Mặc dù hầu hết các ca mắc COVID-19 này đều được phát hiện ở các khu vực cách ly tại sây bay và những người tiếp xúc gần với người bị bệnh, nhưng Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Shigeyuki Goto cho biết, biến thể Omicron đang có chiều hướng lây lan mạnh trên phạm vi toàn thế giới, đây là kịch bản khó tránh khỏi. Bộ này cũng gửi thông báo đến chính quyền các địa phương để tăng cường cảnh giác và nhanh chóng mở rộng hệ thống kiểm soát và chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở lưu trú phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tại tỉnh Osaka, nơi phát hiện các ca lây nhiễm biến thể Omicron tại cộng đồng đầu tiên vào ngày 22/12, đại diện chính quyền cho biết, công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới đã được tăng cường.
Theo đó, đến cuối tháng này, tỉnh Osaka sẽ đảm bảo có 610 giường bệnh điều trị cho các ca nặng, 3.070 giường điều trị cho các ca nhẹ và trung bình, tức là tăng khoảng 500 giường so với thời điểm cuối tháng 8. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú cũng đã sẵn sàng 8.500 phòng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 với năng lực có thể điều trị 1.000 người mỗi ngày.
Trong khi đó, tại thủ đô Tokyo, một trong những tâm dịch của làn sóng lây nhiễm mùa Hè vừa qua, trong ngày 22/12, Thống đốc Yuriko Koike đã tổ chức cuộc họp với người đứng đầu các trung tâm y tế thuộc địa phương này nhằm thảo luận các giải pháp sẵn sàng ứng phó với khả năng bùng phát đợt lây nhiễm mới.
Theo đó, chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận chủ trương sẽ mở rộng dần các cơ sở lưu trú từ 3.400 phòng lên 4.760 phòng điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong trường hợp số lượng ca mắc biến thể Omicron tăng lên trung bình 100 ca/ngày thì số giường điều trị sẽ có thể được tăng lên 6.891 giường, so với 5.657 giường hiện nay.
Liên quan đến thời điểm có thể bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ sáu tại Nhật Bản, một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Akimasa Hirata, Viện Công nghệ Nagoya đứng đầu, đã đưa ra dự báo bằng phương pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dựa trên cơ sở dữ liệu về khả năng lây nhiễm của biến thể Omicron và tác dụng của vaccine phòng COVID-19.
Theo đó, số lượng ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại thủ đô Tokyo thời điểm cuối tháng 1/2022 có thể lên tới 3.000 ca, chủ yếu là do thời điểm cuối năm cũ đầu năm mới diễn ra nhiều hoạt động ăn uống, tụ tập đông người và di chuyển giữa các địa phương gia tăng. Đỉnh dịch có thể đạt vào giữa tháng 2 với khoảng 3.700 ca mắc mới/ngày. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu này cũng cho biết, những tiến triển tích cực của tiêm vaccine hiện tại có thể sẽ giúp hạn chế số ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong, cũng như giảm áp lực đối với các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 so với thời điểm mùa Hè vừa qua.