Nhận tín hiệu xấu, giới đầu tư thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tin tức không mấy tích cực khiến Phố Wall chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần qua (22/1).
Nhận tín hiệu xấu, giới đầu tư thoát hàng

Thứ Sáu, giới nhà đầu tư không tìm được nhiều lý do để “xuống tiền” khi các chỉ số chính trên phố Wall đã lập đỉnh lịch sử trong tuần, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn rất tồi tệ. Số liệu do Đại học Johns Hopkins thống kê cho thấy, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mức 97,5 triệu vào ngày 22/1, trong khi số ca tử vong tăng lên trên 2,09 triệu ca.

Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu ngày một mở rộng cũng đè nặng tâm lý lên giới đầu tư.

Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, tình trạng đóng cửa hiện tại của quốc gia này có thể kéo dài đến mùa hè. Các ca nhiễm Covid-19 cũng đang lây lan nhanh ở Trung Quốc sau nhiều tháng và ngay trước Tết Nguyên đán với 103 ca ​​nhiễm mới trong ngày 22/1, trong khi Hồng Kông (Trung Quốc) lần đầu tiên phải thực hiện các biện pháp phong toả toàn bộ khu vực.

Trong khi đó, trong buổi họp báo hôm thứ Năm (21/1) tại Nhà Trắng, Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cảnh báo, vắc-xin hiện có trên thị trường có thể kém hiệu quả hơn trong việc chống lại các biến thể của virus Covid-19.

Mặt khác, tại Washington, đề xuất xung quanh gói cứu trợ kinh tế trị grá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang vấp phải phản đối ở Thượng viện. Các thượng nghị sĩ Cộng hoà phàn nàn gói cứu trợ 1.900 tỷ USD mà Nhà Trắng đang thúc đẩy là khoản chi quá tốn kém. Một số nội dung của gói cứu trợ không liên quan trực tiếp tới đại dịch, như tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ.

Ngoài ra, thị trường cũng lo ngại thủ tục luận tội cựu Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện có thể làm chậm tiến độ triển khai gói cứu trợ của ông Biden. Các báo cáo luận tội ông Trump dự kiến ​​sẽ được chuyển đến Thượng viện vào thứ Hai (25/1).

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Dow Jones giảm 179,03 điểm (-0,57%), xuống 30.996,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,6 điểm (-0,3%), xuống 3.841,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tang 12,15 điểm (+0,09%), lên 13.543,06 điểm.

Trong cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,9%, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 4,2%.

Chứng khoán châu Âu lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu, khép lại một tuần mờ nhạt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng euro thu hẹp do các nước thực hiện phong toả nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) do IHS Markit thu thập cho khu vực đồng euro đã giảm sâu hơn xuống dưới mốc 50, chạm mức 47,5 trong tháng 1, từ mức 49,1 trong tháng 12.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,35 điểm (-0,30%), xuống 6.695,07 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 32,70 điểm (-0,24%), xuống 13.873,97 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 21,22 điểm (--0,56%), xuống 5.559,57 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,6%, chỉ số DAX tăng 0,63% và CAC40 giảm 0,93%.

Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần qua. Chứng khoán Nhật Bản giảm khi phần lớn các nhà đầu tư hạn chế “đặt cược trước” mùa báo cáo kết quả kinh doanh, trong khi một số khác có động thái chốt lời sau đợt tăng gần đây.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, cũng do giới nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây được thúc đẩy bởi kế hoạch kích thích kinh tế của ông Joe Biden.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất từ cuối tháng 11 năm ngoái, cũng bởi áp lực chốt lời gia tăng trên diện rộng.

Tương tự, chứng khoán Hàn Quốc giảm khi giới đầu tư chốt lời sau ba phiên tăng mạnh liên tiếp gần nhất.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 125,41 điểm (-0,44%), xuống 28.631,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,51 điểm (-0,40%), xuống 3.606,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 479,91 điểm (-1,60%), xuống 29.447,85 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 20,21 điểm (-0,64%), xuống 3.140,63 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,39%, chỉ số Shanghai Composite tang 1,13%, chỉ số Hang Seng tăng 2,53,060% và chỉ số KOSPI tang 1,77%.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu giảm khá sâu do chịu sức ép của đồng USD mạnh lên. Mặc dù thị trường vàng đang khó khăn để tìm được sự ổn định song nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tỏ ra lạc quan, đặc biệt là khi chính phủ Mỹ đang xem xét gói kích thích 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất.

Kết thúc phiên 22/1, giá vàng giao ngay giảm 14,50 USD (-0,76%), xuống 1.855,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 9,70 USD (-0,52%), xuống 1.856,20 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,47%, giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 1,44%.

Tuần này, trong số 15 chuyên gia trên phố Wall tham gia khảo sát của Kitco, có 9 người, chiếm 60%, dự báo vàng sẽ tăng giá. Có 3 người, chiếm 20%, cho rằng giá vàng giảm và 3 người, chiếm 20%, dự báo giá vàng đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến, trong số 1.581 người tham gia, có 1.063 người, tương đương 67%, tin rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này. 275 người khác, chiếm 17%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 243 người còn lại, chiếm 15%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên thứ Sáu trong bối cảnh tồn kho dầu thô của Mỹ tăng và thị trường lo ngại các hạn chế tiếp xúc xã hội mới ở Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu nhiên liệu ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới giảm trong thời gian tới.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 4,4 triệu thùng trong tuần trước, trong khi giới quan át kỳ vọng con số này sẽ giảm 1,2 triệu thùng.

Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, tuần này là tuần thứ 9 liên tiếp, các công ty năng lượng Mỹ bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên do giá đâu tăng cao vài tháng qua, song tổng số giàn khoan hoạt động vẫn thấp hơn 52% so với thời điểm này năm ngoái .

Ngoài ra, nhu cầu đi lại tại Mỹ đã giảm 11% trong tháng 11/2020 do các ca nhiễm Covid-19 gia tăng, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cho biết hôm thứ Sáu.

Kết thúc phiên 22/1, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,86 USD (-1,65%), xuống 52,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,69 USD (-1,25%), xuống 55,41 USD/thùng.

Trong tuần, dầu WTI giảm 0,2%, dầu Brent tăng 0,6%.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục