Saigonbank vừa có thông báo đến cổ đông về việc thay đổi nhân sự cấp cao ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Phước Minh thôi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013 - 2017 từ ngày 1/9 để nghỉ hưu theo chế độ. Người thay thế ông Minh là ông Trần Quốc Hải, thành viên HĐQT.
Cũng trong thông báo mới đây gửi đến cổ đông, Saigonbank đưa ra thời gian về việc chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến bằng văn bản phương án tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng. Thời gian lấy ý kiến cổ đông từ 15 - 25/9/2015. Phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng đã được Saigonbank đưa ra từ năm 2014 nhưng chưa thành công. Hiện vốn điều lệ của Ngân hàng là 3.080 tỷ đồng.
Trước đó, Saigonbank từng được quan tâm bởi thông tin sẽ sáp nhập vào Vietcombank. Tuy nhiên, tại kỳ ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 24/4 vừa qua, HĐQT nhà băng này chưa trình cổ đông chủ trương sáp nhập với một ngân hàng khác. Cơ cấu cổ đông Saigonbank hiện tại gồm có: Thành ủy (UBND TP. HCM) nắm 18,8%; Công ty TNHH MTV Xây dựng & Kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm 16,64%; Công ty TNHH MTV Du lịch thương mại Kỳ Hòa nắm 16,35%; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM nắm 14,08%.
Không chỉ Saigonbank, vào giữa tháng 7/2015, Nam A Bank cũng bất ngờ tiến hành ĐHCĐ bất thường thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Nam A Bank nhiệm kỳ VI (2011 - 2016) của ông Nguyễn Quốc Toàn. Trong khi đó, ông Toàn chỉ mới được bổ nhiệm chức danh này từ ngày 27/3/2015 tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm 2015 của Nam A Bank. HĐQT có Nghị quyết bầu ông Phan Đình Tân, Phó chủ tịch thường trực HĐQT lên làm Chủ tịch HĐQT của Nam A Bank.
Việc ông Toàn bất ngờ thôi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Nam A Bank khiến thị trường liên tưởng đến khả năng ông Toàn có liên quan đến ghế “nóng” của Eximbank. Tuy nhiên, sau ĐHCĐ bất thường của Nam A Bank ngày 15/7, tại ĐHCĐ thường niên Eximbank ngày 21/7, vấn đề nhân sự đã không được nhắc tới, do chưa được NHNN chuẩn y.
Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ cử nhân sự NHNN vào điều hành Eximbank. Hai ứng viên là người cũ của Nam A Bank ứng cử HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng lên tiếng đã rút lui khỏi danh sách trên khi “hôn nhân” Nam A Bank - Eximbank bất thành.
Ghế “nóng” Chủ tịch Eximbank đến nay vẫn do ông Lê Hùng Dũng đảm nhiệm, nhưng sắp tới sẽ có người mới thay thế, vì năm 2015 nhiệm kỳ HĐQT cũ của Eximbank hết thời hạn, trong khi ông Dũng cũng cho biết tại ĐHCĐ sẽ rút lui khỏi HĐQT trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Nhà đầu tư chờ đợi ĐHCĐ bất thường của Eximbank trong thời gian tới. Đây được xem là ĐHCĐ nhiều kịch tính nhất từ đầu năm đến nay.
Trong những ngày cuối tháng 8 - đầu tháng 9/2015, câu chuyện quanh DongA Bank cũng được dư luận quan tâm. Sau khi rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, 2 cán bộ cấp cao của nhà băng này là ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc bị đình chỉ công tác.
Cùng với việc từ nhiệm của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Chủ tịch HĐQT DongA Bank tại kỳ ĐHCĐ ngày 21/7, DongA Bank đã chính thức có Chủ tịch HĐQT mới vào ngày 27/8. Theo đó, NHNN đã có Quyết định 268/QĐ/NHNN chỉ định ông Võ Minh Tuấn tham gia HĐQT DongA Bank với vị trí ủy viên, thay thế vị trí của ông Trần Phương Bình. HĐQT DongA Bank đã họp và đồng ý với đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Cao Sỹ Kiêm, đồng thời thống nhất bầu ông Võ Minh Tuấn làm Chủ tịch.
Trước đó, ngày 24/8, HĐQT DongA Bank công bố, ông Nguyễn An, Phó tổng giám đốc lên nắm quyền điều hành DongA Bank, thay thế ông Trần Phương Bình.
Được biết, ông Võ Minh Tuấn được bổ nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, thuộc NHNN từ tháng 9/2014. Trước đó, từ tháng 1/2014, ông Tuấn là Phó tổng giám đốc OCB. Ông Tuấn đã có hơn 20 năm công tác tại VietinBank (từ năm 1990 đến 2013) và đã trải qua nhiều vị trí tại ngân hàng này.
Kết quả thanh tra DongA Bank của NHNN cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Ngân hàng.
NHNN cam kết bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật, đồng thời tái cơ cấu toàn diện DongA Bank để ngân hàng này hoạt động an toàn, lành mạnh, phát triển bền vững.
Thực tế thời gian qua, ghế “nóng” của nhiều ngân hàng đã bị soán ngôi, nhưng với chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành của NHNN, sẽ còn nhiều nhà băng thay ghế Chủ tịch HĐQT. Nhưng người mới chưa hẳn là các ông chủ thực sự của các nhà băng đó!