Nhận diện những nhóm cổ phiếu hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hệ số P/E, P/B của chỉ số VN-Index được cho là về vùng đáy cuối tháng 3/2020, nhiều cổ phiếu còn có định giá thấp hơn.
Với nhiều nhà đầu tư, điều quan tâm nhất không phải chuyện đắt - rẻ của cổ phiếu. Với nhiều nhà đầu tư, điều quan tâm nhất không phải chuyện đắt - rẻ của cổ phiếu.

Định giá về vùng thấp trong lịch sử

P/E, P/B là hai chỉ số cơ bản được nhà đầu tư xem xét để định giá cổ phiếu. Thống kê của Công ty Chứng khoán BSC cho thấy, hiện chỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của VN-Index xấp xỉ 9,98 lần, đây cũng là mức thấp thứ 3 trong lịch sử. Trong khi đó, chỉ số thị giá so với giá trị sổ sách (P/B) cũng trôi về vùng thấp thứ 5 trong lịch sử ở mức 1,71 lần.

Xét theo nhóm ngành, hiện chỉ có một số nhóm ngành như điện, nước, công nghệ thông tin, hay bán lẻ có mức định giá P/B cao hơn so với định giá trung bình 10 năm.

Theo Công ty Chứng khoán DSC, thị trường điều chỉnh chủ yếu do mức giảm sâu của một số nhóm cổ phiếu chu kỳ, bao gồm chứng khoán, bất động sản và ngân hàng. P/B bình quân của nhóm ngân hàng chỉ còn 1,4 lần, thấp hơn 1 lần độ lệch chuẩn so với trung bình P/B 10 năm tại 1,8 lần. Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán có mức P/B hiện tại dao động quanh 1,3 lần.

So sánh với mức đỉnh của năm 2022 là 2,6 lần hay trung bình 10 năm là 1,4 lần, có thể coi nhóm chứng khoán đã điều chỉnh về mặt bằng giá hấp dẫn. Thế nhưng, khả năng “bắt đáy hớ” vẫn còn có thể xảy ra, bởi những giai đoạn thị trường khó khăn trước đây, định giá P/B của ngành này còn thấp hơn nhiều, như năm 2018 chỉ là 1,5 lần, giai đoạn tạo đáy năm 2019 chỉ còn 1,2 lần và tại thời điểm bi quan cùng cực là khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện rơi xuống 0,6 lần.

Kết quả phân tích nhóm VN30 của Agriseco Research cho thấy, có 22/30 cổ phiếu đang ghi nhận định giá P/B thấp hơn thời điểm trước Covid-19 (năm 2019). Mặc dù vậy, chỉ 14/30 doanh nghiệp ghi nhận hiệu quả kinh doanh khả quan hơn so với thời điểm trước dịch.

Nhìn tổng quan rổ cổ phiếu VN30, mức định giá P/B trung bình của 30 cổ phiếu hiện tại là 2,21 lần, thấp hơn so với mức 2,73 lần thời điểm cuối năm 2019; tuy nhiên ROE bình quân của 30 cổ phiếu là khoảng 17,5%, thấp hơn so với mức 19,8% trước khi Covid-19 xuất hiện.

Mặc dù định giá P/B trung bình của nhóm VN30 đã giảm khoảng 20% và có trên 70% cổ phiếu đã ghi nhận định giá rẻ hơn so với năm 2019, tuy nhiên, phần lớn mức giảm tập trung ở nhóm ngân hàng. Trong khi mức định giá của các nhóm ngành khác chưa giảm quá nhiều, hoặc mức giảm phù hợp với hiệu quả kinh doanh gần đây. Do vậy, Agriseco cho rằng, định giá của nhóm cổ phiếu trong VN30 đang ở vùng hợp lý và đã xuất hiện một số cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn. Một số cổ phiếu tiềm năng dựa trên so sánh P/B, theo khuyến nghị của Agriseco, bao gồm BVH, HDB, GAS, HPG, KDH, SAB, TPB.

Trong khi đó, chỉ số VN-Midcap dù đã điều chỉnh hơn 40% kể từ khi tạo đỉnh vào đầu năm nay, nhưng vẫn còn 67% số cổ phiếu đang có định giá P/B đắt hơn định giá tại thời điểm trước dịch Covid-19. Đáng chú ý, 63% số cổ phiếu trong rổ VN-Midcap hiện đang ghi nhận hiệu quả kinh doanh chưa cải thiện so với đại dịch, nghĩa là khá nhiều cổ phiếu trong rổ này hiện có định giá cao hơn nhiều so với hiệu quả kinh doanh thực tế.

Agriseco cho rằng, định giá P/B trung bình các cổ phiếu trong rổ VN-MidCap hiện vẫn còn đắt đỏ và cơ hội đầu tư chưa xuất hiện nhiều.

