Nhận diện rào cản với dòng vốn FDI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài, từ đó có hướng tháo gỡ cho họ, sẽ khơi dòng vốn FDI chảy mạnh hơn vào Việt Nam.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những thách thức lớn trong thu hút vốn FDI tới đây. Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những thách thức lớn trong thu hút vốn FDI tới đây.

Thủ tục hành chính, đền bù giải tỏa kéo dài

Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn hay năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực trọng tâm được Chính phủ hướng đến trong thu hút dòng vốn FDI và dành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Dù ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh, song các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra nhiều rào cản của môi trường đầu tư như thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan…

Chẳng hạn, theo Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể thuê đất từ Nhà nước để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ cần phải thêm một quy trình thủ tục xin chấp thuận chủ trương thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 82/2018/NĐ-CP.

Các quy định này tương đối rõ ràng, nhưng các yêu cầu chi tiết trong quy trình, thủ tục được đánh giá không dễ dàng với nhiều nhà đầu tư ngoại, nếu không có sự tìm hiểu, nghiên cứu trên dưới 5 năm hệ thống văn bản pháp lý Việt Nam cũng như không có sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong nước.

Giám đốc đầu tư, đại diện cho một quỹ đầu tư tới từ Nhật Bản cho biết, vấn đề lớn nhất đối với doanh nghiệp FDI từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến khi triển khai dự án là câu chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Từ đầu năm 2022, một số địa phương thực hiện chủ trương đấu giá các cụm công nghiệp, tuy nhiên, mặt bằng giá đất xung quanh bị “thổi” lên cao, dẫn tới tiến độ đền bù người dân để có quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư rất chậm.

Trước tình hình đó, một số nhà đầu tư được địa phương mời chào vào một số khu vực nằm trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp, mới được phê duyệt chủ trương, quy hoạch 1/500, hoặc không thuận tiện về giao thông.

Điều này rất bất cập, bởi cơ sở hạ tầng là yếu tố nhà đầu tư nước ngoài xem xét trước tiên, sau đó mới đến các yếu tố như ưu đãi thuế và chất lượng nguồn nhân lực...

Trước mở, sau thắt

Bên cạnh những vướng mắc về thủ tục hành chính và đền bù giải tỏa mặt bằng, theo vị giám đốc đầu tư, e ngại lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài là cách hiểu, diễn giải quy định văn bản pháp luật.

“Có trường hợp doanh nghiệp được bộ, ngành trung ương giải thích về các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, căn cứ vào đó doanh nghiệp ra quyết định đầu tư, nhưng sau một thời gian, các bộ, ngành lại có sự thay đổi. Nguyên tắc của Luật Đầu tư là, khi có những thay đổi về quy định pháp luật thì cần bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, nhưng các cán bộ quản lý không bám sát nguyên tắc này, dẫn tới quyền lợi của nhà đầu tư không được đảm bảo. Chưa kể, quy định về tiếp cận đất đai, quy định thuế, thậm chí quy định giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý cũng chưa rõ ràng”, vị đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản cho biết.

Nhìn từ câu chuyện thực tiễn của TP.HCM, tính từ năm 1988 đến tháng 6/2023, địa phương này dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư từ 117 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 11.868 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư khoảng 82 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022, tổng vốn FDI vào TP.HCM chỉ đạt hơn 4,33 tỷ USD, giảm gần 40% so với năm 2021.

Nhiều báo cáo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu cho thấy, khung khổ pháp lý trong thu hút đầu tư tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chưa tạo được lực hấp dẫn với dòng vốn FDI chất lượng cao, chủ yếu bởi một số bất cập sau: Thực tiễn phát sinh nhưng không có quy định điều chỉnh; có quy định nhưng lại khác nhau giữa luật này và luật kia (chồng chéo, mâu thuẫn quy định pháp luật); có quy định nhưng cách hiểu khác nhau; có quy định nhưng chưa tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư (chưa đạt được hiệu quả áp dụng trên thực tế)... Từ đó, nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro pháp lý khi thực hiện dự án đầu tư.

Số liệu của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, tỷ lệ tranh chấp có yếu tố FDI trong năm 2022 chiếm khoảng 40% số tranh chấp được thụ lý ở VIAC. Ngoài các tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với nhau thì có những vụ tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.

Luật sư Châu Đình Bắc, Phó tổng thư ký VIAC cho biết: “Vướng mắc pháp lý gây chậm trễ trong triển khai dự án, ảnh hưởng chất lượng môi trường đầu tư; đồng thời, có thể dẫn đến tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, hoặc dẫn đến tranh chấp đầu tư quốc tế”.

… Tới thuế tối thiểu toàn cầu

Bên cạnh câu chuyện về thủ tục đầu tư, theo đại diện Công ty tư vấn GWA Việt Nam (thuộc Tập đoàn Tư vấn GWA Greatway Advisory), môi trường đầu tư Việt Nam đang giảm sức hút khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Chính sách thuế hiện tại ở Việt Nam là một trong những công cụ đắc lực thu hút nguồn vốn FDI, tuy nhiên, điều này có thể sẽ khác vào năm 2024.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do OECD khởi xướng và được 142 nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, đồng thuận áp dụng. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro (hay 800 triệu USD) trở lên đều phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 15%, dù ở bất kỳ quốc gia nào. Các doanh nghiệp đa quốc gia thuộc đối tượng chịu mức thế này nếu đang hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn ở quốc gia đang đầu tư sẽ phải nộp phần chênh lệch cho quốc gia đóng trụ sở chính.

Trong những năm qua, Việt Nam ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tùy quy mô và ngành nghề. Thuế suất thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20%, trong khi các doanh nghiệp FDI được hưởng các mức thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 17%, tùy điều kiện cụ thể. Khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, lợi thế này không còn tồn tại.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, ước tính có 1.017 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc diện bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (theo số liệu năm 2020) và có xu hướng tăng thêm từ năm 2021 đến nay, trong đó có các nhà đầu tư lớn với chuỗi vệ tinh.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn cả những ưu đãi; do đó, cần tăng độ hấp dẫn của môi trường đầu tư bằng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện và minh bạch trong các quyết định.

“Trong bài toán này, Việt Nam không có quyền lựa chọn, dù muốn hay không cũng phải tham gia một cách khôn khéo”, ông Hoàng nói và gợi mở một lĩnh vực có thể áp dụng chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút dòng vốn FDI như chi phí về nghiên cứu phát triển, nhân lực chất lượng cao…

Ninh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục