Nhận diện những thách thức M&A Việt Nam đối mặt trong thời gian tới

(ĐTCK) M&A được coi là cách nhanh nhất để mở rộng mạng lưới và thị trường. Tuy nhiên, nếu không có sự thận trọng nhất định, M&A cũng có khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn khi không tìm được sự giao thao về quản trị, văn hóa giữa 2 doanh nghiệp.
Nhận diện những thách thức M&A Việt Nam đối mặt trong thời gian tới

Phát biểu tại Họp báo về Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 9 (năm 2017) với chủ đề “Tìm bước đột phá/Seeking a big push” do Báo Đầu tư phối hợp và Công ty AVM Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra sáng 20/7, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, có khá nhiều lý do thúc đẩy hoạt động M&A trong môi trường hiện nay, từ thôn tính đối thủ, mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, đa dạng hóa ngành nghề khác nhau….Tuy nhiên, tựu chung của việc M&A là tìm kiếm giá trị cộng hưởng về vốn, về quản trị doanh nghiệp, về bộ máy nhân sự, mạng lưới phân phối.

Với mục tiêu như vậy, trong vài năm trở lại đây, nhất là khi tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, hoạt động M&A liên tục tăng trưởng và mở rộng.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, M&A chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư ngoại với các thương vụ từ vài trăm triệu đến cả tỷ USD. Đây là điều đáng mừng, bởi nó góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nội.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, giá trị thương vụ M&A từ các nhà đầu tư ngoại thực sự chưa tương xứng với kỳ vọng của doanh nghiệp nội.

Năm 2015, giá trị M&A ước đạt khoảng 5,2 tỷ USD, đạt mốc kỷ lục trong 10 năm. Con số này năm 2016 là 5,1 tỷ USD, theo thống kê của Viện Hợp nhất, Mua lại và Liên kết (IMAA). Và mục tiêu đặt ra 6 tỷ USD hiện nay cũng có rất nhiều thách thức để có thể đặt được.

Nhận diện những thách thức M&A Việt Nam đối mặt trong thời gian tới ảnh 1

Điều này phần nào phản ánh bức tranh của thị trường, cho thấy các hoạt động "mua bán và sáp nhập" của các nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp nội còn nhiều vướng mắc.

Trong đó, theo ông Hiếu, từ sự chênh lệch khá lớn về tầm nhìn, năng lực quản trị, năng lực tài chính…, đến những vướng mắc về thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường nội và đặc biệt là tiến trình cổ phần hóa vẫn đang được đánh giá khá chậm chạp. Trong khi dự báo về “Làn sóng thứ hai” tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong 5 năm (2014-2018) với tổng giá trị thương vụ lên đến 20 tỷ USD, đang bước vào giai đoạn nước rút.

Nhận diện những thách thức M&A Việt Nam đối mặt trong thời gian tới ảnh 2

Trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt thương vụ có giá trị lớn. Nhưng để bùng nổ thật sự, thị trường đang cần bước đột phá lớn.

Theo ông Phan Văn Trinh, Tổng giám đốc Deloitt, sắp tới, M&A sẽ vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó lĩnh vực bất động sản, bán lẻ sẽ là lĩnh vực chủ đạo.

Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến tiến trình thoái vốn tại Vinamilk, Petrolimex, Sabeco, Habeco, MobiFone…, nhưng làm thế nào để các công ty trở thành mục tiêu hấp dẫn, nhiều tiềm năng và đạt chuẩn để hoàn thành các thương vụ mới là vấn đề trọng yếu hiện nay.

Nhận diện những thách thức M&A Việt Nam đối mặt trong thời gian tới ảnh 3

Thực tế, tại Việt Nam thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp, dự án muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên không thực hiện được do còn một số hạn chế. Cụ thể, chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn, còn tiềm năng phát triển.

Vốn điều lệ của đa số các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam mới ở mức 50 - 80 tỷ đồng, tương đương 2 - 4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5 - 10 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn và có sức cạnh tranh yếu, mô hình kinh doanh thiếu bền vững, cũng không phải là đối tượng được quan tâm của các nhà đầu tư.

Một nguyên nhân khác là báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch. Đây là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại.

Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hình thức kế toán hai sổ, khiến cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính.

Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng (bên bán, chuyển nhượng) cũng không phải dễ dàng, thậm chí khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, một phần do tính thiếu minh bạch trong thực tiễn quản trị, một phần do tính nhạy cảm của tiết lộ thông tin doanh nghiệp ra bên ngoài trước khi thương vụ được thực hiện.

Chưa kể, yếu tố văn hóa gây trở ngại cho các giao dịch M&A. Sự khó khăn trong việc hòa nhập văn hóa là vấn đề lớn quyết định đến thương vụ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với việc có cổ đông ngoại hoặc có thêm sự quản lý bởi người nước ngoài.

Cuối cùng là định giá quá cao trong một số trường hợp. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kỳ vọng bán được với giá cao khi gặp đối tác nước ngoài. Đây là một yếu tố cản trở đến M&A tại Việt Nam do hai bên không thống nhất được giá.

Diễn đàn thường niên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp năm 2017 (M&A Việt Nam 2017) được Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào thứ Năm, ngày 10/8/2017 tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM). Đây là sự kiện thường niên có quy mô lớn thu hút sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ, đông đảo các chuyên gia hàng đầu và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A 2017 với chủ đề "Tìm bước đột phá - Seeking a big push", Báo Đầu tư sẽ xuất bản Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2017 - Vietnam M&A Outlook 2017”. Đặc san được xuất bản bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, phát hành rộng rãi qua các kênh phát hành của Báo Đầu tư ở trong nước và nước ngoài và là tài liệu chính thức của Diễn đàn M&A Việt Nam 2017.

Việt Dương-Đức Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục