Nhật Bản có “vũ khí” mới để thúc đẩy đầu tư

(ĐTCK) Nhật Bản đang chuẩn bị cho loại “vũ khí” mới nhắm vào ngành quản lý tài sản để thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư có biểu hiện trì trệ tại quốc gia này.
Nhật Bản có “vũ khí” mới để thúc đẩy đầu tư

Nobuchika Mori, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) mới đây đã lên tiếng chỉ trích các nhà quản lý tài sản, giám đốc quỹ đầu tư tại đất nước mặt trời mọc bởi thất bại trong việc cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Theo quan điểm của ông Mori, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Nhật Bản hiện tại là cổ vũ người dân tiến hành đầu tư khoảng 8.400 tỷ USD tiền mặt và trong tài khoản ngân hàng vào thị trường chứng khoán.

Để làm được điều này, Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành một chương trình miễn thuế đầu tư mới mang tên Installment- type NISA, dành cho các cá nhân muốn dành một lượng tiền mặt nhỏ vào chứng khoán và trái phiếu mỗi tháng để chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu của mình.

Các quỹ đầu tư chi phí thấp, có chiến lược đầu tư dài hạn là đối tượng phù hợp với chương trình này.

“Các tổ chức tài chính hiện chỉ tập trung vào việc thu phí, mà thiếu sự cổ vũ hoạt động đầu tư của khách hàng. Kết quả là, người dân cảm thấy khó khăn khi xây dựng tài sản thông qua hoạt động đầu tư”, ông Mori phát biểu tại Hiệp hội Các nhà phân tích chứng khoán.

Khối tài sản tại các quỹ trả cổ tức theo tháng, vốn bị chỉ trích vì thất bại trong việc theo đuổi chiến lược đầu tư dài hạn, đã giảm xuống mức 32.000 tỷ yên (284,1 tỷ USD) trong tháng 8/2017, so với mức đỉnh 43.000 tỷ yên vào tháng 5/2015.

Theo FSA, Installment-type NISA sẽ được khởi động vào ngày 1/1/2018, với mục tiêu cổ vũ hoạt động xây dựng tài sản của cá nhân trong dài hạn, một cách ổn định. Các cá nhân đầu tư khoảng 400.000 yên mỗi năm vào thị trường chứng khoán, hoặc trái phiếu, hoặc các thị trường tài chính nội địa khác trong thời gian tới 20 năm sẽ được miễn các loại thuế đối với cổ tức và thu nhập.

Trong khi đó, các quỹ đầu tư phù hợp với tiêu chuẩn của FSA sẽ phải thu phí quản lý tài sản ở mức 0,5% hoặc thấp hơn đối với quỹ đầu tư vào các tài sản nội địa, và 0,75% hoặc thấp hơn đối với hoạt động đầu tư tại nước ngoài.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến dịch này sẽ tạo những tác động đáng kể. Khoảng 120 quỹ đầu tư tại Nhật Bản phù hợp với điều kiện của chương trình miễn thuế mới, tăng so với chỉ khoảng 50 quỹ theo số liệu vào tháng 3. Bên cạnh đó, một số nhà quản lý tài sản lớn nhất Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng các quỹ mới đáp ứng được điều kiện của chương trình.

Cụ thể, Nissay Asset Management Corp dự định thành lập quỹ mới vào tháng 1/2018 nhằm phù hợp với chương trình miễn thuế, trong khi đã tích cực đề xướng 12 quỹ hiện tại tham gia. Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management Co tổ chức 7 quỹ mới trong tháng 8 với chiến lược đầu tư tài sản trong dài hạn. Trong khi đó, Nomura Asset Management Co, hiện đang quản lý 435 tỷ USD, cho biết sẽ cân nhắc việc hưởng ứng chương trình này của chính phủ.

Toshisuke Yomo, Giám đốc đầu tư tại Mitsibishi UFJ Kokusai cho biết: “Để đáp ứng điều kiện của chương trình, các quỹ đầu tư sẽ phải thu phí ở mức rất thấp, vì vậy cần thời gian dài để có được lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cần phải tham gia vào các chương trình như vậy, bởi các công ty đầu tư, quản lý tài sản cần mở rộng phạm vi hoạt động hơn nữa”.

Trong khi đó, Haruhiro Nakano, Chủ tịch Saison Asset Management Co nhận định: “Đây sẽ là một cú huých đầy sức mạnh, với mức độ ảnh hưởng rất lớn”.

Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của chương trình này. Shoko Shinoda, chiến lược gia tại Rakuten Secutities Inc cho rằng, Installment-type NISA chỉ là một phiên bản mới của chương trình miễn thuế mang tên NISA được bắt đầu vào năm 2014 và không mang lại hiệu quả đáng kể trong việc thúc đẩy đầu tư.

Theo số liệu của FSA, khoảng 11 triệu người đã mở tài khoản trong chương trình NISA gốc tính tới cuối tháng 3/2017, nhưng 39% số tài khoản tại các công ty đầu tư chưa được sử dụng. Không chỉ vậy, đa phần chủ tài khoản là các cư dân đã ít nhất 60 tuổi.

Bên cạnh đó, thử thách lớn nhất đối với chính phủ là các hộ gia đình Nhật Bản vẫn giữ 52% lượng tài sản của mình bằng tiền mặt hoặc các tài khoản tiết kiệm, chỉ 15% tại thị trường chứng khoán hoặc quỹ đầu tư, theo số liệu của Bank of Japan. Tại Mỹ, 47% tài sản của các hộ gia đình nằm tại thị trường chứng khoán hoặc quỹ đầu tư. Con số này tại châu Âu là 27%.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục