Nhận diện doanh nghiệp có khả năng bứt phá sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 được xem là sự kiện “thiên nga đen”, nhưng mỗi doanh nghiệp lại có cách ứng phó khác nhau. Đâu là hạt giống tốt mà nhà đầu tư cần tìm kiếm?
Nhận diện doanh nghiệp có khả năng bứt phá sau đại dịch

Chấp nhận thực tại và tìm kiếm cách làm mới

Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tháng 8 có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68.000 tỷ đồng và số lao động đăng ký 43.400 người. Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private, Deloitte Việt Nam nhận xét, số liệu trên cho thấy bức tranh hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp có hai gam màu đối lập: Một là mảng màu tối, với việc doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng, phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động kinh doanh và mảng bên kia là nhiều doanh nhân vẫn nhìn thấy cơ hội phát triển trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều nguy khó.

Ông Minh kể, trong một doanh nghiệp ông trò chuyện gần đây, họ có đưa ra chính sách 3P: Profit – People – Planet. Đây là chính sách họ đã phát triển trong ba năm, họ ưu tiên hàng đầu cho lợi nhuận, người lao động và các hoạt động sản xuất – kinh doanh của họ đang ảnh hưởng như thế nào đến môi trường xung quanh.

Ở giai đoạn này, góc ưu tiên về lợi nhuận bị ảnh hưởng, không thể thay đổi nhanh chóng, nhưng họ cũng dành nhiều nguồn lực để chia sẻ với người lao động bằng những mối quan tâm cụ thể, khuyến khích những cải tiến để sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Họ dành thời gian để đào tạo nhân sự, cùng chuẩn bị cho một tương lai khi đại dịch được ngăn chặn. Chiến lược 3P đã có từ trước nên doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này cũng không có nhiều khó khăn và bỡ ngỡ.

Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát 2.750 lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân trên 33 quốc gia của Deloitte cho thấy, có nhiều điều điểm tương đồng giữa cách mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam xác định lại ưu tiên và hành động trong giai đoạn này.

Ví dụ, các nhà lãnh đạo đều cho rằng mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này là phải nâng cao năng suất lao động và họ tin là việc này có thể thực hiện tốt.

Nhóm chuyên gia chấm điểm Chương trình Doanh nghiệp được quản trị tốt nhất Việt Nam 2021 của Deloitte đã chỉ ra những đặc điểm tạo nên một doanh nghiệp kiên cường (có khả năng phục hồi).

Thứ nhất là doanh nghiệp có xác định được chiến lược và những tham vọng rõ ràng, cũng như có những hành động thực thi chiến lược hiệu quả. Thứ hai, doanh nghiệp liên tục đổi mới sản phẩm, từ đó tăng trưởng doanh thu. Thứ ba, doanh nghiệp tối ưu các nguồn lực, trong đó nguồn lực về vốn. Bên cạnh đó, họ cũng cần liên tục cải tiến quy trình vận hành để hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất lao động.

Những doanh nghiệp có hành động cụ thể nhằm tăng cường khả năng phục hồi thường có cái nhìn tích cực hơn về triển vọng ngắn hạn, tin tưởng hơn vào tiềm năng dài hạn sẽ tuyển dụng thêm lao động hoặc theo đuổi các thương vụ mua bán sáp nhập…

Hầu hết các doanh nghiệp còn tồn tại đều chấp nhận thực tại và đang có nhiều thay đổi tích cực.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private, Deloitte Việt Nam

Ông Minh cho biết: “Trong quá trình làm việc với doanh nghiệp, tôi nhận thấy mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng mỗi doanh nghiệp đang tự tìm cho mình những lối đi riêng để có thể ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó dần dần phục hồi và phát triển. Đó là những doanh nghiệp còn tồn tại. Hầu hết các doanh nghiệp còn tồn tại đều chấp nhận thực tại và đang có nhiều thay đổi tích cực, không ngừng tìm kiếm các đối tác và liên minh mới, đồng thời xem xét, đánh giá các cơ hội mới để củng cố chuỗi cung ứng và phát triển thị trường, tập trung vào nâng cao sức khỏe, của bản thân từng lãnh đạo và người lao động, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần”.

Quản trị khủng hoảng

Ông Ivan Phạm, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Quản trị rủi ro Deloitte Việt Nam nhận xét, thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 - sự kiện “thiên nga đen”, sự kiện chúng ta chưa từng thấy.

Xét ở góc độ quản trị rủi ro, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa trưởng thành, chứ chưa nói đến câu chuyện xử lý những sự kiện như thế này. Theo quan sát của ông Ivan, một số doanh nghiệp Việt hiện đã có khung quản trị nhưng đa số doanh nghiệp vẫn quản trị theo kinh nghiệm và dưới hình thức tự phát - đây là một điểm yếu căn bản.

Chuyên gia này cho rằng, quản trị khủng hoảng trong các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này có thể chia làm ba nhóm. Nhóm 1 là các doanh nghiệp xây dựng được cơ cấu ứng phó của tổ chức khi khủng hoảng xảy ra, bao gồm đội ngũ có kỹ năng và kinh nghiệm; quy trình và hướng dẫn đơn giản, rõ ràng; phân quyền, phân nhiệm chính xác và mạch lạc.

Nhóm 2 tập trung vào ứng phó với khủng hoảng bằng cách phân tích tình huống, nhận diện vấn đề và ra quyết định hành động.

Ví dụ, khi Chính phủ yêu cầu thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” (người lao động làm việc, ăn, ngủ ngay trong nhà máy), doanh nghiệp sẽ phân tích tình huống và chính sách này có phù hợp với doanh nghiệp hay không, việc hỗ trợ người lao động được triển khai như thế nào và tiến hành truyền thông một cách toàn diện, rõ ràng, minh bạch cho người lao động.

Nhóm 3, chịu trách nhiệm về phương pháp ứng phó. Đó là có bức tranh toàn cảnh về các hành động ứng phó, theo dõi các sự kiện và hành động ứng phó, có điều chỉnh kịp thời khi có thay đổi.

Khủng hoảng do đại dịch Covid-19 là cú sốc rất mạnh và qua đó, ta có thể nhìn thấy rất rõ 3 nhóm doanh nghiệp: Những doanh nghiệp hoạt động không chắc chắn sẽ bị đổ vỡ; Những doanh nghiệp chắc chắn vừa phải sẽ bị rung lắc rất mạnh và vẫn đứng được, đây là cơ hội để các doanh nghiệp này nhìn lại và có những thay đổi để thích nghi tốt hơn. Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp dù bị rung lắc nhưng rất chắc.

Nhóm doanh nghiệp thứ hai và thứ ba đều có điểm chung, đó là đồng thời với ứng phó, họ nghĩ tới việc phục hồi và phát triển như thế nào sau khi đi qua đại dịch. Bản chất này giúp doanh nghiệp phục hồi và đi nhanh hơn trong tương lai.

Phương Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục