khai toàn diện và kịp thời Đồng thuận 5 điểm tại Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021. Các nước khẳng định mong muốn của ASEAN, hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN, vượt qua khó khăn, tìm kiếm giải pháp cho những phức tạp hiện nay vì lợi ích của người dân. Các nước cũng dành nhiều thời gian trao đổi về Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN tới Myanmar.

Các Bộ trưởng nhất trí cần khẩn trương triển khai hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar ứng phó với đại dịch Covid-19 thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (AHA).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Chủ tịch Brunei trong thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng cũng như hiện thực hóa các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2021 dưới chủ đề “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng”.

Bộ trưởng nhấn mạnh đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Tinh thần ấy đã được thể hiện xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua và được minh chứng rõ nét trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay. Trong các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, Bộ trưởng chia sẻ ý nghĩa thiết yếu của vaccine, đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trước tác động kinh tế-xã hội nặng nề của đại dịch, hơn bao giờ hết, ASEAN cần phát huy mạnh mẽ nội lực của một Cộng đồng tự cường và gắn kết, khẳng định vai trò và trách nhiệm với chính sự phát triển của khu vực; do vậy, phát triển tiểu vùng là một phần không thể tách rời của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, có ý nghĩa quan trọng đối với các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và phục hồi sau dịch bệnh. Bộ trưởng đánh giá cao tiến độ triển khai kết quả năm 2020, khẳng định Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; đồng thời, cảm ơn sự ủng hộ của các nước đối với sáng kiến tổ chức Diễn đàn hợp tác Tiểu vùng cuối năm nay.

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, Bộ trưởng chia sẻ nhận định về những chuyển động mới trong chính sách, quan hệ và cạnh tranh giữa các nước lớn đang đặt ra cho ASEAN cả thách thức và cơ hội. Trong bối cảnh đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời đề cao đoàn kết, phát huy nội lực và bảo đảm tiếng nói chung và cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các đối tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Bộ trưởng chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp tại các điểm nóng ở khu vực như Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và cùng với đó là các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy thoái môi trường biển; khẳng định hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước, song khu vực này vẫn chứng kiến các hành động trái với luật pháp quốc tế, kể cả những hành động gây tổn hại đến môi trường biển; đề nghị ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc và đề cao luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển 1982. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật Biển 1982 là cơ sở xác định quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển và là khuôn khổ điều chỉnh mọi hoạt động trên tất cả các vùng biển và đại dương.

Trao đổi về tình hình Myanmar và những tác động đối với ASEAN và khu vực, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu triển khai Đồng thuận 5 điểm, và đề nghị đẩy nhanh hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar trong bối cảnh nước này đang hứng chịu tác động nặng nề của Covid-19.

Chiều nay các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ tham dự các Hội nghị hội đồng Cộng đồng Chính trị - an ninh ASEAN (APSC), Hội đồng điều phối ASEAN, Ủy ban khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), và Phiên đối thoại với các Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục