Áp lực đè nặng tâm lý giới đầu tư trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm vào thứ Ba (12/10) khi áp lực vẫn đè nặng tâm lý nhà đầu tư trước thềm mùa báo cáo quý III bắt đầu cũng như nhiều dữ liệu quan trọng được công bố.
Áp lực đè nặng tâm lý giới đầu tư trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III

Thứ Ba, thị trường tỏ ra lo lắng và đứng ngoài chờ đợi những báo cáo quan trọng trong tuần này. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào sáng ngày thứ Tư (13/10). Các chuyên gia kinh tế Dow Jones dự báo giá của một loạt mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng 0,3% so với tháng trước đó và tăng 5,3% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng dự kiến công bố biên bản cuộc họp định kỳ tháng 9 vào ngày thứ Tư. Thị sẽ xem xét kỹ lưỡng tài liệu này để tìm kiếm tín hiệu liên quan đến kế hoạch thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed.

Mặt khác, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III bắt đầu trong tuần này với báo cáo JPMorgan Chase vào thứ Tư. Theo sau là Bank of America, Walgreens Boots Alliance, Wells Fargo, Morgan Stanley, Citigroup và Goldman Sachs.

Cổ phiếu của JPMorgan giảm 0,8% trong phiên, trong khi chỉ số ngân hàng thuộc S&P 500 giảm 0,6%.

Mùa báo cáo quý III có thể dẫn đến sự biến động nhiều hơn trên Phố Wall sau một tháng 9 ảm đạm. Refinitiv dự báo, tăng trưởng lợi nhuận quý III được sẽ tăng trưởng 29,6% so cùng kỳ năm trước, sau khi bứt phá 96,3% trong quý II.

Đáng chú ý, cổ phiếu Tesla tăng 1,7% sau dữ liệu cho thấy hãng xe điện này đã bán được 56.006 xe sản xuất tại Trung Quốc sản trong tháng 9, đạt doanh số cao nhất kể từ khi bắt đầu vận hành nhà máy sản xuất tại Thượng Hải hai năm trước. Tesla là động lực lớn nhất cho S&P 500 và Nasdaq trong phiên đêm qua..

Ba chỉ số chính của Phố Wall kết thúc trong sắc đỏ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, cả S&P Futures, Dow Futures và Nasdaq Futures đều đang đi xuống.

Kết thúc phiên 12/10, chỉ số Dow Jones giảm 117,72 điểm (-0,34%), xuống 34.378,34 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,54 điểm (-0,24%), xuống 4.350,65 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 20,28 điểm (-0,614%), xuống 14.465,93 điểm.

Chứng khoán châu Âu sụt giảm vào thứ Ba do các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại rằng lạm phát và giá hàng hóa tăng cao sẽ cản trở đà phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp trong quý vừa qua.

Bên cạnh đó, lo lắng về lĩnh vực bất động đang gặp khó khăn tại Trung Quốc vẫn còn sau khi Tập đoàn Evergrande hôm 12/10 tiếp tục bỏ lỡ đợt thanh toán trái phiếu thứ ba trong ba tuần.

Cùng với việc các ngân hàng trung ương lớn đang xem xét rút lại các biện pháp kích thích, kỳ vọng cho mùa thu nhập đã bị che mờ. Mùa báo cáo quý III tại châu Âu sẽ bắt đầu vào cuối ngày với LVMH.

Kết thúc phiên 12/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,62 điểm (-0,23%), xuống 7.130,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 52,27 điểm (-0,24%), xuống 15.146,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 40,20 giảm 22,43 điểm (-0,34%), xuống 6.548,11 điểm.

Trong tuần, FTSE 100 tăng 0,97%, DAX tăng 0,33%, CAC 40 giảm 0,65%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản hạ nhiệt sau ba phiên liên tiếp tăng trước đó. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh khởi động với Yaskawa Electric. Cổ phiếu hãng này giảm hơn 4,3% khi tiếp tục có quý thua lỗ, mặc dù trước đó đã điều chỉnh tăng triển vọng lợi nhuận trong năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm do cổ phiếu các lĩnh vực sử dụng nhiều điện và than lao dốc. Chứng khoán Hồng Kông giảm khi nhóm cổ phiếu các công ty công nghệ lớn kéo lùi.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do giá dầu tăng cao gây ra lo ngại lạm phát, trong khi lợi suất trái phiếu chuẩn cũng tăng vọt sau khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ra tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa vào đầu tháng 11.

Kết thúc phiên 12/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 267,59 điểm (-0,94%), xuống 28.230,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 44,77 điểm (-1,25%), xuống 3.546,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 362,50 điểm (-1,43%), xuống 24.962,59 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 39,92 điểm (-1,35), xuống 2.916,38 điểm.

Giá vàng đêm qua hồi phục trong bối cảnh dòng tiền rời khỏi thị trường rủi ro, cơn sốt năng lượng ngày càng leo thang. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Ba đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống 5,9% so với ước tính trước đó là 6,0%.

Kết thúc phiên 12/10, giá vàng giao ngay tăng 6,20 USD (+0,35%), lên 1.760,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,60 USD (+0,21%), lên 1.759,30 USD/ounce.

Dầu phiên đêm qua ổn định hơn sau phiên giao dịch đầy biến động đầu tuần, tạm dừng đợt tăng “nóng” đưa giá lên mức cao nhất trong nhiều năm và làm dấy lên lo ngại rằng chi phí năng lượng cao hơn có thể làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 12/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,12 USD (+0,15%), lên 80,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,23 USD (-0,3%), xuống 83,42 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục