Nhận định thị trường ngày 1/12: Áp lực call margin

(ĐTCK) Đà rơi chưa giảm sút, chưa có tín hiệu tích cực. Diễn biến thị trường phần nhiều phụ thuộc vào vài phiên tới. Nếu đà giảm chưa được kiềm chế thì nhiều khả năng, lực bán sẽ gia tăng do áp lực call margin.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 1/12.

Hồi phục

(CTCK Maritime – MSI)

Thị trường đã điều chỉnh mạnh kèm theo thanh khoản suy yếu, VN-Index đã để mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng 575 điểm (Fibo 50,0%). Phiên 1/12 sẽ là phiên hồi phục, mặc dù đầu phiên thị trường có thể giảm về quanh ngưỡng 570 điểm, tuy nhiên sau đó có thể có sóng hồi nhờ lực cầu bắt đáy giúp thị trường tăng điểm trở lại.
Nhà đầu tư mạo hiểm có thể tận dụng thời điểm thị trường giảm mạnh xuống 570 điểm trong phiên 1/12 để thực hiện trading T+ với tỷ trọng thấp vào một số cổ phiếu đầu cơ có dòng tiền và hoạt động cơ bản tốt.

Dòng tiền rất khó sôi động

(CTCK FPT - FPTS)

Nhịp giảm của thị trường đang được mở rộng, trong đó phiên 30/11 có sự xuất hiện của nhóm ngân hàng với đà rơi khá mạnh. Điểm đáng chú ý là thanh khoản đang giảm dần trong khi chỉ số hướng về các mức hỗ trợ quan trọng. Đây là điểm được đánh giá là tích cực nếu như dòng tiền lật ngược được tình thế và trở lại sôi động trong các phiên tới.

Tuy nhiên, xác suất xảy ra khả năng này được cho là rất thấp vì mức độ kém tự tin của thị trường trong tuần giao dịch này, khi các đợt cơ cấu danh mục gần đây của các quỹ ETF ngày càng khó dự đoán. Cùng với đó là sự cộng hưởng từ thông tin Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng nâng lãi suất trong tháng 12/2015 cũng làm suy giảm động lực “bắt đáy” của dòng tiền. Kết hợp giữa phân tích xu hướng và các biến động trong khung thời gian hiện tại thì rõ ràng đây không phải là thời điểm phù hợp để chấp nhận giải ngân đối với nhóm nhà đầu tư ngắn hạn và có mức chịu rủi ro thấp.

Lực bán sẽ gia tăng do áp lực call margin

(CTCK BIDV - BSC)

Đà rơi chưa giảm sút, chưa có tín hiệu tích cực. Diễn biến thị trường phần nhiều phụ thuộc vào vài phiên tới. Nếu đà giảm chưa được kiềm chế thì nhiều khả năng, lực bán sẽ gia tăng do áp lực call margin. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm nên hạ tỷ trọng cổ phiếu và quan sát thêm, chưa cần vội vàng tham gia trở lại thị trường.

Cung giá thấp sắp cạn  

(CTCK Đầu tư Việt Nam – IVS)

Theo quan sát, nhóm LargeCap có dấu hiệu tích cực hơn khi VNM, BVH và MSN đã có xu hướng dừng giảm, còn nhóm Ngân hàng đang tạo áp lực thì dấu hiệu bắt đáy đang tăng dần khi khối lượng giao dịch có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, cả BID, VCB hay CTG đều đang tiệm cận dần tới vùng hỗ trợ. Theo đó, trong tuần này, vùng hỗ trợ sẽ rơi vào khoảng 565-570 điểm, nên áp lực có thể sẽ còn thêm 1-2 phiên nữa.

Nếu điều này xảy ra thì ở phiên ngày 1/12, áp lực bán sẽ tiếp tục giảm dần. Trong những phiên gần đây thanh khoản đã sụt giảm liên tục, nhiều người lo ngại rằng lực mua bắt đáy suy giảm. Thực tế, lực mua giá thấp vẫn còn rất nhiều nên không thể đánh giá rằng mua bắt đáy suy giảm, mà có thể đang báo hiệu rằng cung giá thấp hơn nữa sắp cạn.

Ở giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát chờ động thái của thị trường để hành động. Nhiều cổ phiếu suy giảm mạnh vừa qua như HAG, FLC, TCM, VCB, BID… đang nằm trong tầm ngắm. Bán ra lúc này có lẽ là quá muộn bởi rất có thể thị trường sẽ hồi phục trở lại bất ngờ khi tâm lý nhà đầu tư trở nên yếu nhất.

Thị trường hiện đang gặp nhiều thử thách

(CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam - KIS)

Với phiên giảm 30/11, VN-Index đã dễ dàng phá vỡ đường MA200, trong khi lực cầu suy yếu. Theo đó, việc VN-Index liên tục đánh mất các ngưỡng hỗ trợ mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu là do các yếu tố chính 1) Fed sẽ nâng lãi suất vào giữa tháng tới và thị trường ngoại hối tăng nhiệt; 2) Khối ngoại mua ròng trở lại phiên này, nhưng trạng thái chung vẫn là bán ròng; 3) Tình trạng bất ổn của các thị trường chủ chốt như Trung Quốc và Nhật Bản; và 4) Nhà đầu tư lo ngại về tình trạng full margin ở nhiều CTCK.

Điều này thực sự trở thành lực cản đáng kể cho các thị trường trong tháng 12, đặc biệt nếu nhà đầu tư không đón nhận bất kì nhân tố hỗ trợ trong thời gian sắp tới.

Sẽ tích lũy đi ngang trong vùng giá hiện tại

(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)

Thống kê trong vài năm gần đây cho thấy, thị trường trong tháng 12 không có quá nhiều biến động và thường nghiêng về chiều hướng tích lũy tạo đà cho giai đoạn đầu năm. Việc FED có khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới đây khiến giới đầu tư lo ngại về xu hướng rút vốn của dòng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, các thông tin về việc nới room cho khối ngoại và lộ trình thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp lớn trên sàn sẽ có các thông tin chi tiết hơn trong thời gian tới là các yếu tố hỗ trợ thị trường. Những yếu tố tích cực đan xen tiêu cực củng cố nhận định về việc thị trường tháng 12 sẽ giao dịch trong trọng thái tích lũy tại vùng giá hiện tại sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua.

Khả năng thị trường sẽ giao dịch trong trạng thái tích lũy đi ngang tại vùng giá hiện tại. Nhà đầu tư có thể bắt đầu tiến hành giải ngân dần vào các mã đã về vùng giá tốt sau giai đoạn điều chỉnh vừa qua, được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan trong các tháng cuối năm theo yếu tố mùa vụ như Bất động sản, xây dựng. Nhóm các mã bluechips sau giai đoạn điều chỉnh gần đây cũng đang về vùng giá tương đối hấp dẫn và có thể cũng sẽ bắt đầu thu hút dòng tiền bắt đáy.

Triển vọng ngắn hạn đang khá bi quan

(CTCK Maybank Kim Eng - MBKE)

Như đã lưu ý trước đó, việc VN-Index xâm phạm hoàn toàn khu vực hỗ 590 điểm đã khiến xu hướng ngắn hạn bị đảo chiều từ tăng sang giảm và triển vọng ngắn hạn vì vậy khá bi quan. Nhà đầu tư cần hạn chế tối đa các hành động “bắt dao rơi” khi xu hướng đang là giảm, các đoạn hồi kỹ thuật trong những phiên tới (nếu có) nên được nhìn nhận như cơ hội thoát khỏi thị trường hơn là cố gắng mua mới trong bối cảnh hiện nay.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục