Chứng khoán Mỹ khởi động phiên giữa tuần với biên bản cuộc họp định kỳ tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Chi tiết biên bản này chỉ ra, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể bắt đầu giảm bớt việc mua lại 120 tỷ USD tài sản hàng tháng sớm nhất là vào tháng 11 hoặc tháng 12, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đã phục hồi đáng kể sau những cú sốc tồi tệ nhất do đại dịch. Một số quan chức Fed thậm chí còn muốn đẩy nhanh tốc độ giảm mua tài sản hơn mức 15 tỷ USD/tháng đang được đề xuất.
Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,4% trong tháng 9 sau khi tăng 0,3% trong tháng 8. Theo đó, CPI của Mỹ ghi nhận tăng 5,4% trong 12 tháng qua.
CPI lõi, loại trừ giá năng lượng và thực phẩm nhiều biến động, tăng 0,2% trong tháng 9 sau khi tăng 0,1% trong tháng 8, mức tăng nhỏ nhất trong sáu tháng trước đó. CPI lõi tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu cho thấy lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt củng cố thêm quan điểm của Fed về việc thu hẹp chính sách nới lỏng, với khả năng kết thúc chương trình mua tài sản giữa năm 2022 để chuẩn bị cho việc bình thường hóa lãi suất.
Mặt khác, mùa báo cáo quý III đã bắt đầu. Refinitiv dự báo, tăng trưởng lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp trên phố Wall sẽ đạt mức 29,6% so cùng kỳ năm trước, chậm lại rõ rệt so với mức tăng trưởng lần lượt 52,8% và 96,3% trong quý I và II năm nay.
JPMorgan Chase mở đầu mùa báo cáo với lợi nhuận vượt kỳ vọng, tuy nhiên, cổ phiếu của ngân hàng này vẫn giảm 2,6% do lợi suất trái phiếu giảm.
Bank of America, Citigroup, Wells Fargo và Morgan Stanley sẽ công bố báo cáo vào thứ Năm (14/10), trong khi Goldman Sachs sẽ báo cáo vào thứ Sáu (15/10).
Trong khi Dow Jones đi ngang, S&P 500 và Nasdaq Composite đóng cửa trong sắc xanh nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng, dẫn đầu là Amazon.com và Microsoft, bất chấp cổ phiếu ngân hàng gây áp lực. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, cả S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đều đang đi lên.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Dow Jones giảm 0,53 điểm (-0,00%), xuống 34.377,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,15 điểm (+0,30%), lên 4.363,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 105,71 điểm (+0,73%), lên 14.571,64 điểm.
Chứng khoán châu Âu leo dốc trong phiên ngày thứ Tư sau khi nhận được dự báo lợi nhuận khả quan từ tập đoàn phần mềm Đức SAP và nhãn hàng xa xỉ LVMH khởi động mùa báo cáo quý III với một bức tranh kinh doanh mạnh mẽ.
Cũng hỗ trợ tâm lý thị trường là dữ liệu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng nhanh trong tháng 9.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,59 điểm (+0,16%), lên 7.141,82 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 102,51 điểm (+0,68%), lên 15.146,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 49,27 điểm (+0,75%), lên 6.597,38 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm khi các nhà đầu tư đứng ngoài chờ đợi dữ liệu CPI của Mỹ công bố vào cuối ngày.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhờ sự thúc đẩy của nhóm cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ. Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ báo cáo việc làm tích cực thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 90,33 điểm (-0,32%), xuống 28.140,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,83 điểm (+0,42%), lên 3.561,76 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 28,03 điểm (+0,96%), lên 2.944,41 điểm.
Giá vàng đêm qua tăng vọt sau khi Mỹ công bố số liệu CPI tiếp tục tăng trong tháng 9 vừa qua. Trong khi đó, đồng USD yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ thấp hơn cũng hỗ trợ vàng tăng giá.
Kết thúc phiên 13/10, giá vàng giao ngay tăng 32,80 USD (+1,86%), lên 1.792,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 35,40 USD (+3,01%), lên 1.794,70 USD/ounce.
Giá dầu hạ nhiệt đôi chút vào thứ Tư trong bối cảnh thị trường lo ngại tăng trưởng nhu cầu dầu thô sẽ chậm lại sau khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, công bố dữ liệu cho thấy nhập khẩu tháng 9 giảm 15% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đứng ngoài chờ đợi dữ trữ tồn kho dầu của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần để rõ hơn về tình trạng nguồn cung.
Mặt khác, tình trạng thiếu than và khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc, Châu Âu và Ấn Độ đang tạo nên cơn sốt giá nhiên liệu toàn cầu.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm thứ Tư đã vạch ra các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng để ngăn chặn giá năng lượng tăng cao và cho biết sẽ thăm dò phương án mua khí đốt chung giữa các quốc gia.
Trong khi đó, OPEC mặc dù cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới cho năm 2021 song vẫn giữ nguyên quan điểm năm 2022 đồng thời cho biết, giá khí đốt tự nhiên tăng cao có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm dầu thay thế.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 13/10 đánh giá, giá dầu có thể đạt mức 100 USD/thùng và lưu ý Moscow sẵn sàng cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho châu Âu nếu được yêu cầu.
Kết thúc phiên 13/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,20 USD (-0,3%), xuống 80,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,24 USD (-0,3%), xuống 83,18 USD/thùng.