Thống kê biến động giá cổ phiếu trên HOSE trong tháng 8 cho thấy, có đến 223 cổ phiếu giảm giá trong khi chỉ có trên 80 mã tăng giá, còn lại là đứng giá. Tình trạng này cũng tương tự đối với sàn HNX khi số cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo với 192 mã trên 87 mã tăng.
Trên sàn HOSE, bất chấp những khó khăn chung của ngành khi giá cao su sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, cổ phiếu HRC của CTCP Cao su Hòa Bình vẫn tăng khá tốt, ghi nhận là mã tăng mạnh nhất trên HOSE với mức tăng 36,8% từ 32.900 đồng/CP lên 45.000 đồng/CP. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu HRC tăng mạnh trong tháng 8 vừa qua là quyết định chia thưởng cho các cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 40% như đã thông báo trước đó tại ĐHCĐ thường niên 2015 và Công ty đã chốt quyền trong tháng 8.
Cụ thể, với hơn 17,26 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến HRC sẽ phát hành thêm hơn 6,9 triệu cổ phiếu trong đợt này. Công ty sẽ sử dụng quỹ đầu tư phát triển để làm nguồn vốn phát hành cho các cổ đông. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của HRC sẽ tăng từ 172,6 tỷ đồng lên hơn 241 tỷ đồng. Ngoài ra, HRC cũng dự kiến tiếp tục chia cổ phiếu thưởng năm 2015 với tỷ lệ 25%.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận của HRC đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng vượt kế hoạch cả năm đề ra. Đáng chú ý, nguồn thu chính của HRC chủ yếu đến từ thanh lý cây cao su.
Một số cổ phiếu ghi nhận mức giá cao trên HOSE như CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC) tăng 32,5%, CTCP Đầu tư và xây dựng cấp thoát nước (VSI) tăng 24,5%...
Đặc biệt, giữ vị trí quán quân về mức tăng giá trên cả hai sàn là cổ phiếu SDN của CTCP Sơn Đồng Nai với mức tăng 66,7%, từ 20.700 đồng/CP (ngày 3/8) lên 34.500 đồng/CP (ngày 28/8) và cổ phiếu BED của CTCP Thiết bị sách Đà Nẵng tăng hơn 60% từ 14.500 đồng/CP lên 23.300 đồng/CP. CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG) cũng ghi nhận mức tăng 41,5% chỉ trong vòng 1 tháng…
Nhìn mức biến động giá trên cả hai sàn có thể thấy, số cổ phiếu trên sàn HNX có mức biến động mạnh hơn, một phần do biên độ rộng hơn so với HOSE. Vì thế, không chỉ ở chiều tăng, ở chiều ngược lại, những mã giảm mạnh nhất cũng thuộc về những cổ phiếu đang niêm yết trên sàn HNX.
Cụ thể, cổ phiếu KVC của CTCP Sản xuất xuất nhập khẩu inox Kim Vĩ giảm hơn 62% khi giảm từ mức giá gần 26.000 đồng/CP (phiên 3/8) xuống còn 9.800 đồng/CP (kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8); cổ phiếu ACM cũng giảm hơn 61%. Trên HOSE, mức giảm mạnh nhất thuộc về cổ phiếu VLF của CTCP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long với mức giảm hơn 35%.
Một số bluechips dầu khí như PVD, PVT… ghi nhận mức giảm hơn 13% trong tháng 8. Trong nhóm ngân hàng, VCB giảm 13% chỉ trong tháng 8. Việc giảm giá của những mã lớn này đã làm giảm đáng kể giá trị vốn hóa toàn thị trường.
Nhìn về triển vọng các nhóm cổ phiếu trong tháng 9 và những tháng cuối năm, nhóm cổ phiếu kỳ vọng tăng trưởng ổn định và ít chịu ảnh hưởng nhất bởi biến động thị trường sẽ là nhóm chứng khoán và những cổ phiếu đầu ngành các lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng và công nghệ. Trong khi đó, nhóm ngành ngân hàng được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục giữ ổn định và là nhóm có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số chung của thị trường.