Trong phiên thứ Năm, ảnh hưởng từ Apple tạo “sóng xung kích”, chứng khoán toàn cầu đã lao dốc mạnh. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, những thông tin tích cực liên tiếp đến với nhà đầu tư, giúp chứng khoán khởi sắc trở lại, lấy lại cả vốn lẫn lãi.
Tại một hội thảo cuối tuần qua, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed tái khẳng định, nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững mạnh, nhưng Fed sẽ duy trì chính sách linh hoạt trong quản lý lãi suất.
Thêm vào đó, dữ liệu việc làm mới vừa công bố thấy, các công ty Mỹ đã tạo thêm 312.000 việc làm trong tháng 12, cao hơn nhiều dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9% do nhiều người quyết định quay lại thị trường lao động. Tốc độ tăng lương cũng vượt dự báo.
Thêm thông tin tích cực là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng vào triển vọng tích cực của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Các chuyên gia cho rằng, những phiên giảm mạnh trước đó là do những lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới bị thổi phồng. Do đó, ngay khi có những thông tin tích cực, giới đầu tư đã ồ ạt xuống tiền mua vào trở lại, giúp chứng khoán khởi sắc.
Nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi bị bán tháo do ảnh hưởng từ “sóng xung kích” Apple cũng đồng loạt tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, đặc biệt là nhóm FAANG. Cụ thể, Facebook tăng 5%, Apple tăng 4%, Amazon tăng 5, Alphabet (Google) tăng 4,3% và tăng mạnh nhất trong nhóm này là Netflix với 10%.
Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Dow Jones tăng 746,94 điểm (+3,29%), lên 23.433,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 84,05 điểm (+3,43%), lên 2.531,94 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 275,35 điểm (+4,26%), lên 6.738,86 điểm.
Dù có phiên lao dốc mạnh hôm thứ Năm, nhưng với phiên khởi sắc cuối tuần, cùng 2 phiên nhích nhẹ trước đó, phố Wall có tuần giao dịch đầu tiên của năm 2019 rất tích cực khi cả 3 chỉ số đều tăng tốt. Trong đó, Dow Jones tăng 1,61%, S&P 500 tăng 1,86% và Nasdaq tăng 2,34%.
Tương tự, dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ, cùng kỳ vọng vào đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng giúp chứng khoán châu Âu khởi sắc trong phiên cuối tuần qua. Đây là phiên tăng điểm mạnh nhất của chứng khoán “lục địa già” kể từ tháng 6/2016.
Kết thúc phiên 4/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 144,76 điểm (+2,16%), lên 6.837,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 351,03 điểm (+3,37%), lên 10.767,69 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 125,64 điểm (+2,72%), lên 4.737,12 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng có tuần giao dịch đầu tiên của năm mới tích cực nhờ phiên khởi sắc cuối tuần. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 1,54%, chỉ số DAX tăng 1,98% và CAC 40 tăng 1,25%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản lao dốc ngay khi trở lại giao dịch phiên đầu tiên trong năm 2019 do nhóm cổ phiếu sản xuất chíp lao dốc theo cổ phiếu Apple, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại tăng vọt sau khi Trung Quốc hạ dữ trữ bắt buộc với các ngân hàng, cũng như triển vọng tích cực từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 4/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản giảm 452,81 điểm (-2,26%), xuống 19.561,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 50,51 điểm (+2,05%), lên 2.514,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 561,67 điểm (+2,24%), lên 25.626,03 điểm.
Do chỉ giao dịch một phiên cuối tuần duy nhất, nên phiên giảm điểm này cũng là số điểm mà Nikkei 225 bị mất trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2019. Trong khi đó, phiên khởi sắc cuối tuần đã giúp chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông có tuần đầu năm mới tăng nhẹ, trong đó chỉ số Hang Seng tăng 0,84% và Shanghai Composite tăng 0,48%.
Đà khởi sắc của chứng khoán đã khiến vàng hết động lực, quay đầu giảm giá, trả lại hết những gì đã có trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 4/1, giá vàng giao ngay giảm 9,7 USD (-0,76%), xuống 1.284,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 8,6 USD (-0,66%), xuống 1.286,2 USD/ounce.
Dù trong phiên cuối tuần, giá vàng trả lại hết những gì đã có được trong phiên thứ Năm, nhưng với 2 phiên tăng nhẹ cuối cùng của năm 2018 và đầu tiên của năm 2019, giá vàng cũng có tuần giao dịch đầu tiên của năm mới với mức tăng nhẹ. Trong đó, giá vàng giao ngay tăng 0,33% và giá vang tương lai giao tháng 2 tăng 0,25%.
Dù đảo chiều trong phiên cuối tuần, nhưng với nỗi lo về đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, cả giới phân tích và nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, trong 20 chuyên gia trả lời, có 11 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 55%; 6 người dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 30% và 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 15%.
Trong khi đó, trong 706 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 544 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần tới, chiếm 77%; 101 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 14% và 61 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 9%.
Trong khi đó, nhận được sự hỗ trợ từ thông tin Ả Rập Xê út thực hiện cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận vừa đạt được giữa OPEC và các đối tác lớn, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên cuối tuần qua.
Kết thúc phiên 4/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,87 USD (+1,81%), lên 47,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,11 USD (+1,95%), lên 57,06 USD/thùng.
Giá dầu thô có tuần đầu năm mới đầy khởi sắc với giá dầu thô Mỹ tăng 5,80% và giá dầu thô Brent tăng 7,24%