Rẻ chưa hẳn đã hấp dẫn

Nhìn nhận về cơ hội đầu tư trong giai đoạn thị trường về vùng định giá thấp, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Agriseco cho rằng, thông thường, nhà đầu tư sẵn sàng trả mức P/B cao hơn khi hiệu quả sinh lời (ROE) của doanh nghiệp cao hơn.

“Agriseco Research kết hợp hai chỉ tiêu này để xác định bối cảnh hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong 2 giai đoạn. Việc cổ phiếu có P/B cao hơn đi kèm với ROE tăng tương ứng chưa chắc là đắt và ngược lại”, ông Khoa nói.

Với nhiều nhà đầu tư, điều quan tâm nhất không phải chuyện đắt - rẻ của cổ phiếu, mà là chuyện doanh nghiệp có tồn tại và sống sót được hay không. Một trong những yếu tố quyết định đến sự tồn tại cho doanh nghiệp đó là dòng tiền.

Ở thời điểm hiện tại, ai cũng nhìn nhận thị trường đã rẻ và rất nhiều cổ phiếu rẻ, quan trọng là tìm được doanh nghiệp có thể chủ động được dòng tiền.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC Chi nhánh TP.HCM

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC Chi nhánh TP.HCM cũng khuyến nghị, ngoài việc quan tâm đến chỉ số P/E hay P/B, nhà đầu tư cần quan tâm đến dòng tiền của doanh nghiệp và căn cứ vào chỉ số P/CF (giá chia cho dòng tiền) để đưa ra quyết định đầu tư.

“Ở thời điểm hiện tại, ai cũng nhìn nhận thị trường đã rẻ và rất nhiều cổ phiếu rẻ, quan trọng là tìm được doanh nghiệp có thể chủ động được dòng tiền. Thực tế, trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp có tài sản lớn, có lợi nhuận kế toán nhưng vẫn đổ vỡ nếu không cân đối được dòng tiền”, ông Huy khuyến nghị.

Giai đoạn này, theo vị chuyên gia, nhà đầu tư nên ưu tiên các nhóm ngành ít mang yếu tố chu kỳ, nhóm phòng thủ, ít nhạy cảm với diễn biến lãi suất, tỷ giá và thường có dòng tiền ổn định.

“Không ai có thể dự báo chính xác được diễn biến của thị trường ở thời điểm này” là câu trả lời của hầu hết các chuyên gia, kể cả những lãnh đạo công ty chứng khoán lớn, có nhiều kinh nghiệm trên thị trường, bởi thị trường vẫn đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực trong nước và quốc tế. Vì vậy, dù định giá thị trường, định giá cổ phiếu (P/B, P/E) đã “rẻ”, “hấp dẫn” như đánh giá của nhiều người, nhưng vẫn có thể rẻ hơn, hấp dẫn hơn.

Theo Công ty Chứng khoán DSC, lãi suất tăng nhanh có ảnh hưởng tiêu cực đến đa số các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường như ngân hàng và bất động sản, nhưng nhóm bảo hiểm lại là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp.

Yếu tố hưởng lợi đến từ việc cơ cấu khoản mục đầu tư tài chính phần lớn là danh mục tiền gửi ngân hàng, đây là động lực chính giúp cải thiện biên lợi nhuận của nhóm ngành bảo hiểm trong môi trường lãi suất tăng dần. Điển hình là Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) đang sở hữu quỹ tiền mặt gần 100.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của doanh nghiệp này).

Trong khi đó, khuyến nghị được ông Nguyễn Anh Khoa đưa ra, việc đầu tư vào nhóm doanh nghiệp đang sản xuất - kinh doanh các mặt hàng kỳ vọng tăng giá trong môi trường lạm phát là chiến lược hợp lý khi việc đầu tư vào hàng hóa phái sinh vẫn chưa phù hợp với đa số nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá bán đầu ra. Mức độ hưởng lợi sẽ càng lớn đối với các doanh nghiệp có khả năng kiểm soát giá bán đầu ra hoặc các mặt hàng có tính cạnh tranh cao.

“Các nhóm doanh nghiệp tự sản xuất và cung ứng các mặt hàng được hưởng lợi từ các sự kiện địa chính trị sẽ là các nhóm đáng lưu ý. Các nhóm doanh nghiệp này khi đã hoàn thiện được chuỗi giá trị sẽ ít chịu tác động bởi lạm phát và rất phù hợp để đầu tư trung và dài hạn. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nhà đầu tư có thể cân nhắc giảm tỷ trọng là nhóm cổ phiếu có hệ số nợ cao, bởi khi lạm phát và lãi suất tăng lên thì khi đó áp lực tài chính sẽ tăng, kéo theo biên lợi nhuận thay đổi. Trong đó, một số nhóm ngành có hệ số vay nợ khá cao có thể kể đến nhóm bất động sản, xây dựng với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tiệm cận mức 1x và đang có xu hướng tăng dần”, ông Khoa nhấn mạnh.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục