ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 8/1.
Có khả năng hồi phục
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Cho dù tín hiệu mua bắt đáy đã gia tăng mạnh cũng như mốc 565 điểm vẫn duy trì, nhưng khả năng hồi phục lại phụ thuộc vào tình hình thế giới. Kỳ vọng nhà đầu tư bình tĩnh và cẩn trọng trước khi bán tháo cổ phiếu nếu không bị áp lực về tài chính.
Kể từ phiên 8/12/2015, VN-Index vẫn đang có xu hướng tăng nhẹ và mốc 565 điểm là điểm đáy của diễn biến này. Nếu như VN-Index phiên 8/1/2016 tăng nhẹ, có thể vẫn tiếp tục hy vọng chỉ số này thoát khỏi xu hướng giảm chung. Nhưng nếu như phiên 8/1 tiếp tục cú bán tháo kiểu này diễn ra, mà cầu mua bắt đáy gia tăng thì khả năng hồi phục lại rất cao.
Đứng ngoài quan sát
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Phiên giao dịch khá hoảng loạn do những rủi ro từ bên ngoài đem lại đã khiến thị trường có phiên lao dốc mạnh nhất tính từ cuối tháng 11/2015 tới nay.
VN-Index hiện tại đã tiến sát mốc hỗ trợ khá thấp 565 điểm, tương ứng với channel tăng điểm trung hạn của chỉ số này. Nếu mốc này không giữ được trong phiên giao dịch tới, tâm lý sẽ giao dịch sẽ chuyển biến xấu hơn khiến VN-Index test lại các mốc hỗ trợ thấp hơn trong ngắn hạn với mốc gần nhất là 540 điểm.
Nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát diễn biến dòng tiền, hạn chế bắt đáy, tuy nhiên cũng nên tránh động thái bán tháo sau phiên 7/1 nếu các chỉ số vẫn giữ được các mốc hỗ trợ quan trọng.
Hết sức thận trọng
(CTCK FPT - FPTS)
Số lần liên tục thất bại trước khu vực 575-580 điểm đang tạo thành lực cản tâm lý mạnh đối với các nhà đầu tư đang tham gia thị trường. Bởi vậy, cùng với thông tin tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giảm khá mạnh, xóa bỏ hoàn toàn nền tảng tăng dần có được trong 02 tuần liền trước.
Với diễn biến này, thị trường cho thấy sự nhạy cảm với thông tin vĩ mô và quốc tế, nhà đầu tư ngắn hạn nên hết sức thận trọng, theo sát và có kế hoạch dự phòng rủi ro nếu chỉ số có dấu hiệu cắt xuống khỏi kênh đi ngang 560-580 bắt đầu từ tháng 12/2015 đến nay.
Cụ thể, việc ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh 2015 tích cực và giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu đầu cơ trong danh mục tại thời điểm này sẽ đảm bảo mục tiêu an toàn trong bối cảnh những thông tin từ thị trường quốc tế vẫn có khả năng kéo dài tác động tiêu cực.
Đà giảm vẫn tiếp diễn
(CTCK Maritime – MSI)
Các thông tin vĩ mô thiếu tích cực như giá dầu giảm sâu, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại một lần nữa phải đóng cửa sớm sau khi lao dốc mạnh,… đã khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn. Thị trường đồng loạt giảm điểm mạnh cùng với thanh khoản gia tăng.
Thị trường đang có diễn biến khá tiêu cực, đà giảm vẫn sẽ tiếp tục trong phiên 8/1, VN-Index có khả năng sẽ giảm dưới mốc 565 điểm. Nhà đầu tư nên giữ quan điểm thận trọng, tạm dừng giao dịch giải ngân mới và tránh các hoạt động bắt đáy trong giai đoạn hiện nay do rủi ro thị trường vẫn khá lớn.
Chưa hết lo ngại
(CTCK BIDV - BSC)
Các bất ổn quốc tế, chủ yếu đến từ thị trường chứng khoán Trung Quốc và sự giảm giá dầu, tiếp tục đe dọa tâm lý thị trường trong phiên 7/1. Lo ngại chưa dừng lại, và nó có thể kéo dài sang phiên tiếp theo. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể mua bắt đáy trong các nhịp giảm sâu của thị trường. Nhà đầu tư thận trọng nên đứng ngoài quan sát thêm.
Duy trì tỷ trọng cao trong danh mục
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
VN-Index đã phần nào thu hẹp biên độ giảm về cuối phiên nhờ hỗ trợ bởi một số mã vốn hóa lớn và vẫn trụ vững trên ngưỡng hỗ trợ 565 điểm. VN-Index có thể sẽ kiểm định lại lực hỗ trợ ở ngưỡng 565 điểm trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo sẽ đặt tại ngưỡng 550-552. Do rủi ro thị trường đang ở mức cao, nhà đầu tư ngắn hạn nên ưu tiên duy trì tỷ trọng cao trong danh mục.
Đối với nhà đầu tư trung dài hạn, định giá hấp dẫn sẽ là yếu tố cần cân nhắc để có thể mở rộng vị thế tích lũy. Tính đến thời điểm này, thực sự không quá bi quan về triển vọng thị trường trong năm nay.