Việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang trong giai đoạn hoàn tất các công đoạn còn lại và sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường trước ngày 15/12/2015.
Theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Trầm Bê tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Southern Bank. Thông qua số cổ phần đã uỷ quyền này, NHNN đang có trong tay hơn 51% cổ phần của Sacombank sau hợp nhất và là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tại đây. Dự kiến, đại diện của Nhà nước tham gia HĐQT Sacombank sau hợp nhất sẽ chính thức có mặt trong đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Như vậy, một lần nữa, bộ máy nhân sự cấp cao của Sacombank lại thay đổi. Trước đó, Sacombank đã không dưới 3 lần thay Chủ tịch HĐQT trong 3 năm kể từ khi Ngân hàng rơi vào tay nhóm cổ đông lớn.
Trong khi đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đang được tái cơ cấu mạnh mẽ về bộ máy điều hành, nhân sự cấp cao. Mặc dù ngồi ghế nóng Chủ tịch, song khi đăng đàn trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank diễn ra tháng 7/2015, ông Lê Hùng Dũng đã cho biết, sẽ rút lui khỏi HĐQT nhiệm kỳ tới (giai đoạn 2015 - 2020).
Eximbank dự kiến tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu lại nhân sự HĐQT trong tháng này. Theo các nguồn tin, không chỉ ghế “nóng”, mà ngay cả người điều hành cấp cao tại nhà băng này cũng có thể thay đổi. Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, có thể nhân sự NHNN sẽ điều hành, quản lý Eximbank.
Ngoài hai nhà băng trên, chỉ trong vòng 2 tháng qua đã có không dưới 3 ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT ở 3 ngân hàng khác đã được soán ngôi. Người cũ bất ngờ từ nhiệm, với nhiều lý do khác nhau, thay vào đó là những gương mặt mới lên nắm quyền điều hành.
Cụ thể, Saigonbank đã có thông báo đến cổ đông về việc thay đổi nhân sự cấp cao ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Phước Minh thôi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013 - 2017 từ ngày 1/9/2015 để nghỉ hưu theo chế độ. Ông Trần Quốc Hải, thành viên HĐQT sẽ ngồi ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013 - 2017 kể từ ngày 1/9/2015.
Trước đó, vào giữa tháng 7/2015, Nam A Bank cũng bất ngờ tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VI (2011 - 2016) đối với ông Nguyễn Quốc Toàn. Đồng thời, HĐQT Nam A Bank đã có nghị quyết bầu ông Phan Đình Tân, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT lên làm Chủ tịch HĐQT của Nam A Bank.
Tân Chủ tịch Nam A Bank khẳng định, Ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển vững chắc, ổn định, đi đúng định hướng đã đề ra. Ngân hàng này đang quá trình triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, nhưng chưa thành công.
Nhân sự cấp cao Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng được dư luận quan tâm nhiều trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2015. Sau khi rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của NHNN và 2 cán bộ cấp cao của nhà băng là ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank bị đình chỉ cùng với việc từ nhiệm của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Chủ tịch HĐQT DongA Bank tại đại hội đồng cổ đông ngày 21/7, ngân hàng này đã có Chủ tịch HĐQT mới vào ngày 27/8.
Theo đó, NHNN đã có Quyết định 268/QĐ/NHNN chỉ định ông Võ Minh Tuấn tham gia HĐQT DongA Bank với vị trí ủy viên, thay thế vị trí của ông Trần Phương Bình. Đồng thời, HĐQT DongA Bank đã họp và đồng ý với đơn từ nhiệm thành viên HĐQTQ của ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT. Các thành viên HĐQT DongA Bank cũng thống nhất bầu ông Võ Minh Tuấn làm Chủ tịch thay ông Kiêm.
Trong thời gian qua, ghế “nóng” của nhiều ngân hàng đã được thay đổi nhiều. Với chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trong giai đoạn cuối, dự báo không chỉ ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT, mà cả vị trí tổng giám đốc của một số ngân hàng cũng sẽ thay đổi trong thời gian tới.