Nhận diện các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng chuẩn bị cổ phần hóa

(ĐTCK) Trong buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, Bộ Xây dựng cần chỉ đạo việc niêm yết, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi trong quá trình cổ phần hóa.
Tổng công ty Sông Đà đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa. Ảnh: Dũng Minh Tổng công ty Sông Đà đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa. Ảnh: Dũng Minh

Năm 2016, Bộ Xây dựng đã cổ phần hóa thêm 5 tổng công ty là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng dân dụng số 1 (CC1), Tổng công ty Vật liệu số 1 (FICO), Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) và Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 12/16 đơn vị.

Bốn đơn vị còn lại là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng công ty Công nghiệp xi măng (VICEM).

Trong đó, cuối năm 2016, Tổng công ty Sông Đà đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa, HUD và IDICO đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang hoàn thiện phương án cổ phần hóa để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017, còn VICEM đang triển khai công tác tái cơ cấu Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017.

Đây đều là các doanh nghiệp có địa bàn hoạt động rộng, có nhiều tài sản là quyền sử dụng đất, nhà cửa, khu đô thị, khu công nghiệp với quy mô, vốn Nhà nước lớn.

Tại Tổng công ty Sông Đà, hiện đơn vị này có vốn điều lệ 4.276 tỷ đồng và mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2016 - 2020 là phát triển thành tổng công ty mạnh trong nước và khu vực trong lĩnh vực trọng tâm là tổng thầu xây dựng và tổng thầu EPC; đầu tư sản xuất kinh doanh điện. Sông Đà cũng đặt mục tiêu sản xuất - kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào Tổng công ty, cũng như các đơn vị.

Hiện tổng công ty này chưa có báo cáo tài chính năm 2016, theo báo cáo tài chính hợp nhất hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản của Sông Đà tính tới ngày 30/6/2016 là 31.520 tỷ đồng; nợ phải trả là 23.718 tỷ đồng, trong đó 12.890 tỷ đồng là nợ ngắn hạn (vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 6.505 tỷ đồng), nợ dài hạn là 10.072 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 của Sông Đà không có phần kết quả kinh doanh. Theo báo cáo tài chính quý II/2016 của công ty mẹ cho thấy, Sông Đà có doanh thu thuần 1.439,54 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,4 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của Công ty mẹ Sông Đà tính tới ngày 30/6/2016 là 10.469 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn 5.162 tỷ đồng, trong đó phải thu khách hàng ngắn hạn là 2.379 tỷ đồng và phải thu cho vay ngắn hạn là 1.534 tỷ đồng; hàng tồn kho 6.545,4 tỷ đồng. Các chỉ số này không thay đổi mấy so với cuối năm 2015. Những thông tin do Sông Đà công bố không làm rõ diện tích đất tổng công ty này đang quản lý sử dụng là bao nhiêu.

Trong khi đó, HUD có nhiệm vụ chính là thực hiện chiến lược phát triển đô thị và nhà ở, trong đó tập trung phát triển đô thị và nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. HUD mới công bố báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2016 với doanh thu 388 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 9,6 tỷ đồng. Công ty mẹ có tổng tài sản tính tới thời điểm 30/6/2016 là 9.600 tỷ đồng, nợ phải trả 7.020 tỷ đồng, nợ dài hạn là 1.263 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.584 tỷ đồng.

Tại IDICO, hiện tổng công ty này có 11 công ty con, 6 công ty liên kết và 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung…

Theo báo cáo tài chính quý II/2016 của công ty mẹ, tổng tài sản là của công ty mẹ IDICO tính tới ngày 30/6/2016 là 6.982 tỷ đồng, nợ phải trả 4.553 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn 4.371 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.428 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2016, công ty mẹ có doanh thu 123 tỷ đồng, có thu nhập khác lên tới 5.880 tỷ đồng, chi phí khác là 5.741 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 204 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong quý II/2016 chỉ phát sinh các khoản thu nhập khác với tổng giá trị 654,56 tỷ đồng, gồm chuyển nhượng tài sản còn lại của Thủy điện Đak Mi 4 là hơn 354 triệu đồng, các khoản khác là 299 triệu đồng. Chi phí khác từ việc chuyển nhượng phần còn lại của Thủy điện Đak Mi là 118 triệu đồng, các khoản khác là 1,1 tỷ đồng. Như vậy, phần lớn trong 5.880 tỷ đồng thu nhập khác và 5.741 tỷ đồng chi phí khác của IDICO phát sinh trong quý I/2016. Tuy nhiên, Tổng công ty không thấy công bố báo cáo tài chính quý I/2016 trên website nên không biết khoản thu nhập và chi phí khác đột biến này đến từ đâu.

Với VICEM, tổng công ty này chủ yếu sản xuất, kinh doanh xi măng và các sản phẩm vật liệu xây dựng khác như bê tông, cốt liệu, vật liệu xây dựng không nung, vôi công nghiệp…

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2016, tính đến 30/6/2016, VICEM có tổng tài sản gần 14.000 tỷ đồng; nợ phải trả là 675 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 355 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn; vốn chủ sở hữu là 13.292 tỷ đồng. 6 đầu năm 2016, VICEM có doanh thu thuần 336,6 tỷ đồng, doanh thu tài chính 337,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí tài chính trong 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng công ty lên tới 646 tỷ đồng, khiến VICEM lỗ trong hoạt động kinh doanh 226,43 tỷ đồng. Khoản lỗ trước thuế và sau thuế của Tổng công ty trong 6 tháng đầu năm cũng hơn 226 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, khoản lớn nhất trong chi phí tài chính là dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn 641 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo tài chính quý II/2016 của VICEM, tổng công ty này hiện có hơn 10.000 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là vào các công ty con, công ty liên kết. Trong đó, tổng khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tính đến 30/6/2016 là 2.168 tỷ đồng, tăng hơn 641 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong quá khứ, các cơ quan thanh tra đã từng tiến hành thanh tra một số đơn vị và phát hiện nhiều sai phạm. Đơn cử, đầu năm 2016, Thanh tra Bộ xây dựng đã có kết luận về những sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Sông Đà và các đơn vị thành viên trong quá trình cổ phần hóa, quản lý, sử dụng vốn, tài sản tính đến thời điểm 31/12/2014. Một số đơn vị thành viên nợ thuế, có đơn vị nợ quá hạn vốn vay ODA, có đơn vị không thực hiện một số văn bản của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến chi phí đầu tư sai, một số đơn vị có những khoản tạm ứng nhiều tỷ đồng tồn đọng lâu năm không giải quyết dứt điểm…

Việc cổ phần hóa được xem là giúp các đơn vị này hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa, vấn đề là phải tính đúng, tính đủ, khách quan giá trị doanh nghiệp và đảm bảo không làm thất thoát vốn nhà nước, đặc biệt là lợi thế từ hàng chục triệu m2 đất do các đơn vị này đang quản lý, sử dụng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Hoàng Duy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục