DN “chết mà không được chôn” tạo ra những khoảng tối rất rủi ro cho nền kinh tế
Giải thể nhiều, phá sản chẳng bao nhiêu
Tính đến thời điểm 30/6/2013, cả nước có 457.343 DN đang hoạt động, tăng 39.700 DN, tương ứng tăng 9,5% so với cùng kỳ 2012 và tăng 4,9% so với thời điểm 31/12/2012 (475.700 DN). Số DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2012 là 54.261 DN (so với 53.922 DN năm 2011). Sáu tháng đầu năm 2013, số DN ngừng hoạt động đã lên đến 24.931 DN.
Trong khi đó, theo thống kê của TAND Tối cao, từ năm 2008 đến năm 2011, ngành tòa án đã nhận 636 đơn yêu cầu được phá sản. Trong đó, trả lại đơn 13 vụ, ra quyết định mở thủ tục phá sản 518 vụ, ra quyết định không mở thủ tục phá sản 9 vụ, ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản 18 vụ. Đặc biệt, Tòa án chỉ ra được quyết định tuyên bố phá sản 45 vụ. Có tới 12 trong số 52 TAND cấp tỉnh từ năm 2004 đến hết năm 2011 không thụ lý bất cứ yêu cầu phá sản nào (?!).
Báo cáo mới nhất (9/2013) của TAND Tối cao cũng cho thấy, qua tổng kết thi hành LPS của 63 TAND cấp tỉnh thì có 49 tòa án có nhận đơn và giải quyết tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản; 14 tòa án không nhận đơn, giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Trong tổng số 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản được giải quyết này, Tòa án đã ra 236 quyết định mở thủ tục phá sản, trong đó ra 83 quyết định tuyên bố phá sản. Trong 83 quyết định tuyên bố phá sản có 7 trường hợp Tòa án ra quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản trong trường hợp đặc biệt.
Các tòa phúc thẩm TAND Tối cao nhận được 17 đơn khiếu nại các quyết định của TAND cấp tỉnh trong quá trình giải quyết phá sản và đã ra 9 quyết định giữ nguyên quyết định tuyên bố phá sản, 4 quyết định sửa và 4 quyết định hủy quyết định tuyên bố phá sản của TAND cấp tỉnh. Điều này cho thấy, mới chỉ có chưa đến 80 DN bị tuyên bố phá sản trong 9 năm qua, một tỷ lệ quá nhỏ bé so với số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động.
Tại sao lại ít DN lựa chọn phá sản?
LPS được nhiều chuyên gia và nhà quản lý kinh tế xem là một công cụ sàng lọc DN, hạn chế những DN quá yếu kém, được coi là việc bình thường, không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường. Phá sản có thể coi là sự “tàn phá sáng tạo” (Joseph Alois Schumpeter- Nhà kinh tế học và khoa học chính trị người Úc gốc Mỹ), vì trong quá trình phá sản, nhà xưởng vẫn còn, đội ngũ người lao động vẫn tồn tại, chỉ có ông chủ không trả được nợ sẽ bị thay thế bằng một ông chủ khác mạnh hơn, giỏi hơn… Tuy nhiên, một trong các lý do cơ bản khiến cho các DN ít lựa chọn giải quyết việc chấm dứt hoạt động theo con đường phá sản chính là việc thủ tục giải quyết phá sản tại Việt Nam quá phức tạp, nhiều quy định tại LPS 2004 bất hợp lý và thời gian giải quyết thường kéo dài. Các DN, HTX tại Việt Nam vẫn thích lựa chọn giải thể, ngừng hoạt động hơn phá sản hoặc đơn giản chỉ là “mất tích” để đánh đố cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cũng như các chủ nợ (xem Bảng).
Thứ nhất, về tiêu chí xác định phá sản: quy định tại Điều 3 LPS 2004 còn chung chung, thiếu chặt chẽ, mang tính định tính và không phản ánh đúng thực trạng tình hình tài chính của DN khi lâm vào tình trạng phá sản. Bởi lẽ, một DN, HTX không phải cứ có “nợ quá hạn” thì bị coi là lâm vào tình trạng phá sản (cũng cần phải phân biệt là “lâm vào tình trạng phá sản” và bị “tuyên bố phá sản” là hai vấn đề khác nhau). Trên thực tế, nhiều DN, HTX bị yêu cầu tuyên bố phá sản lại đang là chủ nợ của DN, HTX khác với số tiền bị nợ này lớn gấp nhiều lần số “nợ quá hạn” mà họ đang gặp phải.
Thứ hai, quy định về cung cấp bằng chứng, thông tin: sự liên thông kém giữa các cơ quan chức năng (bao gồm cả cơ quan chủ quản của DN), DN, ngân hàng… khiến cho việc cung cấp các bằng chứng, thông tin về tình trạng “nợ quá hạn” của DN, HTX là rất khó khăn cho những đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản DN (chủ nợ, DN, Tòa án). Nhiều trường hợp, việc mở thủ tục phá sản của các DNNN lại phải chờ đợi “xin ý kiến” của chủ sở hữu, khiến cho thủ tục giải quyết phá sản các DN này thường kéo dài, khó khăn, thậm chí không thực hiện nổi. Quy định về các loại giấy tờ phải nộp kèm đơn yêu cầu đến Tòa án tại Khoản 4 Điều 15 LPS 2004 cũng đang “đánh đố” không chỉ các chủ nợ, mà còn đối với chính bản thân người đại diện theo pháp luật của DN, HTX.
Thứ ba, thủ tục giải quyết phá sản kéo dài, gây lãng phí cho xã hội: quy định tại LPS 2004 về thời hạn tối đa để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản là 3 năm, kể từ ngày cuối cùng đăng báo về quyết định của Tòa án công nhận Nghị quyết hội nghị chủ nợ về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX là quá dài. Quy định này khiến cho tình trạng “chết lâm sàng” của DN kéo dài hơn và cũng đi ngược với quy định về phá sản của các nước trên thế giới.
Theo các chuyên gia, LPS sửa đổi cần phải rút gọn thủ tục phá sản, hay đơn giản hóa thủ tục này. Bởi việc chậm ra quyết định tuyên bố phá sản tạo ra nhiều rủi ro trong các quan hệ kinh tế. Trong quá trình chờ tòa tuyên phá sản, các nguồn lực của DN dừng hoạt động, không những lãng phí mà còn liên lụy đến các DN đang hoạt động lành mạnh khác. Với nhiều mục tiêu lợi ích cục bộ khác nhau, việc không cho DN phá sản đang tạo ra nhiều ảo tưởng về những lợi ích trước mắt. Ví dụ, thay vì để DN phá sản thì ngân hàng do sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận đã cho đảo nợ, hay bơm vốn duy trì sự sống leo lắt của DN. Điều này chỉ làm tăng thêm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Thứ tư, chỉ áp dụng phá sản với DN, HTX, không có phá sản cá nhân: Việc LPS 2004 chỉ áp dụng đối với DN, HTX mà không áp dụng với cá nhân là một khiếm khuyết và đi ngược lại thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia thì việc không mở rộng đối tượng áp dụng LPS là các cá nhân có đăng ký kinh doanh trong Dự thảo LPS sửa đổi vừa mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp cuối tuần qua cũng là “mâu thuẫn với nội dung đề xuất được thể hiện tại báo cáo về mục tiêu, định hướng xây dựng LPS sửa đổi”.