Nhận định thị trường ngày 24/4: Tái lập trạng thái cân bằng

(ĐTCK) Dù thị trường không duy trì được đà tăng, nhưng hoạt động bán tháo đang hạ nhiệt giúp biên độ giảm thu hẹp. Do đó, quá trình tái lập trạng thái cân bằng của thị trường vẫn đang được diễn ra.
Nhận định thị trường ngày 24/4: Tái lập trạng thái cân bằng

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/4.

Đi ngang trong khoảng hẹp 560 – 580 điểm  

(CTCK FPT - FPTS)                                                                      

Sau phiên hồi phục mạnh ngày 22/4 thì xu thế chung vẫn chưa thực sự tích cực trở lại, các chỉ số đảo chiều giảm nhẹ kèm theo thanh khoản thấp cho thấy tâm lý số đông vẫn trong trạng thái nghi ngờ cao. Quan sát diễn biến giao dịch, có thể thấy VN-Index trong phiên 23/4 vẫn được nâng đỡ bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng nhóm cổ phiếu penny và midcaps đã suy yếu nhanh chóng, ngoài một số mã đầu cơ tiêu biểu vẫn giữ được đà tăng như PVX, ITQ, DLG … thì phần còn lại của thị trường đều đảo chiều giảm giá cuối phiên. Nhìn chung, kịch bản hồi phục của các chỉ số vẫn gặp khó khăn khi lượng cung tiềm ẩn tại các mức giá cao đang khiến cho hoạt động bắt đáy của nhà đầu tư có phần thận trọng hơn.

Trong các phiên cuối tuần, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn sẽ gặp khó khăn ở những ngưỡng kháng cự nhạy cảm, những rung lắc vì thế có thể xuất hiện nhiều hơn với xu hướng chính là đi ngang trong khoảng hẹp 560 – 580 điểm. Về kỹ thuật, nếu các chỉ số không biến động quá mạnh và diễn biến theo chiều hướng tích lũy trong thời gian tới thì những đánh giá của chúng tôi về xu hướng trung hạn vẫn là tích cực. Nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng, chờ đợi những tín hiệu chắc chắn hơn từ thị trường và khối ngoại; việc giải ngân vẫn cần hạn chế, tránh trường hợp mua đuổi giá cao trong các phiên hồi phục kỹ thuật.

Thị trường sẽ giảm điểm 

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Sau phiên hồi phục mạnh ngày 22/4, thị trường chứng khoán phiên 23/4 giảm điểm nhẹ. Thanh khoản tiếp tục giảm thể hiện việc dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Phiên giao dịch ngày 24/4, chúng tôi nhận định thị trường sẽ giảm điểm với thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp và lực bán tăng cao do tâm lý lo sợ của đại đa số nhà đầu tư.

Chúng tôi khuyến nghị đây là thời điểm nhà đầu tư nên đứng ngoài theo dõi diễn biến thị trường, chờ đợi cơ hội giải ngân thích hợp sắp tới. Đối với những nhà đầu tư giá trị, chúng tôi cho rằng vẫn có thể xem xét mua vào đối với những cổ phiếu cơ bản tốt, có sẵn trong danh mục đầu tư.

Sẽ dao động trong biên độ hẹp, thanh khoản vẫn giảm

(CTCK BIDV - BSC)

Phiên 23/4, VN-Index tạo 1 cây nến doji, HNX tạo 1 nến nhỏ, biên độ dao động hẹp cùng với khối lượng sụt giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá uể oải.

Tại vùng giá hiện tại, chúng tôi quan sát thấy bên mua vẫn khá thận trọng trong khi bên bán có dấu hiệu sốt ruột bán ra tại nhiều cổ phiếu trong cuối phiên chiều. Với diễn biến như vậy, lực đi lên của thị trường không có nhiều, trong khi vẫn có sức ép nhẹ từ sự mất kiên nhẫn của bên bán lên giá cổ phiếu có thể khiến 2 chỉ số giảm lại, hướng về phía vùng đáy cũ. Trong kịch bản này, chúng tôi cho rằng ngưỡng hỗ trợ ở vùng đáy cũ 555 - 560 điểm (VN-Index) và 78.5 điểm (HNX-Index) vẫn sẽ đủ mạnh để 2 chỉ số không giảm sâu hơn trừ khi xuất hiện thông tin mới quá tiêu cực.

Như vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp với thanh khoản tiếp tục giảm sút. Các nhà đầu tư nên cân nhắc giữ tỷ trọng cổ phiếu trung bình (50/50) trong giai đoạn chưa rõ xu hướng này.

Khối ngoại sẽ giúp dòng tiền quay lại sau nghỉ lễ

(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)

Một phiên tăng mạnh và sau đó lại là một phiên giảm nhẹ và điều này là hoàn toàn lý tưởng cho thị trường trong giai đoạn hiện nay. Không tạo sự hưng phấn thái quá nhưng cũng không quá hoảng sợ, vì thế mà sự cân bằng sẽ được tái lập.

Thanh khoản tiếp tục sụt giảm là điều đã được dự báo, và chúng ta có thể thấy rằng áp lực bán là không quá mạnh. Theo góc nhìn của chúng tôi thì áp lực này chủ yếu đến từ những lô cổ phiếu mà nhà đầu tư đã bắt đáy trước đó. Với việc kỳ nghỉ lễ dài đang cận kề thì dòng tiền đương nhiên đứng ngoài nên chúng ta không đòi hỏi cầu mua sẽ mạnh trở lại. Điều quan trọng nhất bây giờ vẫn là sự bình vững của thị trường một cách chắc chắn hơn và điều đó sẽ giúp dòng tiền quay lại sau nghỉ lễ. Chúng tôi tin rằng cầu mua từ khối ngoại sẽ là động lực để kích hoạt điều này. 

Quá trình tái lập trạng thái cân bằng vẫn đang diễn ra 

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Thị trường không thể duy trì sắc xanh về cuối phiên sau khi áp lực nguồn cung tăng cường trong khi lực cầu suy yếu. Dù vậy, như kì vọng, hoạt động bán tháo đang hạ nhiệt giúp cho biên độ giảm của nhiều cổ phiếu đã được thu hẹp đáng kể. Điểm tích cực hiện nay là khối ngoại đang xác lập vị thế mua ròng khá ổn định sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng.

Theo đó, chúng tôi kì vọng quá trình tái lập trạng thái cân bằng của thị trường vẫn đang được diễn ra. Điểm lo ngại vào lúc này là sự thu hẹp của dòng tiền sẽ là trở ngại lớn để các chỉ số có thể hình thành xu hướng phục hồi trong ngắn hạn. Do đó, hoạt động mua mới vẫn chưa được khuyến khích và nhà đầu tư đang ở vị thế tiền mặt tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi.

Cả hai chỉ số sẽ còn trải qua diễn biến giằng co điều chỉnh

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Sau một phiên hồi phục, thị trường đảo chiều giảm điểm trở lại với diễn biến khá giằng co trong phiên. Tính thanh khoản duy trì ở mức thấp trên hai sàn cho thấy sự dè dặt ở cả hai phía người mua, người bán. Một số ít các mã duy trì được mức giá xanh về cuối phiên nhưng không có vai trò dẫn dắt và tạo được sức lan tỏa đối với thị trường chung.

Trong bối cảnh thiếu vắng các điểm nhấn chính sách vĩ mô và mùa đại hội cổ đông 2014 đã đi gần đến giai đoạn cuối, thị trường không còn được đón nhận nhiều thông tin mới mang tính đột biến. Nhà đầu tư đang dần hướng sự chú ý sang các thông tin kết quả kinh doanh quý I cũng như triển vọng các quý tiếp theo của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, yếu tố kết quả kinh doanh quý I/2014 mang tính phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và trên thực tế đã phần nào được phản ánh vào diễn biến giá cổ phiếu từ trước. Điều này hàm ý đây không phải là yếu tố có thể có tác động mạnh đến xu hướng của cả thị trường trong ngắn hạn.

Bức tranh kỹ thuật cũng đang cho thấy một kịch bản tương tự. Sau một nhịp sụt giảm mạnh, cả hai chỉ số đang dần tiếp cận các vùng hỗ trợ đáng lưu ý cả trong ngắn và trung hạn, 548-555 điểm của VN-Index và 77-78 điểm của HNX-Index. Tuy nhiên, để tạo điểm đảo chiều với xác suất thành công cao hơn, nhiều khả năng cả hai chỉ số sẽ còn trải qua diễn biến giằng co điều chỉnh và tạo các nền giá thoải dần trong 1-2 tuần. Điều này khá trùng khớp với diễn biến phân hóa dựa vào yếu tố thông tin đã đề cập ở trên.

Duy trì quan điểm tích cực trong trung hạn và cân bằng trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể thực hiện tích lũy và nâng tỷ trọng nắm giữ trung hạn lên mức trung bình. Một phần tỷ trọng trading quay vòng ngắn hạn có thể được áp dụng tại quanh các vùng hỗ trợ nhằm mục đích bình quân giá vốn, kết hợp tái cơ cấu cho vị thế trung hạn kể trên.

Thanh khoản thấp đang là rủi ro đáng lo ngại

(CTCK MB - MBS)

Thanh khoản thấp đang là rủi ro đáng lo ngại của thị trường. Điều đó cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang đứng ngoài quan sát thị trường, rủi ro thị trường ở mức cao khi không có xu hướng rõ ràng nào và thay đổi có thể diễn ra rất nhanh. Thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư vẫn có thể thăm dò vùng đáy cũng như mua dần cho các mục tiêu đầu tư trung và dài hạn nếu ở vùng giá hợp lý, tuy nhiên nhà đầu tư cần ý thức được rủi ro thị trường, và chỉ mua vào với khối lượng vừa phải, cũng như không nên sử dụng đòn bẩy tài chính.

Chúng tôi cho rằng các chiến lược đầu tư ngắn hạn là phù hợp hơn trong giai đoạn hiện tại của thị trường. Nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược mua thấp – bán cao, mua khi thị trường xuất hiện các đợt giảm, bán khi thị trường phục hồi, đặc biệt đối với các cổ phiếu đang có sẵn trong danh mục để có thể linh hoạt về thời gian ra – vào.

Thời gian tăng điểm kỹ thuật sẽ không kéo dài

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường giảm điểm trở lại sau một phiên phục hồi  kỹ thuật với khối lượng giao dịch giảm mạnh. Lượng cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số. Động lực thị trường yếu, đa số nhà đầu tư có quan điểm thận trọng. Mức độ giảm của VN-Index thấp hơn HNX-Index, nhờ diễn biến tăng của nhóm cổ phiếu lớn (GAS, MSN, VIC, STB).

Chúng tôi duy trì quan điểm thị trường đang trong nhịp tăng kỹ thuật của xu hướng giảm giá. Ngưỡng cản quan trọng của VN-Index là khoảng +/-585 điểm, của HNX-Index là khoảng +/-84-85 điểm, tương đương tập hợp đường MA12,20 và 50 ngày. Với thực tế dòng tiền vào thị trường yếu như hiện tại, thời gian tăng điểm kỹ thuật sẽ không kéo dài.

Nhà đầu tư ngắn hạn đã mạo hiểm mua vào dò đáy DUY TRÌ TRẠNG THÁI DANH MỤC, chờ đợi tín hiệu thị trường. Trong trường hợp tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao, nên xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu ở phiên/thời điểm thị trường tăng điểm.

Triển vọng thị trường đã kém đi

(CTCK Maybank KimEng - MBKE)

Trên đồ thị kỹ thuật, sau khi mức hỗ trợ 565 bị phá vỡ, thị trường hồi phục ngắn nhưng động lực mua không được duy trì. Chỉ số nối tiếp phiên tăng bằng một nến đỏ giảm điểm, dù nhẹ. Dấu hiệu đáng lo ngại hơn là khối lượng: tiếp tục xuống tới mức rất thấp kể từ đầu đợt suy giảm.

Do đó, chúng tôi cho rằng triển vọng thị trường đã kém đi và dòng tiền cũng đồng thời rút khỏi thị trường. Các nhà đầu tư nên cắt giảm rủi ro và đứng ngoài thị trường.

Khả năng VN-Index đi vào vùng tích lũy là khá cao

(CTCK Rồng Việt -VDSC)

Thanh khoản dần xa những cột mốc đáng nhớ. Còn nhớ cách đây không lâu, các nhận định về những phiên giao dịch vài nghìn tỷ đồng sẽ là bình thường của thị trường Việt Nam trong bối cảnh dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán giúp cho giá trị vốn hóa của toàn thị trường tính đến cuối năm 2013 lên đến khoảng 30% GDP.

Thế nhưng điều này đã không duy trì được lâu, khối lượng khớp lệnh trung bình trong mỗi phiên trên cả hai sàn trong tháng 4 đều đã giảm khoảng 32% so với tháng trước. Và phiên 23/4, thanh khoản đã gần như cạn kiệt khi lùi về con số chỉ có hơn 120 triệu cp khớp lệnh trên cả hai sàn.

Cũng dễ hiểu khi đà tăng của thị trường chưa chắc chắn thì rủi ro sẽ bị đẩy về phía những nhà đầu tư giải ngân tại thời điểm này vì vậy dòng tiền vẫn đang trong xu thế tạm rời xa thị trường. Và những phiên giao dịch như vậy dự kiến sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt là nếu xét theo yếu tố lịch sử thì khả năng VN-Index đi vào vùng tích lũy trong quý II như những năm trước đây là khá cao.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục