“Nhấn ga” kế hoạch kinh tế - xã hội 2017

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra trong 2 ngày, 28 và 29/12 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện thành công kế hoạch năm 2017. 

Tại đây, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 sẽ được thảo luận và quyết định.

Điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi tăng trưởng GDP năm 2016 đạt khoảng 6,21%. Đây là mức tăng trưởng khá thấp so với con số 6,68% của năm ngoái và cũng thấp đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; nếu không nỗ lực, không có các giải pháp điều hành hiệu quả, thì sẽ không dễ dàng để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố khó tiên lượng, kinh tế trong nước chưa ổn định, nợ công, nợ xấu tăng cao quả là một thách thức lớn.

“Nhấn ga” kế hoạch kinh tế - xã hội 2017 ảnh 1 

Thêm nữa, thách thức quan trọng hơn cả đối với kinh tế Việt Nam trong hiện tại không chỉ là tăng trưởng GDP bao nhiêu phần trăm, mà là năng suất, chất lượng của nền kinh tế.

Lần đầu tiên đã có thể thấy một sự khác biệt cơ bản trong mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội 2017 mà Quốc hội đã quyết nghị. Đó là không hề có cụm từ “tăng trưởng hợp lý” hay “tăng trưởng cao hơn năm trước” như các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm trước đây, mà là “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...”. Bên cạnh đó, còn một “mệnh đề” quan trọng khác, đó là “nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế”.

Như vậy, có thể thấy các vấn đề dài hạn, có ý nghĩa cốt lõi đối với sự phát triển của nền kinh tế, của đất nước đang được đặt lên hàng đầu, chứ không chỉ là các vấn đề trong ngắn hạn, về thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, hay đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu...

Cũng cần phải nhắc lại rằng, việc thực hiện các đột phá chiến lược, hay chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng... không phải lần đầu tiên được nhắc tới và thực hiện. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, những nỗ lực này trong thời gian qua chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Trong bối cảnh những động lực cho tăng trưởng cũ đã tới hạn, để vượt qua thách thức, để tránh tụt hậu, Việt Nam buộc phải tiếp tục cải cách và tìm kiếm mô hình phát triển mới, phù hợp và hiệu quả hơn. Đây là điều đã hơn một lần được Chính phủ khẳng định. Do vậy, điều quan trọng là tìm ra giải pháp hữu hiệu để thực hiện các kế hoạch đó.

Năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, là năm đầu triển khai các nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua như: Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020… Do vậy, việc thảo luận, quyết định các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế.

Cả nền kinh tế đang trông chờ rất nhiều vào các cuộc thảo luận và các quyết định quan trọng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương lần này. Tất nhiên, sau đó sẽ là những nỗ lực trong thực hiện các giải pháp này ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, để nền kinh tế sẽ đích năm 2017 đúng hẹn, để không có những mục tiêu được đặt ra, nhưng không thể thực hiện được như trong năm 2016 này.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục