Trong phiên giao dịch đầu năm mới, việc Apple cắt giảm dự báo doanh thu do doanh số tiêu thụ chậm ở Trung Quốc, cùng với việc chính quyền Tổng thống Trump chưa tìm được tiếng nói chung với phe Dân chủ để mở cửa trở lại Chính phủ khiến phố Wall lao dốc ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã thoát hiểm để có phiên tăng nhẹ khi đóng cửa phiên đầu năm nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tiện ích, tiêu dùng và bất động sản, cùng nhóm năng lượng tăng theo giá dầu thô.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm thứ Năm, đã không có điều tương tự xảy ra khi liên tiếp các tin không tích cực đến với nhà đầu tư.
Theo đó, doanh thu sụt giảm của Apple trong quý nghỉ lễ đã tạo “sóng xung kích” nhấn chìm nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong phiên này, chỉ số S&P công nghệ giảm 5,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011.
Cụ thể, cuối ngày thứ Tư, CEO Apple, Tim Cook đã viết trong một lá thư gửi các nhà đầu tư rằng, Công ty đã không lường trước được mức độ giảm tốc kinh tế của Trung Quốc, vốn đã bị làm trầm trọng thêm bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trong phiên thứ Năm, cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã giảm 10%.
Không chỉ ảnh hưởng bởi “sóng xung kích” Apple, phố Wall còn nhận thông tin tiêu cực từ nền kinh tế Mỹ. Theo đó, dữ liệu từ Viên Quản lý nguồn cung cho thấy, hoạt động sản xuất nhà máy của Mỹ trong tháng 12 đã sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008, năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Chỉ số PMI vẫn trên mức 50, nghĩa là vẫn có sự mở rộng trong sản xuất, nhưng ở mức thấp nhất hơn 2 năm.
Với những gì diễn ra, nhà đầu tư lo lắng, những gì xảy ra với Apple chỉ là phần nổi của tảng băng và kinh tế thế giới đang đứng trước muôn vàn khó khăn.
Kết thúc phiên 3/1, chỉ số Dow Jones giảm 660,02 điểm (-2,83%), xuống 22.686,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 62,14 điểm (-2,48%), xuống 2.447,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 202,43 điểm (-3,04%), xuống 6.463,50 điểm.
“Sóng xung kích” của Apple cũng lan sang chứng khoán châu Âu, đẩy các chỉ số chính của khu vực này đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên thứ Năm. Trong đó, thiệt hại mạnh nhất là nhóm công nghệ, đặc biệt là các nhà sản xuất chip cung cấp cho Apple.
Kết thúc phiên 3/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 41,57 điểm (-0,62%), xuống 6.692,66 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 163,53 điểm (-1,55%), xuống 10.416,66 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 77,90 điểm (-1,66%), xuống 4.611,49 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản chưa trở lại sau kỳ nghỉ Tết, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục giảm điểm khi những kỳ vọng được hỗ trợ từ Bắc Kinh không thể bù đắp cho nỗi lo về tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, đà tăng cũng đã hạn chế rất nhiều so với phiên đầu năm mới.
Kết thúc phiên 3/1, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,93 điểm (-0,04%), xuống 2.464,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 65,99 điểm (-0,26%), xuống 25.064,36 điểm.
Việc thị trường chứng khoán bị bán tháo do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã tạo động lực để giá vàng tiếp tục bứt phá trong phiên giao dịch hôm thứ Năm. Theo đó, giá kim loại quý này đã bứt qua ngưỡng 1.290 USD/ounce, mức cao nhất trong 5 tháng.
Kết thúc phiên 3/1, giá vàng giao ngay tăng 9,7 USD (+0,76%), lên 1.293,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 10,7 USD (+0,83%), lên 1.294,8 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng khi nhận được thông tin hỗ trợ về việc OPEC đã giảm nguồn cung 460.000 thùng/ngày trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2018 khi Ả Rập Xê út bắt đầu thực hiện cam kết cắt giảm nguồn cung.
Kết thúc phiên 3/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 0,37 USD (+0,80%), lên 46,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,64 USD (+1,17%), lên 55,55 USD/thùng.