ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 4/9.
Đối mặt với ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo 545-550
(CTCK Maritime Bank – MSBS)
Thị trường vẫn đỏ điểm trong suốt cả phiên giao dịch, áp lực bán mạnh vào phiên chiều khiến VN-Index giảm hơn 8 điểm, kết phiên dừng ở mức 554,3 điểm. Dòng tiền tuy đã tích cực hơn phiên ngày 1/9 nhưng vẫn ở mức thấp (giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt 2.183 tỷ đồng).
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, trong phiên 4/9, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, VN-Index có thể sẽ đối mặt với ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo 545-550 điểm (tương đương với Fibo 32,8%). Cơ hội đầu tư hiện tại ít hơn là rủi ro mà nhà đầu tư đang phải đối mặt. Có lẽ giai đoạn này chỉ thích hợp với việc chỉ nắm giữ những cổ phiếu tốt và đợi chờ thời điểm tốt hơn của thị trường để có thể giao dịch ngắn hạn trở lại.
Biên độ tăng/giảm sẽ không lớn
(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)
Chỉ số VN-Index đã giảm một mức khá đáng kể và đi ngược lại với những diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới. Giao dịch khá chậm và dòng tiền yếu là tác nhân chính khiến cho áp lực bán xuất hiện. Tuy nhiên, giao dịch khá chậm, các cổ phiếu có mức suy giảm một cách từ từ và đẩy chỉ số này rơi sâu, trước khi hồi phục lại đôi chút. Điều này cho thấy phần lớn đó là hoạt động chốt lãi của nhà đầu tư nhiều hơn là bán để thoát hàng. Do đó, mức suy giảm trên dù lớn nhưng chưa quá đang lo ngại.
Như vậy, thị trường đã có liên tiếp 3 phiên giảm điểm và nó khá tương đồng với mức giảm từ các cổ phiếu lớn. Theo nhìn nhận thì những cổ phiếu như GAS, VCB, VNM... khả năng vẫn có sự điều chỉnh tiếp theo nên VN-Index sẽ chịu tác động. Nhưng nhiều cổ phiếu khác đã suy giảm mạnh về khối lượng giao dịch cho thấy mức giá giảm sâu hơn nữa sẽ khó xảy ra. T
rong một điều kiện thích hợp nhất, có thể sẽ có một số cổ phiếu tăng giá trở lại giúp chỉ số cân bằng hơn. Dù tăng hay giảm thì biên độ này cũng sẽ không còn quá lớn nữa trong phiên cuối tuần 4/9.
540 có thể là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo
(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)
VN-Index đang lùi sát về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 550. Trong kịch bản xấu, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo có thể là 540. Theo đó, các hoạt động giải ngân vào thời điểm hiện tại cần thận trọng hơn. Nhà đầu tư ngắn hạn nên quan sát thêm trước khi trở lại vị thế mua mới do không có nhiều thông tin hỗ trợ vào lúc này.
Áp lực bán được duy trì, nhưng với xung lực giảm dần
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Áp lực chốt lời tiếp tục diễn ra trên diện rộng, trạng thái thận trọng dâng cao khiến thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh khá sâu và giao dịch trong phiên diễn ra ảm đạm. Lượng bán dưới tham chiếu xuất hiện khá mạnh tại nhóm các mã tăng tốt trong các phiên gần đây, tập trung vào nhóm dầu khí, ngân hàng.
Diễn biến giá dầu thô thế giới có những biến động phức tạp trong ngắn hạn và chưa có tín hiệu khởi sắc trong trung và dài hạn, trong khi nhóm các mã dầu khí tăng quá nóng trong tuần vừa qua đã đẩy mạnh tâm lý chốt lời của nhà đầu tư trong các phiên giao dịch gần đây. Trong khi đó, lực cầu khá yếu, chủ yếu xuất hiện tại vùng giá thấp khiến thanh khoản tiếp tục giữ ở mức thấp và nhiều mã điều chỉnh giảm mạnh do bên bán hạ giá nhằm thoát vị thế nắm giữ.
Áp lực bán sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên tới, nhưng với xung lực giảm dần do chưa xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng khiến thị trường có khả năng bùng nổ trở lại hoặc tin tức khiến thị trường trở nên xấu hơn.
Thanh khoản có thể sẽ tiếp tục giữ ổn định ở mức thấp do tâm lý thận trọng duy trì trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tin tức hỗ trợ. Nhà đầu tư nên tạm thời tiếp tục quan sát diễn biến của thị trường.
VN-Index có thể một lần nữa quay về đáy cũ 528 điểm
(CTCK BIDV - BSC)
Thị trường tiếp tục điều chỉnh, một trong những nguyên nhân là do khối ngoại bán mạnh các cổ phiếu Bluechips, đặc biệt là các cổ phiếu VIC, VCB và HPG. Tuy vậy, trên HNX, họ đang mua vào các cổ phiếu bất động sản. Lưu ý thêm là nhiều cổ phiếu vẫn đang được khối ngoại mua ròng trong suốt thời gian gần đây. Do đó, tình trạng phân hóa đã và đang diễn ra.
Về kỹ thuật, vùng 540 điểm được kỳ vọng sẽ là ngưỡng hỗ trợ cho đợt điều chỉnh này. Nếu ngưỡng trên bị phá vỡ, VN-Index có thể sẽ một lần nữa quay trở về đáy cũ 528 điểm. Nhịp điều chỉnh này có thể sẽ không sớm kết thúc nếu khối ngoại tiếp tục bán ra các cổ phiếu Bluechips, ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số chung.
Tình hình chung không quá tiêu cực
(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)
Kết quả giảm phiên 3/9 phần lớn đến từ áp lực bán “bị động” của nhóm quỹ ETF, kết hợp với tâm lý cầm chừng của nhà đầu tư trong nước nên tình hình nói chung không quá tiêu cực.
Với các nhà đầu tư trung dài hạn, định giá của TTCK Việt Nam đang quay lại vùng “hấp dẫn” cho các hoạt động mua và nắm giữ. Với các nhà đầu tư lướt sóng nếu có tỷ trọng cổ phiếu chưa thâm dụng vốn vay có thể xem xét gia tăng thêm việc nắm giữ cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh như 3/9.