Nhận diện doanh nghiệp phá sản: bỏ mốc 200 triệu đồng

(ĐTCK) Sáng ngày 5/4, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến một số nội dung của Dự án Luật Phá sản (sửa đổi).
Nhận diện doanh nghiệp phá sản: bỏ mốc 200 triệu đồng

Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn đã trình bày tổng quan về Dự thảo Luật và một số nội dung xin ý kiến. Theo đó, Dự thảo mới đưa ra vào tháng 3/2014 có một số thay đổi so với Dự thảo ý kiến Quốc hội vào kỳ họp cuối năm ngoái, gồm 131 điều, 14 chương so với 124 điều, 12 chương của Dự thảo cũ.

Đáng chú ý, Dự thảo lần này đưa thêm Điều 4 về giải thích từ ngữ; trong đó, khoản 1 quy định: mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu. Như vậy, so với Dự thảo trước đây, quy định nhận diện thế nào là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản đã được bỏ đi.

Trước đó, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Tòa án nhân dân Tối cao đã đưa ra quy định, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là doanh nghiệp không thanh toán được nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong 3 tháng. Quy định này đã vấp phải sự phản ứng mãnh liệt từ các đại biểu cũng như giới chuyên gia, doanh nghiệp.

Sau đó, Tòa án nhân dân Tối cao đã bỏ quy định 200 triệu đồng và đưa vào quy định nợ không có tranh chấp. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ tạo ra kẽ hở để đương sự có thể lách bằng những thủ thuật tạo ra tranh chấp, để tránh nguy cơ đối diện với yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Hơn nữa, Luật Phá sản hiện tại cũng gặp vướng mắc rất lớn trong thi hành đối với vấn đề nhận diện doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản vì rất khó đưa ra tiêu chí thế nào là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. 

Dự thảo mới chỉ quy định về tình trạng mất khả năng thanh toán và tiếp đó, tại Điều 5 về quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu.

Về đối tượng phá sản, nếu như dự thảo trước quy định đối tượng gồm doanh nghiệp, hợp tác xã; trong đó, doanh nghiệp gồm cả công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng, công ty chứng khoán, nhưng đến dự thảo lần này, quy định về đối tượng phá sản bao quát hơn khi quy định các loại doanh nghiệp thành lập theo quy định pháp luật

Một nội dung khác thay đổi là thẩm quyền giải quyết phá sản, Dự thảo Luật lần trước quy định tòa án cấp tỉnh giải giải quyết đơn yêu cầu phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

Với dự thảo lần này, thẩm quyền được trao cho cả 2 cấp tòa án. Tòa cấp tỉnh giải quyết các vụ việc phức tạp, có yếu tố nước ngoài, có nhiều khoản nợ lớn. Tòa cấp huyện giải quyết các vụ việc còn lại.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề còn cần được trao đổi, thảo luận làm rõ hơn để đảm bảo Luật Phá sản sửa đổi tới đây không rơi vào tình trạng phá sản như Luật Phá sản 2004.

Được biết, Dự thảo luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới đây.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục