Nhận định thị trường phiên 23/3: Giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu

(ĐTCK) Chiến lược phù hợp vẫn là giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và chờ đợi tín hiệu chắc chắn hơn về xu hướng kế tiếp. Trong đó, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu cơ bản đang tích lũy và có khả năng sẽ đón nhận thông tin tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2017.
Nhận định thị trường phiên 23/3: Giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 23/3.

Dòng tiền sẽ luân chuyển mạnh

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Lần đầu tiên VN-Index chạm đến mốc 720 điểm, tuy nhiên, càng về cuối phiên, áp lực bán mạnh đã đẩy chỉ số về mốc 712,94 điểm. Biên độ dao động của của chỉ số phiên này tương đối rộng, lên đến gần 8 điểm.

Phiên 22/3 có khá nhiều điểm giống với phiên giao dịch 16/2 vừa qua: cũng bị chốt lời mạnh về cuối phiên, thanh khoản tăng vọt so với cùng thời điểm. Điểm khác biệt duy nhất chính là thanh khoản giai đoạn này lớn hơn trên 5.000 tỷ đồng, so với trên 4.000 tỷ đồng của giai đoạn tháng 2.

Liệu thị trường có điều chỉnh mạnh hay không là câu hỏi lớn lúc này? Nhiều người hoang mang khi chỉ nhìn vào thanh khoản đột biến nên cũng đã nhanh chóng bán ra. Tuy nhiên, theo thống kê, ngoại trừ một số nhóm cổ phiếu đặc biệt là đầu cơ, penny thì rất nhiều cổ phiếu cơ bản không tăng giá hoặc tăng rất ít. Như vậy, đối với những cổ phiếu trên, áp lực bán nếu có sẽ không quá lớn so với những cổ phiếu tăng mạnh gần đây. Theo lẽ đó, ở 2 phiên giao dịch tới, dòng tiền sẽ luân chuyển mạnh.

Ở phiên 23/3, nếu áp lực bán xuất hiện ngay đầu phiên thì lại không đáng lo ngại và khả năng điều chỉnh sẽ không quá lớn. Thị trường có thể sẽ tăng lại, nhanh thì vào cuối phiên 23/3, chậm thì phiên 24/3. Ngược lại, nếu thị trường 23/3 tiếp tục gây ra áp lực bán mạnh cuối phiên như phiên 22/3, có thể khiến thời gian điều chỉnh kéo dài hơn. Kịch bản thứ nhất được đánh giá cao hơn, có nghĩa ở đầu sáng 23/3, cơ hội mua vào sẽ xuất hiện đối với một số cổ phiếu.

Sớm rơi vào một nhịp điều chỉnh ngắn hạn

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Về xu hướng thị trường, chỉ số chung nhiều khả năng sẽ sớm rơi vào một nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư tuyệt đối tránh mua đuổi khi giá cổ phiếu đang tăng và chỉ canh mua khi giá điều chỉnh về lại các vùng hỗ trợ.

Đối với các vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư chỉ nên quay vòng tỷ trọng thấp, trong khi đối với các vị thế trung hạn còn nắm giữ thì tùy mã để canh chốt lời trong các phiên chỉ số hồi vượt đỉnh.

Giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu

(CTCK FPT - FPTS)

Như đã nhận định, lực kháng cự quanh mức 720 điểm của VN-Index tỏ ra rất khó có thể bị phá vỡ và việc duy trì sự thận trọng khi VN-Index tiếp cận với khu vực này là hoàn toàn cần thiết.

Chiến lược phù hợp vẫn là giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và chờ đợi tín hiệu chắc chắn hơn về xu hướng kế tiếp. Trong đó, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu cơ bản đang tích lũy và có khả năng sẽ đón nhận thông tin tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2017. Các vị thế mua sử dụng đòn bẩy cũng cần phải giảm bớt tỷ lệ vay, nhằm tránh rủi ro khi trường xuất hiện những biến động tiêu cực hơn.

Giằng co trong biên độ hẹp 710,5-714 điểm

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Với điều kiện thị trường hiện tại, VN-Index sẽ có phiên giao dịch khá giằng co trong phiên 23/3, với biên độ hẹp trong khoảng 710,5-714 điểm. Chỉ số cần sự bứt phá ra khỏi vùng này để xác nhận xu hướng ngắn hạn tiếp theo. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược mua tại hỗ trợ và bán ra tại kháng cự. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ và có thể tích lũy thêm cổ phiếu tại những nhịp chỉnh của thị trường.

Tiếp nối đà điều chỉnh

(CTCK BIDV – BSC)         

Chỉ số thị trường phiên 22/3 có thời điểm đã vượt ngưỡng kháng cự 720 điểm, với đà tăng mạnh của cổ phiếu VNM trong buổi sáng và tiếp tục thử ngưỡng này kháng cự trong đầu phiên chiều. Tuy nhiên, đến cuối ngày, thị trường đã chịu áp lực chốt lời tương đối mạnh và giảm điểm xuống dưới ngưỡng tham chiếu đầu phiên.

Phân hóa thị trường trở nên ngày càng rõ ràng, đặc biệt trong nhóm các mã bluechips và nội bộ nhóm ngành ngân hàng. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn được duy trì ở mức cao do gia tăng hoạt động giao dịch ở nhiều mã khác. Thị trường sẽ tiếp nối đà điều chỉnh vào phiên 23/3. Trong các đợt điều chỉnh, nhà đầu tư có thể xem xét lựa chọn các cổ phiếu có cơ bản tốt nhưng chịu áp lực bán của thị trường.

Thận trọng quan sát

(CTCK Phú Hưng - PHS)

Thị trường có một phiên biến động đầy bất ngờ khi vừa vượt được ngưỡng cản mạnh đã đổ đèo, khiến nhà đầu tư đua nhau tháo chạy, đẩy 2 chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày. Thanh khoản bùng nổ với khối lượng khớp lệnh đạt mức cao kỷ lục kể từ ngày 27/6/2016, phiên giao dịch ngay sau sự kiện Brexit.

Tuy thanh khoản trong phiên 22/3 có sự đóng góp đáng kể của FLC, với mức khớp lệnh kỷ lục hơn 54 triệu cổ phiếu kể từ khi niêm yết, nhưng vẫn cho thấy áp lực chốt lời mạnh mẽ trên diện rộng. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường khi xu hướng hiện tại chưa rõ ràng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục