Nhận định thị trường ngày 20/3: Có thể bắt đầu tích lũy

(ĐTCK) Sau phiên giảm điểm này, khá nhiều mã đã quay trở lại vùng mua hấp dẫn. Nhà đầu tư với mức độ chịu đựng rủi ro cao có thể bắt đầu tích lũy thêm cổ phiếu để đón đầu mùa đại hội cổ đông sắp diễn ra cũng như kết quả kinh doanh quý I.
Nhận định thị trường ngày 20/3: Có thể bắt đầu tích lũy

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 20/3.

ETFs sẽ tập trung giao dịch mạnh

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thị trường tiếp tục chứng kiến một phiên giao dịch kém tích cực. Mặt bằng chung các cổ phiếu tiếp tục chịu sự điều chỉnh trên diên rộng. Tuy vậy bên bán và bên mua đều không thể hiện rõ quyết tâm khiến áp lực giảm sâu không diễn ra. Dường như đa số các nhà đầu tư sau khi giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đều chọn phương án đứng ngoài theo dõi thị trường khiến không khí giao dịch trở nên khá buồn tẻ với thanh khoản suy giảm khá mạnh.

Ngày giao dịch cuối tuần là thời hạn chót của tuần tái cân bằng danh mục 2 quỹ ETF. Những diễn biến giao dịch trì trệ trong tuần của khối ngoại cho thấy 2 quỹ này sẽ tập trung mua bán mạnh trong phiên cuối tuần. Điều này sẽ giúp thanh khoản tăng bất thường tại một số mã, tuy vậy, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng tại thời điểm hiện tại và khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát.

Rủi ro vẫn hiện hữu

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường chứng khoán thế giới mở cửa phiên giao dịch 19/3 với thông tin tích cực từ FED về tiến trình nâng lãi suất của Mỹ nhiều khả năng sẽ diễn ra một cách từ từ và sớm nhất sẽ diễn ra vào tháng 6.

Thông tin trên đã tác động khá mạnh đến diễn biến TTCK các nước trên thế giới với các chỉ số Dow Jones, FTSE 100, Hang Seng... tăng lần lượt 1,27%; 0,47% và 1,45%. Thông tin trên cũng giúp TTCK Việt Nam khởi đầu phiên giao dịch 19/3 khá hưng phấn.

Tuy vậy, áp lực bán tăng dần, đặc biệt từ khối nhà đầu tư nước ngoài, đã khiến hai chỉ số dần giảm điểm về cuối phiên. Điểm tích cực là thanh khoản ở mức thấp cho thấy áp lực bán không quá mạnh và quyết liệt, qua đó để ngỏ khả năng hồi phục của thị trường trong các phiên tới.

Sau phiên giảm điểm này, khá nhiều mã đã quay trở lại vùng mua hấp dẫn. Nhà đầu tư với mức độ chịu đựng rủi ro cao có thể bắt đầu tích lũy thêm cổ phiếu để đón đầu mùa đại hội cổ đông sắp diễn ra cũng như kết quả kinh doanh quý I. Tuy nhiên, rủi ro thị trường vẫn hiện hữu, đặc biệt xuất phát từ động thái bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại, do vậy nhà đầu tư thận trọng có thể quan sát thêm diễn biến thị trường.

Cẩn trọng hơn về dòng tiền margin

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Sau khi chinh phục ngưỡng 600, VN-Index đã trải qua nhiều phiên giảm điểm dù biên độ giảm mỗi phiên khá hẹp. Rõ ràng, sau Thông tư 36, tâm lý lo ngại của nhà đầu tư nội một lần nữa trở lại với Dự thảo thông tư 210. Dù tác động không nhiều, nhưng dự thảo này đang khiến cho nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước về dòng tiền margin trong thời gian tới.

Giữ nguyên quan điểm trong bản tin trước, nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, đặc biệt ở các nhịp phục hồi kĩ thuật, và quan sát thêm các tín hiệu mới. Dù vậy, việc theo đuổi chiến lược mua tích lũy ở giai đoạn này cho mục tiêu dài hạn có thể xem là hợp lý nhờ định giá hấp dẫn và các yếu tố nền tảng doanh nghiệp và vĩ mô không bị xói mòn.  

Có thể về lại mốc 570 điểm

(CTCK Maritime Bank – MSBS)

Sẽ còn giảm tiếp về mốc 570 điểm vào ngày 20/3. VN-Index đã có phiên giảm khá mạnh khi đường giá liên tục phá vỡ các mốc hỗ trợ. Thanh khoản thấp do nhiều nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường, áp lực bán không quá lớn nhưng lại tập trung ở các mã cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ngày 20/3 thị trường, xấu nhất là về mốc 565 điểm trong phiên. Kết thúc phiên sẽ giảm điểm. Nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài thị trường khi mà đà giảm giá vẫn chưa có xu hướng kết thúc.

VN-Index có thể giảm mạnh

(CTCK MB - MBS)

Thị trường tiếp tục giảm điểm sau khi chỉ số VN-Index mất mốc hỗ trợ kỹ thuật. Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng mạnh trong phiên.

Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 20/3 là ngày cuối cùng trong kỳ tái cơ cấu danh mục đầu tư của hai quỹ ETF. Do dó, các mã bị giảm tỷ trọng như VIC, MSN, VCB, STB…có thể sẽ chịu áp lực cung tăng lên trong phiên cuối cùng của đợt cơ cấu này. Ảnh hưởng này có thể sẽ tác động khiến chỉ số giảm mạnh, nhưng áp lực cung ngắn hạn này cũng sẽ chấm dứt trong tuần tới.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục