ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 21/7.
Các vị thế ngắn hạn đang phải đối mặt với rủi ro cao
(CTCK FPT - FPTS)
Khi mà VN-Index đang dao động ở vùng giá cao và sự xuất hiện của các tin tức tích cực không thể giúp chỉ số duy trì đà tăng giá thì sẽ là dấu hiệu kỳ vọng thị trường đang suy yếu và VN-Index có thể dễ dàng xuyên phá các mốc hỗ trợ dưới. Dựa trên những dấu hiệu tương đồng của VN-Index trong các phiên gần đây, các vị thế ngắn hạn đang phải đối mặt với rủi ro cao. Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục quan sát thị trường và hạn chế các giao dịch mua mới. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tận dụng các nhịp hồi trong phiên để cơ cấu theo hướng nâng dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng tài sản.
Thận trọng khi bắt đáy những cổ phiếu đã tăng nóng
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Với phiên giảm điểm mạnh thứ 2 liên tiếp, áp lực bán ra đang ngày càng lớn. Thị trường giai đoạn này dường như thiếu đi động lực và nó khiến niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Cộng với một loạt các thông tin không mấy tích cực hiện nay có thể khiến thị trường bước vào nhịp điều chỉnh. Tất nhiên, nhiều lần thị trường đã thoát hiểm sau khi giảm kiểu này, nhưng nếu như phiên ngày 21/7 tiếp tục giảm thì coi như mốc 640 điểm sẽ là đích đến.
Giả như nhịp điều chỉnh này diễn ra cũng là điểu tích cực, nó sẽ góp phần làm thị trường lành mạnh hơn, cân bằng hơn chứ không lệch pha như trước. Vì thế, nhà đầu tư không nên vội vàng bán tháo, bởi chỉ số có thể suy giảm nhưng không hẳn các cổ phiếu cũng vậy. Áp lực lớn nhất vẫn là nhóm cổ phiếu tăng nóng, đặc biệt khi có thông tin không tích cực sẽ chịu áp lực bán lớn nhất. Do đó cần hết sức thận trọng với việc bắt đáy những cổ phiếu trên. Một phần nữa nhà đầu tư nên tìm cách hạ bớt tỷ lệ đòn bẩy xuống mức an toàn, trước khi thị trường tích cực trở lại.
Giảm tỷ trọng cổ phiếu
(CTCK BIDV - BSC)
Thị trường diễn biến khá tiêu cực, ngoại trừ VNM, hầu hết các mã bluechips đều có mức điều chỉnh khá và lực cầu bắt đáy tỏ ra khá yếu ớt. Các ngưỡng hỗ trợ của VN-Index và HNX-Index hiện đang nằm tại 660 và 85. Ngưỡng hỗ trợ 660 có khả năng sẽ được thử thách tiếp trong phiên 21/7. Trong trường hợp ngưỡng hỗ trợ 660 bị phá vỡ, nhà đầu tư được khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn để tránh những rủi ro giảm giá trong ngắn hạn.
Nhịp điều chỉnh sâu vẫn có thể tiếp diễn
(CTCK Bảo Việt- BVSC)
Tâm lý thị trường chuyển biến theo chiều hướng xấu, áp lực bán mạnh ngay cả khi VNM duy trì đà tăng tích cực trong suốt phiên giao dịch. Mặc dù xu hướng tăng điểm trung hạn chưa bị đánh mất, tuy nhiên, nhịp điều chỉnh sâu vẫn có thể tiếp diễn trong vài phiên tới. Vùng hỗ trợ gần của VN-Index hiện nằm tại 640-645 điểm. Đây là vùng điểm nhà đầu tư có thể tiến hành các hoạt động trading ngắn hạn, mua lại một phần danh mục đã bán hoặc tái cơ cấu danh mục nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
Hạn chế giải ngân tỷ trọng lớn
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất hết tuần này. Vùng 650-660 điểm sẽ cần được retest, trước khi VN-Index có thể xác định xu hướng tăng trở lại. Thị trường hiện vẫn đang trong giai đoạn liên tục đối mặt với rủi ro điều chỉnh mạnh ngay trong phiên, nhà đầu tư do vậy tiếp tục hạn chế dùng margin cao giai đoạn này và theo sát diễn biến thị trường. Đối với danh mục trung và dài hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ những mã cơ bản tốt đã có sẵn và chờ đợi kết quả kinh doanh quý II. Đối với danh mục ngắn hạn, nhà đầu tư nên áp dụng chiến thuật mua thấp-bán cao, tuy nhiên, nên hạn chế giải ngân tỷ trọng lớn.
Giai đoạn điều chỉnh sẽ còn kéo dài
(CTCK Maritime – MSI)
Thị trường giảm điểm mạnh với thanh khoản ảm đạm đã phát đi tín hiệu giai đoạn điều chỉnh sẽ tiếp tục kéo dài. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 21/7, VN-Index sẽ điều chỉnh quanh vùng 655-660 điểm. Giai đoạn điều chỉnh này vẫn sẽ không phù hợp với các hoạt động giao dịch ngắn hạn. Việc mua vào và nắm giữ cổ phiếu chất lượng cao vẫn được ưu tiên hơn.