Nhận diện khẩu vị M&A địa ốc mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn đang tìm kiếm doanh nghiệp, dự án để tiến hành M&A, song “khẩu vị” đã khác trước…
Khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ Eaton Park của Gamuda Land. Khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ Eaton Park của Gamuda Land.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Angus Liew - Chủ tịch HĐQT Gamuda Land Việt Nam đánh giá, 3 sắc luật chuyên ngành bất động sản gồm Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 là một trong những bước đột phá, giúp thị trường địa ốc sớm phục hồi.

“Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lâu năm trên thị trường bất động sản Việt Nam, tôi cho rằng pháp luật hiện hành rất công bằng, mở cửa cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện là thời điểm tốt để tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam, nên thị trường sẽ đón nhận nhiều hơn nhà đầu tư ngoại trong thời gian tới”, ông Angus Liew nói và chia sẻ thêm, Gamuda Land Việt Nam vẫn đang tìm kiếm các quỹ đất để M&A, trong đó ưu tiên lựa chọn các dự án pháp lý chuẩn chỉnh.

Báo cáo thị trường M&A nửa đầu năm 2024 của EY Parthenon cho biết, nếu như năm 2023, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn buộc phải co cụm hoạt động, thì các nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh thị trường M&A địa ốc với tỷ trọng 81,6% cơ cấu bên mua. Tuy nhiên, đến nửa đầu năm 2024, nhà đầu tư trong nước đã dẫn đầu với tỷ lệ 92,6%.

Dẫu vậy, số lượng thương vụ đã giảm đáng kể với chỉ 8 thương vụ, giá trị giao dịch trung bình đạt 179,7 triệu USD/thương vụ (6 tháng đầu năm 2023 là 18 thương vụ với giá trị giao dịch trung bình đạt 81,8 triệu USD/thương vụ). Giá trị giao dịch tăng chủ yếu là nhờ giao dịch thoái vốn của Tập đoàn Vingroup khỏi Vincom Retail với giá trị 982,3 triệu USD.

Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc EY Parthenon - Tư vấn chiến lược, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho hay, nếu tách riêng thương vụ của Vingroup, thị trường chỉ ghi nhận 7 giao dịch giá trị trăm triệu USD. Đây là con số rất thấp và dự báo đà giảm này sẽ còn duy trì trong nửa cuối năm.

“Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực tìm kiếm dự án, doanh nghiệp để tiến hành M&A, nhưng để chốt được deal trong giai đoạn này không hề đơn giản. Họ đã thận trọng hơn nhiều trong việc thẩm định dự án”, ông Đồng nói và cho biết thêm, trong các phân khúc thị trường, bất động sản công nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, cụ thể là các dự án bất động sản công nghiệp gần các tuyến đường cao tốc, cửa khẩu, cảng biển, cảng sông, sân bay và tại các địa phương phát triển mạnh công nghiệp như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang (phía Bắc) và TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh (phía Nam).

Các nhà đầu tư cũng có xu hướng tìm kiếm mua lại các dự án bất động sản nhà ở hoặc quỹ đất sạch lớn ở khu vực ngoại thành hoặc thành phố vệ tinh, lân cận với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM để đầu tư phát triển các dự án nhà ở phức hợp gồm nhà ở, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… nhằm cung cấp đầy đủ dịch vụ, tiện ích cho cư dân, người lao động ở những nơi này.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang nhắm đến các bất động sản bán lẻ ở khu vực trung tâm các thành phố lớn hoặc nằm trong các dự án khu đô thị phức hợp, cung cấp dịch vụ đa dạng như bán lẻ thời trang, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm; F&B; các dịch vụ vui chơi giải trí…

Đặc biệt, các bất động sản như trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, khách sạn… tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững và đạt được các chứng chỉ xanh sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức lớn và thường được định giá cao hơn, giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận với các nguồn tài chính xanh với lãi suất cạnh tranh để tài trợ cho các giao dịch mua lại này.

“Dù đang suy giảm về số lượng thương vụ M&A, nhưng bất động sản vẫn thu hút sự quan tâm của khối ngoại, nhất là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhờ sự tăng trưởng ổn định trong dài hạn của nền kinh tế, xu hướng dịch chuyển các cơ sở sản xuất, cơ cấu dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa cao của sang Việt Nam”, ông Đồng nói.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục