Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/3

KBC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam khởi sắc, hoạt động của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC – sàn HOSE) hưởng lợi. Nhờ dòng vốn FDI được cải thiện, năm 2014 KBC đã có sự chuyển biến tích cực về kết quả kinh doanh với doanh thu 2014 đạt 1.069 tỷ đồng, tương đương so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 326 tỷ đồng, tăng trưởng 297% so với năm trước.

Bên cạnh đó, 1.200 tỷ đồng trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu giúp KBC giảm áp lực tài chính. Lãi vay của công ty có thể giảm 120 tỷ trong năm 2015. Chi phí lãi vay giảm sẽ bù đắp cho tác động pha loãng của cổ phiếu.

KBC ước tính doanh thu trong quý I/2015 đạt khoảng 500 tỷ, lợi nhuận trước thuế ước đạt 200 tỷ đồng, bằng một nửa so với lợi nhuận cả năm 2014. Lũy kế cả năm 2015, doanh thu từ tất cả các hoạt động của KBC có thể đạt 1.848 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm mạnh nhờ chi phí lãi vay có thể giảm khoảng 120 tỷ đồng. Dựa trên giả định trong năm 2015 KBC không có khoản lợi nhuận tài chính bất thường nào, lợi nhuận trước thuế của công ty có thể đạt 674 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 606 tỷ đồng tương đương EPS 2015 đạt 1.558 đồng/cổ phiếu.

Chúng tôi ước tính doanh thu của KBC trong năm 2015 có thể đạt 1.848 tỷ đồng, tăng trưởng 73% (so với năm trước). Lợi nhuận sau thuế ước đạt 606 tỷ đồng, tăng trưởng 86%. Trong ngắn hạn, EPS 2015 của KBC có thể đạt 1.558 đồng/cổ phiếu (sau pha loãng) tương đương với mức P/E forward 2015 là 10,91 lần.

Xét về triển vọng dài hạn, KBC đang trong quá trình phục hồi và tình hình kinh doanh sẽ cải thiện, cùng với triển vọng thu hút FDI (đặc biệt FDI từ Hàn quốc khi Việt-Hàn sẽ ký hiệp định thương mại tự do FTA), các chính sách ưu đãi và hợp đồng mới tại các KCN, lợi nhuận của KBC được kỳ vọng sẽ cải thiện bắt đầu tư năm 2015. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu KBC. Mức giá kỳ vọng là 19.400 đồng/cổ phiếu.

TNG: Kế hoạch kinh doanh khả quan

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) là một doanh nghiệp may có năng lực sản xuất đứng đầu khu vực phía Bắc. Tính đến cuối tháng 2/2015, giá trị đơn hàng đã ký kết đạt khoảng 45 triệu USD, trên 50% kế hoạch doanh thu 2015.

Theo đánh giá của chuyên viên ngành dệt may, không quá khó để TNG có thêm đơn hàng để đạt và vượt mức kế hoạch. Vấn đề đáng lo ngại của TNG hiện nay là nhân công, đến từ cạnh tranh nhân lực với các dự án FDI lớn tại Thái Nguyên. Hơn thế nữa việc đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 10 dây chuyền của nhà máy Đai Từ từ đầu tháng 2/2015, và khả năng mở rộng năng lực sản xuất của TNG thêm 35,4% trong năm 2015, khiến việc tuyển dụng nhân lực đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ ban lãnh đạo.

Tuy nhiên, một cách tổng thể, kết quả kinh doanh được chuyên viên ngành đánh giá khá khả quan nhất là khi các hiệp định thương mại được ký kết. Vì vậy, nhà đầu tư có thể theo dõi cổ phiếu này để đưa ra quyết định đầu tư đúng thời điểm.

CAV: Khuyến nghị tích cực                                                               

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Dây cáp điện Việt Nam (mã CAV) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành dây cáp điện tại Việt Nam với thương hiệu Cadivi được nhiều người tiêu dùng biết đến và thị phần dây điện dân dụng trên 30%.

Bên cạnh đó, đề án ngầm hóa lưới điện trung và hạ thế giai đoạn 2011-2020 của Tp HCM hiện đang được triển khai với vốn đầu tư 14.000 tỷ, ngầm hóa 5.000 km đường dây trung và hạ thế. CAV là đơn vị chính cung cấp dây cáp điện cho dự án.

Dựa trên các ước tính thận trọng về giá nguyên liệu đầu vào của CAV (đồng -9%, nhôm +6%, tỷ giá +2% so với năm trước), chúng tôi ước tính giá thành trung bình của CAV có thể giảm 5% yoy do đồng là nguyên liệu chính trong cơ cấu nguyên vật liệu. Giá bán dự kiến giảm ít hơn giá đầu vào do nhu cầu tiêu thụ 2015 dự báo tăng trưởng tốt. Biên lợi nhuận gộp mảng dây cáp điện dự kiến tăng 1%.

Với nhu cầu sử dụng và sản lượng điện tăng trưởng hàng năm ở mức 2 con số tại Việt Nam, hệ thống truyền tải và phân phối điện sẽ tiếp tục được phát triển, tạo cơ hội cho ngành dây cáp điện và CAV.

Với mức giá hiện tại, CAV đang được giao dịch với mức P/E forward 2015 khoảng 6,5 lần, tương đối thấp so với trung bình thị trường. CAV là doanh nghiệp đầu ngành dây cáp điện, nhu cầu cho các sản phẩm của công ty dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Với định giá ở mức 45.300 đồng/cổ phần, chúng tôi đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu CAV.

>> Tải báo cáo

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục