Đầu ngày thứ Ba, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, bà đã mời các nhà lãnh đạo phe phái chủ chốt tại Quốc hội Mỹ họp vào cuối ngày thứ Ba để nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận chi tiêu lớn của chính phủ và tìm kiếm tiếng nói chung về gói viện trợ nền kinh tế.
Các vị quan chức bao gồm Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, Lãnh đạo phe Dân chủ chiếm thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy. Đây được coi là nỗ lực lớn nhất đến nay để đạt được một thỏa thuận chung về gói viện trợ.
Trước đó vào tối ngày 14/2, một nhóm nghị sỹ thuộc lưỡng đảng tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã đề xuất tách gói kích thích kinh tế thành hai phần riêng rẽ nhằm hỗ trợ người dân Mỹ.
Gói đề xuất đầu tiên trị giá 748 tỷ USD, bao gồm khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động phân phối vắc-xin và khoản trợ cấp 300 USD/người/tuần cho người lao động thất nghiệp trong 16 tuần.
Trong khi đó, đề xuất còn lại bao gồm 160 tỷ USD tiền trợ cấp cho chính quyền bang, địa phương và các điều khoản bảo vệ các doanh nghiệp trước các vụ kiện liên quan đến Covid-19.
Trong khi đó, Cục dự trữ liên bang (Fed) cũng dự kiến sẽ công bố mức lãi suất thấp trong tương lai gần sau cuộc họp kéo dài hai ngày bắt đầu từ thứ Ba. Việc triển khai vắc-xin coronavirus gần đây dự kiến sẽ cải thiện dự báo triển vọng năm 2021 của ngân hàng trung ương.
Mặt khác, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm thứ Ba cũng đã không đưa ra bất kỳ lo ngại mới nào về trong quá trình thẩm định dữ liệu thử nghiệm vắc-xin Covid-19 do hãng dược phẩm Moderna sản xuất. Một nguồn tin tiết lộ với Reuters, vắc-xin này sẽ được chấp thuận sử dụng khẩn cấp vào thứ Sáu (18/12).
Liên tiếp những thông tin tích cực từ chính phủ giúp chứng khoán Mỹ đêm qua tăng vọt với Nasdaq Composite lập đỉnh mới.
Kết thúc phiên 15/12, chỉ số Dow Jones tăng 337,76 điểm (+1,13%), lên 30.199,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 47,13 điểm (+1,29%), lên 3.694,62 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 155,02 điểm (+1,25%), lên 12.595,06 điểm.
Chứng khoán châu Âu khởi sắc nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba với sự lạc quan đến từ việc triển khai vắc-xin giúp các nhà đầu tư rũ bỏ phần nào những lo lắng vào đầu phiên khi chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 gia tăng khiến chính phủ các nước khắp trên khu vực phải áp đặt những hạn chế mới.
London đã chuyển sang cấp độ hạn chế tiếp xúc xã hội cao nhất với một biến thể mới của Covid-19 có khả năng lây lan mạnh hơn.
Trong khi đó, Ý có thể sẽ bị phong một phần từ ngày 24/12 đến ít nhất là ngày 2/1 và Đức đã bắt đầu thiết lập lệnh phong tả mới từ hôm nay (16/12).
Kết thúc phiên 15/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm -18,51 điểm (-0,28%), xuống 6.513,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 139,71 điểm (+1,06%), lên 13.362,87 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 2,47 điểm (+0,045%), lên 5.530,31 điểm.
Chứng khoán châu Á hôm thứ Ba bị nhấn chìm trong sắc đỏ. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc khi số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng khiến chính phủ phải đình chỉ chiến dịch quảng bá du lịch trong nước, gây ảnh hưởng đến các hãng hàng không và các cổ phiếu liên quan đến du lịch.
Chứng khoán Trung Quốc giảm khá sâu vào phiên sáng song đã nhích về gần tham chiếu về cuối ngày, được thúc đẩy bởi dữ liệu nhà máy lạc quan và việc bơm thanh khoản của ngân hàng trung ương.
Số liệu của Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố ngày 15/12 cho thấy, trong tháng vừa qua, sản lượng công nghiệp của nước này tăng 7% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng phục hồi và việc nới lỏng dần các hạn chế thương mại do Covid-19 đã làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất của nước này.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm 950 tỷ nhân dân tệ (145 tỷ USD) thông qua cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm để giữ cho “thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hợp lý”.
Kết thúc phiên 15/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 44,60 điểm (-0,17%), xuống 26.687,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,89 điểm (-0,06%), xuống 3.367,23 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 182,23 điểm (-0,69%), xuống 26.207,29 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 5,38 điểm (-0,19%), xuống 2.756,82 điểm.
Giá vàng tăng mạnh trong phiên ngày thứ Ba, được hỗ trợ bởi những kỳ vọng Quốc hội Mỹ sẽ sớm thông qua gói viện trợ kinh tế.
Kết thúc phiên 15/12, giá vàng giao ngay tăng 26,60 USD (+1,46%), lên 1.853,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 ngay tăng 23,20 USD (+1,27%), lên 1.855,30 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch hôm thứ Ba khi các nhà đầu tư tập trung sự chú vào việc triển khai vắc-xin Covid-19 và kỳ vọng gói kích thích kinh tế mới từ chính phủ.
Kết thúc phiên 15/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,63 USD (+1,3%), lên 47,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,47 USD (+0,9%), lên 50,76 USD/thùng.