ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 30/1.
Giai đoạn phù hợp để gia tăng hoạt động trading
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Thị trường có diễn biến khá cân bằng trong phiên 29/1. Áp lực bán vẫn hiện hữu tại một số nhóm cổ phiếu, nhưng nhìn chung lực cung là không nhiều trong khi lực cầu giá thấp luôn thường trực. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm các mã như BID, MBB, ACB có chiều hướng điều chỉnh, nhưng mức độ giảm là không quá lớn nên không gây nhiều tác động tới diễn biến thị trường chung. Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh so với phiên hôm qua, chỉ đạt khoảng 110 triệu cổ phiếu trên sàn HSX, cho thấy sự thận trọng lại quay trở lại với cả bên mua và bên bán.
Hoạt động chốt lời tại nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường trong một vài phiên tới. Tuy vậy, sự phân hóa sẽ diễn ra ngày một rõ nét dưới tác động của mùa báo cáo KQKD sắp được công bố. Giai đoạn hiện tại được đánh giá là phù hợp để nhà đầu tư gia tăng hoạt động trading, đồng thời tái cơ cấu danh mục sang các mã có cơ bản tốt, dự báo có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2015.
Không tham gia vào các cổ phiếu đầu cơ
CTCK Maritime Bank (MSBS)
Về ngắn hạn, VN-Index đang nhận được sự hỗ trợ từ tín hiệu đường trung bình MA, cụm nến ngày đã vượt mốc Fibonacci 50% và duy trì trên mốc này trong những phiên giao dịch gần đây. Tuy nhiên, thị trường chưa thực sự thu hút mạnh được dòng tiền cũng như chưa tìm được nhóm cổ phiếu dẫn dắt để VN-Index có thể đi lên các mốc kháng cự tiếp theo mà thay vào đó sẽ điều chỉnh để tích lũy thêm.
Nhà đầu tư nên thận trọng, không tham gia vào các cổ phiếu đầu cơ, lựa chọn những cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan, có thông tin hỗ trợ như VSH, TCM, DPM, FPT… mua gom và nắm giữ trung hạn. Ngày 30/1, thị trường sẽ giằng co trong phiên giao dịch buổi sáng, lực cầu yếu cũng như áp lực bán tăng cao sẽ đẩy chỉ số quay về giảm điểm cuối phiên.
Vẫn nên thận trọng
CTCK MB (MBS)
Các chỉ số có phiên giảm nhẹ trong diễn biến giao dịch giằng co và giá cổ phiếu phân hóa rõ nét, đóng cửa VN-Index giảm nhẹ 0,48 điểm (0,08%) đứng ở 583,28 điểm, HNX-Index giảm nhẹ 0,28 điểm (0,32%) đứng ở 86,95 điểm. Thanh khoản chung giảm nhẹ trên cả hai sàn khi khối lượng giao dịch giảm 13,1% trên HOSE và giảm 22,2% trên HNX, thực tế này cho thấy thị trường đang ở vùng giao dịch giằng co, trạng thái sideway đang được hình thành trong bối cảnh cung cầu cân bằng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên này đã chững lại đà tăng, ngoài CTG, EIB vẫn tăng giá thì các cổ phiếu khác BID, VCB, MBB đều điều chỉnh giảm trở lại, do đó mức độ tắc động của nhóm ngân hàng tới thị trường hôm nay không lớn. Nhóm vốn hóa lớn cũng có sự phân hóa khi MSN, BVH giảm khá trong khi VNM, DPM, PPC lại tăng khá, thực tế này cho thấy diễn biến thị trường hiện nay đang thiếu lực đẩy mạnh để thực sự bứt phá, và áp lực nguồn cung cũng không đủ lớn để tạo áp lực giảm mạnh lên thị trường.
Điểm nhấn của thị trường phiên này ghi nhận sự duy trì tăng giá của nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ và sự quan tâm của dòng tiền như HLD, VHC, CSM, DRC, PPC, SCR, SRC và hiện tượng tăng giá trở lại của nhóm cổ phiếu đầu cơ như FLC, KLF, FIT, VHG, LGC, VIX... Về cơ bản, chúng tôi cho rằng việc tuân thủ thực hiện Thông tư 36 trong thời gian tới đây có thể phần nào ảnh hưởng đến hoạt động margin ngắn hạn, do đó nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu, nhất là nhóm cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào dòng tiền margin.
Vẫn đang duy trì xu hướng tăng
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Chứng khoán Việt Nam có phiên thứ hai liên tiếp dao động cân bằng. Mức điểm của hai chỉ số không có sự thay đổi lớn và biến động trong phiên cũng chỉ ở mức nhỏ. Cụ thể VN-Index dừng phiên tại 583,28 điểm (-0,08%) còn HNX-Index chốt ngày tại 86,95 điểm (-0,32%). Sự cân bằng cũng thể hiện rất rõ khi có 191 mã tăng so với 208 mã giảm, một tỷ lệ cho thấy không có sự chênh lệch đáng kể về số mã tăng giảm trên thị trường.
Sự thận trọng có phần tăng lên, lượng giao dịch vì vậy có sự suy giảm nhẹ. HSX chỉ ghi nhận 93,4 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị đạt 1.558 tỷ đồng (-14,1%) trong khi HNX có 590 tỷ đồng (-19,3%). Sự thận trọng của nhà đầu tư có thể lý giải do các “rung lắc” khá mạnh của thị trường trong tuần này.
SCR tiếp tục là tâm điểm chú ý của phiên 29/1. Sau những phát biểu chính thức và “chi tiết hơn” của Chủ tịch Công ty, sự hồi phục đã quay lại với cổ phiếu này trong 29/1. SCR chốt phiên hồi phục trở lại gần 6,5%, quay lại đúng mức giá đóng cửa của phiên giảm sàn ngày thứ Ba trong tuần. Chúng tôi cho rằng, diễn biến của SCR sẽ vẫn còn kịch tích, đặc biệt trong phiên cuối tuần này do một lượng hàng lớn phiên thứ Ba sẽ về đến tài khoản nhà đầu tư, mức độ hấp thụ lượng hàng này sẽ nói lên nhiều điều.
Ở các diễn biến khác trên thị trường, nhóm ngân hàng sau một số phiên tăng mạnh đã có điều chỉnh nhẹ trong hôm nay ở nhiều cổ phiếu chủ chốt như: BID (-2,2%), VCB (-1,3%), STB (-1,0%),… Dù điều chỉnh nhẹ 29/1, xét trong khung thời gian lớn hơn, cần lưu ý nhóm ngân hàng vẫn đang có mức hoạt động mạnh hơn bình quân thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng phiên 29/1 nhưng giá trị mua ròng vẫn khiêm tốn.
Như vậy là thị trường tiếp tục có một phiên giao dịch ít biến động. Quan điểm xu hướng của chúng tôi tiếp tục không thay đổi, thị trường mà cụ thể là 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index vẫn đang duy trì xu hướng tăng.
Giảm để tích lực
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS)
Trong phiên giao dịch 29/1 là cơ hội cuối của nhóm ngân hàng bứt phá ở nhịp tăng này, nhưng đều không thành công. Vì thế, ở phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1 nhiều khả năng thị trường sẽ giảm điểm khi nhóm ngân hàng chịu áp lực chốt lời mạnh. Trong khi đó, những cổ phiếu lớn như VNM, GAS khó còn duy trì sự hỗ trợ cho thị trường.
Những cổ phiếu chưa tăng điểm sẽ tiếp tục giao dịch lình xình, trong khi những cổ phiếu tăng mạnh như nhóm ngân hàng sẽ chịu áp lực chốt lời. Tuy nhiên, tâm lý NĐT đang khá tốt nên bên bán vẫn chủ động giữ cổ phiếu chờ cơ hội.
Thị trường suy giảm (nếu có) chỉ là giảm để tích lực và vẫn mang đến những khả năng tăng trong tuần tới. Mức suy giảm của thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào nhóm cổ phiếu lớn, nhưng những cổ phiếu khác có thể vẫn có sự giảm nhẹ nhưng khối lượng giao dịch sẽ giảm sút.
Nhiều khả năng sẽ đi ngang
CTCK BIDV (BSC)
Hai chỉ số tiếp tục kiểm tra thành công hỗ trợ 580 và 86 điểm trong phiên. Biên độ và tần suất dao động của giá trong phiên giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn phiên trước. Tuy nhiên, thanh khoản thu hẹp lại phản ánh sự thận trọng từ cả bên mua và bên bán. Trong số các cổ phiếu có khả năng dẫn dắt thị trường, nhóm ngân hàng sau khi tăng mạnh có lẽ sẽ cần thêm thời gian để nghỉ ngơi trong khi nhóm dầu khí chưa có chuyển biến do giá dầu thế giới diễn biến yếu.
Thông tin về kết quả kinh doanh 2014 vẫn sẽ khiến thị trường phân hóa giữa các mã cổ phiếu riêng lẻ. Cùng với khoảng trống thông tin ngắn hạn trước mắt, chúng tôi cho rằng, kịch bản thị trường đi ngang trong các phiên tới nhiều khả năng xảy ra.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tư vấn đề cập trong báo cáo trước. Nếu mức 580 điểm của VN-Index được giữ vững thì NĐT vẫn có thể nắm giữ cổ phiếu.