Nhận diện dòng chu chuyển vốn qua Sách trắng 2019

(ĐTCK) Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, trong giai đoạn 2016-2017, dòng vốn sản xuất - kinh doanh đổ vào khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước ngày một tăng và dự báo sẽ là xu thế chủ đạo trong thời gian tới.
Nhận diện dòng chu chuyển vốn qua Sách trắng 2019

Doanh nghiệp ngoài nhà nước hút vốn

Số liệu về nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh công bố tại Sách Trắng cho biết, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất - kinh doanh của toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả kinh doanh tính đến cuối năm 2017 đạt hơn 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2016.

Trong đó, tính theo loại hình DN, khu vực DN ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỷ đồng vốn, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 53% tổng vốn của toàn bộ khu vực DN, tăng 16,5% so với cùng cuối năm 2016. Đây cũng là khu vực đang thu hút nhiều vốn cho sản xuất - kinh doanh nhất trong giai đoạn 2016-2017, bình quân mỗi năm thu hút 16,27 triệu tỷ đồng, chiếm 53,3% tổng vốn và tăng 74,8% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dù phần lớn là các DN có quy mô lớn, song mức vốn thu hút chỉ chiếm 28,9% tổng vốn, đạt 9,5 triệu tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2016. Giai đoạn 2016-2017, tuy giảm đáng kể về số DN, nhưng khu vực này vẫn thu hút 8,75 triệu tỷ đồng bình quân mỗi năm, chiếm 28,7% tổng vốn và tăng 44% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Cơ cấu vốn đầu tư đã đảo chiều

Bức tranh phân bổ dòng vốn sản xuất - kinh doanh hàm chứa nhiều ý nghĩa, mang tính thay đổi lớn. Nếu so với giai đoạn trước khi phần lớn nguồn lực tài sản quốc gia và dòng vốn tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty thuộc khu vực kinh tế nhà nước, thì giờ đây đã đổi chiều.

Với sự trỗi dậy khá nhanh và mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân thời gian gần đây, dẫn đầu là các tập đoàn có quy mô vốn tỷ USD như Vingroup, Sun Group, Trường Hải… đã gần như thay thế vai trò tiên phong của nhiều “quả đấm thép” doanh nghiệp nhà nước từng một thời "làm mưa làm gió", từ đó thu hút một lượng lớn các nguồn vốn đầu tư dưới nhiều hình thức.

Ở Việt Nam, tổng tài sản DNNN chiếm tới 80% GDP, còn các nước OECD thì ngược lại, chỉ là 15% GDP. Điều này cho thấy sự bất cân xứng và bất hợp lý trong cơ cấu tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế thị trường

- TS. Đinh Tuấn Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nhìn sâu nội hàm bức tranh này có thể thấy sự đảo chiều, cũng như đa dạng về xuất xứ và thành phần của dòng vốn đầu tư, khi tỷ trọng vốn đầu tư vào khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn này ngày càng tăng và chiếm vai trò chủ đạo. Xét về mức tăng tỷ trọng thu hút vốn bình quân trong giai đoạn 2016-2017, khu vực DN ngoài nhà nước tăng mạnh nhất với 74,8% so với giai đoạn 2011-2015, khu vực FDI đứng thứ hai với mức tăng 60,7%. Khu vực DNNN tuy vẫn tăng 44%, nhưng rõ ràng thấp hơn 2 khu vực trên.

Như vậy, thay vì phần lớn là nguồn vốn của Nhà nước đổ vào khu vực DN công như trước đây, tỷ trọng vốn sản xuất kinh doanh đổ vào khu vực DN ngoài nhà nước (bao hàm nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước) ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng lớn, thể hiện sự chuyển biến ngoạn mục trong cơ cấu thu hút vốn đi đôi với tái cấu trúc cơ cấu kinh tế thời gian gần đây.

Mặt khác, bức tranh phân bổ dòng vốn cũng chỉ ra sự thiếu cân xứng trong cơ cấu tỷ trọng phát triển giữa các khu vực DN tương ứng với sự chuyển biến về cơ cấu thu hút vốn và xa hơn là hàm ý chính sách cần có cho sự phát triển tương xứng của khu vực DN ngoài nhà nước đang ngày càng lớn mạnh.

Đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, TS. Đinh Tuấn Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cùng với khu vực FDI, vai trò đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng rõ nét cả về quy mô và sự lớn mạnh về cơ cấu đóng góp trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Điều này đặt ra vấn đề cần có chính sách phát triển phù hợp để khu vực này thực sự lớn mạnh. Trong khi đó, dù đã giảm về số lượng, nhưng hiện nay, khu vực DNNN quy mô và tỷ trọng vẫn rất lớn nên hiệu quả quản trị chưa cao.

“Ở Việt Nam, tổng tài sản DNNN chiếm tới 80% GDP, còn các nước OECD thì ngược lại, chỉ là 15% GDP. Điều này cho thấy sự bất cân xứng và bất hợp lý trong cơ cấu tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế thị trường. Cần giảm quy mô và tỷ trọng DNNN xuống khoảng 25%, khi đó sẽ có mô hình quản trị phù hợp với từng nhóm ngành”, ông Minh đề xuất.

Vốn vào khu vực FDI nhiều, nhưng lan tỏa thấp

Bức tranh thu hút vốn của khu vực FDI cũng có nhiều điểm đáng quan tâm. Số liệu từ Sách Trắng chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2017, khu vực FDI hầu hết có quy mô lớn, cũng là một trong các khu vực thu hút mạnh vốn vào sản xuất - kinh doanh với 6 triệu tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng vốn toàn khu vực DN và tăng 17,8% so với năm 2016.

Giai đoạn 2016-2017, khu vực này thu hút 5,52 triệu tỷ đồng bình quân mỗi năm, chiếm 18,1% tổng vốn và tăng 60,7% so với giai đoạn trước. Mức tăng thu hút vốn cũng rất cao, chỉ đứng sau khu vực DN ngoài nhà nước. Xét về doanh thu và lợi nhuận, khu vực FDI tạo ra 5,8 triệu tỷ đồng doanh thu thuần và 384.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Là một trong những khu vực kinh tế quan trọng, bên cạnh đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu, khu vực FDI còn được kỳ vọng tạo sức lan tỏa tới các khu vực kinh tế trong nước, gia tăng chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị DN, đặc biệt là hỗ trợ DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc gia nhập các chuỗi cung ứng trong quá trình chuyển giao.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố, vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Nghiên cứu của VEPR cũng cho thấy, năm 1995, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam khoảng 34% giá trị sản phẩm, trong đó có 12% sản phẩm của DN nội địa, đến nay, tỷ lệ đóng góp của Việt Nam đạt khoảng 50%, nhưng sản phẩm nội địa giảm xuống 11%.

"Thực tế trên chỉ ra rằng, Việt Nam tuy đã xâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng giá trị tạo ra của DN trong nước lại giảm, có nghĩa là DN Việt Nam chưa thành công trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là một vấn đề cần quan tâm trong chính sách thu hút FDI để có thể cải thiện tình trạng này", PGS-TS. Nguyễn Ðức Thành, Viện trưởng VEPR đánh giá.

Dịch vụ, công nghiệp chi phối dòng vốn đầu tư

Đi sâu phân tích luồng chu chuyển phân bổ dòng vốn theo khu vực kinh tế, số liệu của Sách Trắng cho thấy, thu hút vốn khu vực dịch vụ hiện chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực DN. Tính đến cuối năm 2017, khu vực này thu hút 21,3 triệu tỷ đồng, chiếm 64,6% tổng vốn toàn khu vực DN và tăng 19,3% so với cùng thời điểm năm 2016. Tiếp đó là khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 11,3 triệu tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng vốn và tăng 14%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 332.200 tỷ đồng, chiếm 1% tổng vốn và tăng 28,6%.

Bình quân giai đoạn 2016-2017, mỗi năm khu vực dịch vụ thu hút 19,61 triệu tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng vốn và tăng 65,9% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 10,64 triệu tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng vốn và tăng 56,6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 295.300 tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 42,9%.

Ở đây, có nhiều điểm đáng chú ý khi nhìn sâu vào chỉ số quay vòng vốn và hiệu suất sinh lợi, doanh thu. Khu vực dịch vụ tuy chiếm tỷ trọng chi phối về hút vốn đầu tư, nhưng có hệ số quay vòng vốn thấp hơn, chỉ bằng một nửa so với khu vực công nghiệp và xây dựng.

Trong khi đó, xét về hiệu suất sinh lời, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn dẫn đầu cả về hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) với 4,9% (gấp 2,8 lần khu vực dịch vụ) lẫn hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) với 12,9%, (cao xấp xỉ 5 lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, gấp 1,7 lần khu vực dịch vụ).

Xét về hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS), năm 2017, ROS của khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đạt mức cao nhất với 5%, tiếp đến là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,4% và cuối cùng là khu vực dịch vụ 3,5%.

Về chỉ số nợ, năm 2017, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 3,3 lần, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp và xây dựng, gấp xấp xỉ 5 lần so với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu suất sử dụng vốn đầu tư của khu vực dịch vụ với vai trò là khu vực thu hút vốn đầu tư ở mức chi phối, hay nói cách khác là lĩnh vực đang chiếm dụng vốn lớn nhất.  

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục