Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 12/1.
Chú ý kiểm soát tỉ lệ đòn bẩy
CTCK Vietcombank (VCBS)
Theo nhận định của chúng tôi, chỉ số VN Index vẫn đang ở trong xu hướng tích lũy lại quanh vùng 1.490 -1.500 điểm và nhiều khả năng sẽ có những nhịp rung lắc trước khi xuất hiện xu hướng bứt phá mới.
Chúng tôi cũng nhận thấy ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.480-1.490 điểm (tương ứng đường trung bình động 20 ngày) vẫn là tương đối đáng tin cậy trong giai đoạn trước mắt và không kỳ vọng chỉ số sẽ giảm sâu và xuyên thủng mốc này.
Theo đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên chốt lời một phần đối với các cổ phiếu ghi nhận mức tăng vượt trội trong giai đoạn này và có thể cân nhắc tích lũy một số mã vốn hóa lớn đã có mức chiết khấu đáng kể sau hai phiên giảm điểm vừa qua.
Đồng thời, cũng cần cũng cần chú ý kiểm soát tỉ lệ đòn bẩy trong giai đoạn này để hạn chế rủi ro nếu chỉ số chung quay trở lại kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.480 điểm.
Đây là cơ hội để quay lại nhóm cổ phiếu bluechips
CTCK MB (MBS)
Thị trường điều chỉnh trên diện rộng dưới áp lực từ các cổ phiếu trụ, tuy vậy nhóm cổ phiếu đầu cơ đã nhanh chóng phục hồi.
Về kỹ thuật, việc VN-Index để mất ngưỡng 1.500 điểm vẫn chưa ảnh hưởng đến đà tăng của chỉ số. Nền thanh khoản đang tiệm cận mức kỷ lục trong năm ngoái là cơ hội để dòng tiền cơ cấu lại. Chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội để quay lại nhóm cổ phiếu bluechips khi biến động của thị trường đang khá cao.
Việc thị trường rung lắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trong khi nhóm bluechips cũng đã tạo được nền tích lũy kéo dài và khả năng giảm cũng sẽ ít hơn.
Kỳ vọng sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Áp lực bán mạnh cùng thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao khiến VN-Index rơi vào trạng thái tiêu cực với rủi ro mở rộng điều chỉnh về những vùng sâu hơn.
Vùng hỗ trợ gần của chỉ số quanh 1.47x và xa hơn là 1.45x điểm được kỳ vọng sẽ cho phản ứng và xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể kê lệnh mua trở lại một phần vị thế trading T+ khi VN-Index về lại vùng hỗ trợ gần, nhưng cần đẩy bán ra ngay sau đó nếu điểm đỡ này bị xuyên thủng.
Chỉ số có lẽ sẽ hình thành điểm cân bằng mới quanh ngưỡng 1.500 điểm
CTCK BIDV (BSC)
Những tưởng hôm qua thị trường giảm gần 25 điểm thì sẽ có những đôi tay cứu rỗi đưa ra bắt đáy, tuy nhiên kết phiên hôm nay chỉ số tiếp tục "sale off" thêm 11,4 điểm nữa.
Vất vả chống chọi với áp lực bán trong cả phiên sáng, sang đến phiên chiều, VN-Index đuối sức và trượt chân rớt 21 điểm trước khi đóng cửa tại mốc 1492,31 điểm, xóa sạch đà tăng trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với chỉ 5/15 ngành tăng điểm, trong đó, nhóm viễn thông mạnh mẽ tăng 10%.
Dù vậy, giao dịch khối ngoại hôm nay là điểm sáng, nhà đầu tư đã mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX.
Dựa trên phân tích kỹ thuật, hiện tại VN-Index vẫn đóng cửa trên đường MA20 - ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của thị trường. Chỉ số có lẽ sẽ hình thành điểm cân bằng mới quanh ngưỡng 1.500 điểm trong vài phiên tiếp theo.
Kỳ vọng nhịp hồi phục để cơ cấu lại danh mục
CTCK Rồng Việt (VDSC)
VN-Index vẫn chưa thể thoát ra được nhịp điều chỉnh, do áp lực chốt lời vẫn duy trì ở mức khá cao.
Tuy nhiên, mức độ giảm điểm đã thu hẹp so với phiên trước, đồng thời chỉ số đã dừng lại tại vùng hỗ trợ quanh 1.490 điểm, cho thấy nhịp giảm của VN-Index đã tạm thời chững lại và có thể sẽ có nhịp hồi phục trong thời gian gần tới để kiểm tra lại cung cầu.
Đối với nhóm VN30, chỉ số đã lùi về vùng hỗ trợ 1.500 điểm, dự kiến chỉ số này cũng sẽ được hỗ trợ và hồi phục trở lại để thăm dò cung cầu tại vùng 1.500-1.525 điểm. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục.
Hạn chế mua mới ở giai đoạn này
CTCK Yuanta Việt Nam
Chúng tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục và chỉ số VN-Index có thể biến động trong vùng 1.490-1.500 điểm.
Đồng thời, thị trường bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy có thể sẽ biến động hẹp sau hai phiên biến động mạnh trước đó.
Điểm tiêu cực là áp lực bán vẫn còn mạnh, nhưng dòng tiền có sự phân hóa cho thấy thị trường sẽ chưa thể xảy ra tình trạng bán tháo mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung đã bị hạ xuống mức GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạ dần tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng (tức là 50% danh mục) và hạn chế mua mới ở giai đoạn này.