Nhận tin kinh tế thất vọng, chứng khoán đồng loạt giảm

(ĐTCK) Trong khi giá vàng túc tắc tăng, thì chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên đầu tuần mới khi dữ liệu kinh tế mới của Mỹ vừa công bố gây thất vọng.
Nhận tin kinh tế thất vọng, chứng khoán đồng loạt giảm

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, thị trường đón nhận thông tin kinh tế quan trọng đầu tiên là doanh số bán xe ô tô tháng 3. Tuy nhiên, con số công bố thấp hơn kỳ vọng của thị trường, nhất là từ nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Mỹ là General Moto. Điều này cho thấy sự bùng nổ trong doanh số bán xe ô tô trước đó đã có dấu hiệu chấm dứt.

Trong khi đó, chi tiêu xây dựng của Mỹ trong tháng 2 cũng chỉ tăng 0,8% so với mức dự báo là tăng 1,2%. Chỉ số sản xuất ISM tháng 3 ở mức 57,2, thấp hơn so với mức 57,7 trong tháng 2.

Trong khi đó, nhà đầu tư đang tự đặt câu hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Trump có thực sự kích thích kinh tế hay không. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc thông qua các chính sách kinh tế tại Quốc hội Mỹ của chính quyền Thổng thống Trump được dự báo sẽ rất khó khăn.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi cuộc họp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này.

Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Dow Jones giảm 13,01 điểm (-0,06%), xuống 20.650,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,88 điểm (-0,16%), xuống 2.358,84 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 17,06 điểm (-0,29%), xuống 5.894,68 điểm.

Ảnh hưởng từ những thông tin không mấy khả quan về doanh số bán xe tháng 3 của Mỹ, cũng như về cuộc tấn công khủng bố tại Nga, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt quay đầu giảm trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 3/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,23 điểm (-0,55%), xuống 7.282,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 55,67 điểm (-0,45%), xuống 12.257,20 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 36,60 điểm (-0,71%), xuống 5.085,91 điểm.

Trong khi chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm điểm, thì chứng khoán châu Á lại phục hồi nhẹ trong phiên đầu tuần nhờ cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy, niềm tin của các nhà sản xuất Nhật Bản đã được cải thiện trong quý I, quý tăng thứ 2 liên tiếp, lên mức cao nhất 1 năm rưỡi.

Tuy nhiên, đà tăng của thị trường bị hạn chế khi mối lo dài hạn là tình hình của các doanh nghiệp xuất khẩu trước bối cảnh đồng yên tăng mạnh.

Chứng khoán Hồng Kông cũng phục hồi khá mạnh trong phiên thứ Hai nhờ nhóm cổ phiếu cơ sở hạ tầng sau khi có thông tin Trung Quốc có kế hoạch thành lập một khu kinh tế đặc biệt tại tỉnh bị ô nhiễm nặng là Hà Bắc. Thị trường Trung Quốc đại lục vẫn đang nghỉ lễ.

Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 73,97 điểm (+0,39%), lên 18.983,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 149,89 điểm (+0,62%), lên 24.261,48 điểm.

Đang lình xình với mức giảm nhẹ trong phiên châu Âu, giá vàng đã đảo chiều tăng trở lại khi bước vào phiên giao dịch Mỹ trước những thông tin thất vọng của kinh tế Mỹ được công bố.

Kết thúc phiên 3/4, giá vàng giao ngay tăng 3,8 USD (+0,3%), lên 1.253,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 3,4 USD (+0,27%), lên 1.250,8 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm trong phiên đầu tuần mới sau thông tin sản lượng khai thác dầu của Lybia phục hồi mạnh sau dữ liệu lạc quan từ kinh châu Á.

Kết thúc phiên 3/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,36 USD/thùng (-0,72%), xuống 50,24 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,41 USD (-0,77%), xuống 53,12 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục