Đó là chia sẻ của ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên UOB Việt Nam bên lề Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, do Báo Đầu tư tổ chức, sáng 15/5/2023.
Trong những năm gần đây, các cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm trên toàn cầu. Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Sau khi phục hồi về mức trước đại dịch, với dòng vốn FDI toàn cầu đạt 1.600 tỷ USD vào năm 2021, môi trường đầu tư quốc tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể với sự bùng nổ của cuộc xung đột Nga-Ukraine, xảy ra vào cuối tháng 2/2022, trong khi thế giới vẫn còn quay cuồng với tác động của đại dịch.
Cuộc xung đột đang gây ra những hậu quả sâu rộng, tạo ra một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên toàn thế giới, với giá năng lượng và lương thực tăng cao làm giảm thu nhập thực tế và làm trầm trọng thêm căng thẳng nợ nần. Sự không chắc chắn của nhà đầu tư và lo ngại những rủi ro có thể làm giảm đáng kể hoạt động FDI trên toàn cầu.
Hơn nữa, khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, các công ty và nhà hoạch định chính sách đang tìm cách củng cố chuỗi cung ứng bằng cách chuyển hoạt động sản xuất về nước hoặc sang các quốc gia đáng tin cậy. Điều này dẫn đến xu hướng phân mảnh địa kinh tế đang gia tăng, nơi FDI có khả năng trở nên tập trung hơn bên trong một khối các quốc gia liên kết.
Trước tình trạng phân mảnh ngày càng tăng, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dễ bị ảnh hưởng hơn từ sự dịch chuyển FDI so với các quốc gia tiên tiến. Theo IMF, dòng vốn FDI chiến lược đổ vào các quốc gia châu Á bắt đầu giảm trong năm 2019 và chỉ phục hồi vừa phải trong những quý gần đây.
Do đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới để thu hút FDI ngày càng gia tăng.
Vốn FDI thực hiện khá tích cực tại Việt Nam trong những năm gần đây đã tác động như thế nào đến nền kinh tế và lực lượng lao động trong nước?
Những năm gần đây, nhờ có nền tảng chính trị ổn định, nhân khẩu học thuận lợi, triển vọng kinh tế tích cực và môi trường kinh doanh hiệu quả, Việt Nam đã được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự bùng phát của dịch Covid-19. Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong 5 năm (2017 – 2022).
Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Chí Cường |
Thời gian qua, các doanh nghiệp FDI đã tạo ra hơn 5,1 triệu cơ hội việc làm cho người dân địa phương (tính đến cuối năm 2020, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam). Hơn nữa, khu vực FDI góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo tiên tiến, chuyển giao quy trình kỹ thuật, bí quyết công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
Ngoài ra, khu vực FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm khoảng 70% hoạt động thương mại của cả nước, dẫn đến tổng kim ngạch thương mại đạt mức cao kỷ lục là 733 tỷ USD vào năm 2022.
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu nhờ vào sự đóng góp đáng kể của cả nền kinh tế trong nước lẫn FDI. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 là 8,02% (2021: 2,58%), cao nhất kể từ năm 1997, mặc dù lạm phát chỉ ở mức 3,15%.
Theo ông, cơ hội và thách thức của Việt Nam trong tương lai trong việc thu hút FDI hiệu quả là gì?
Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu do căng thẳng địa chính trị kéo dài, việc thu hút đầu tư FDI sẽ là khó khăn không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn đối với bất kỳ quốc gia nào khác.
Như đã đề cập trước đó, căng thẳng địa chính trị kéo dài có thể khiến các tập đoàn và nhà hoạch định chính sách xem xét các chiến lược củng cố chuỗi cung ứng bằng cách chuyển sản xuất về gần quê nhà hoặc đến các quốc gia đáng tin cậy. Điều này sẽ dẫn đến xu hướng phân mảnh địa kinh tế ngày càng mở rộng, dẫn đến sự cạnh tranh gia tăng để thu hút dòng vốn FDI từ khắp nơi trên thế giới.
Hơn nữa, chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), sẽ áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024, sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nhờ nền tảng chính trị ổn định, gần với Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ kết hợp với môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam đã dần trở thành điểm đến thu hút của các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.
Hơn nữa, lực lượng lao động dồi dào, giá cả phải chăng, cũng như thị trường nội địa gần 100 triệu người với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, tạo ra một thị trường có sức mua cao, đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam cũng là một trong những điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất châu Á, với hình ảnh là một quốc gia có tầm nhìn rõ ràng và nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ từ Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow (COP26) về thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới nền kinh tế không phát thải carbon và tăng trưởng xanh.
Do đó, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn FDI lớn hơn bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, chất lượng lực lượng lao động và các khung pháp lý phù hợp để ứng phó với GMT một cách hiệu quả.
Là ngân hàng Singapore đầu tiên có công ty con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời phục vụ lượng lớn khách hàng FDI, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ khách hàng trong việc đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam?
Ở UOB, chúng tôi hỗ trợ các khách hàng FDI của mình bằng cách thành lập các trung tâm Tư vấn FDI chuyên trách để thúc đẩy dòng vốn đầu tư và hoạt động thương mại trong khu vực. UOB hiện đang vận hành 10 trung tâm FDI chuyên trách trên khắp châu Á, trong đó có một trung tâm ở Việt Nam.
Năm 2013, UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập bộ phận Tư vấn FDI tại Việt Nam để hỗ trợ mở rộng hoạt động thương mại và dòng vốn FDI vào đây. UOB và Cục Đầu tư nước ngoài - FIA (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tiên vào năm 2015 (được gia hạn vào tháng 11 năm 2020) với mục tiêu thúc đẩy FDI và thương mại giữa Việt Nam và Đông Nam Á.
Phối hợp chặt chẽ với FIA, Ngân hàng UOB Việt Nam hướng đến việc cung cấp trọn vẹn các dịch vụ cần thiết cho các công ty nước ngoài mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh vào thị trường Việt Nam bằng cách cung cấp các thông tin chi tiết về thị trường, thông qua hội thảo trực tuyến nơi các đối tác trong hệ sinh thái của UOB, bao gồm các cơ quan chính phủ, các công ty tư vấn và các tập đoàn đa quốc gia chia sẻ chuyên môn và các thông lệ tốt nhất về đầu tư vào Việt Nam, cũng như hỗ trợ các công ty gia nhập thị trường và cung cấp các giải pháp ngân hàng toàn diện.
Hiện chúng tôi có mạng lưới ASEAN rộng lớn nhất trong số các ngân hàng khu vực, cho phép chúng tôi hỗ trợ một cách liền mạch cho các khách hàng của mình mở rộng hoạt động kinh doanh trên khắp khu vực. Tận dụng khả năng kết nối khu vực rộng lớn và các giải pháp toàn diện được cung cấp bởi dịch vụ Tư vấn FDI, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động ra khu vực.
Kể từ khi chúng tôi ký Biên bản ghi nhớ với FIA vào năm 2015, đơn vị tư vấn FDI của UOB đã hỗ trợ hơn 250 công ty mở rộng hoạt động sang Việt Nam, từ đó góp phần tạo ra hơn 30.000 cơ hội việc làm và thúc đẩy dòng vốn đầu tư trị giá hơn 5,8 tỷ đô la Singapore vào Việt Nam.
Trong ba năm tới, UOB Việt Nam có kế hoạch thúc đẩy thêm dòng vốn đầu tư tiềm năng trị giá 1,5 tỷ đô la Singapore từ các doanh nghiệp trong các ngành như sản xuất, công nghệ và sản phẩm tiêu dùng vào Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng tiếp theo trong việc thu hút “FDI xanh”, và Ngân hàng sẽ đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy nền kinh tế tiến tới việc phát thải ròng bằng 0?
Trong tương lai, Việt Nam có khả năng thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Kể từ khi Chính phủ đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các dự án FDI xanh vào Việt Nam đã tăng lên, tiềm năng sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư giúp chuyển đổi nền kinh tế trong nước.
Bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính xanh, chúng tôi cũng sẽ giúp các khách hàng khởi tạo hành trình phát triển bền vững của họ. Cùng với các tổ chức tài chính trong nước, chúng tôi đóng vai trò quan trọng thúc đẩy cho sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, góp phần giúp Việt Nam đạt được cam kết mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050.