Nhận diện các cổ phiếu bị cảnh báo

(ĐTCK-online) Một năm trước, sau khi chạm đáy, nhiều cổ phiếu trong diện bị cảnh báo đã tăng giá mạnh trở lại. Hiện tại, dù giảm chung theo thị trường, nhưng cổ phiếu của các DN có thương hiệu và yếu tố cơ bản tốt như REE, GMD, MPC, KDC… vẫn đang có thị giá cao hơn từ 3 - 5 lần mức đáy.

Ngược lại, các cổ phiếu trong diện cảnh báo khác như TRI, TYA, IFS, FPC… vẫn đang giảm sâu so với mệnh giá. Cùng chung “số phận” cách đây 1 năm, nhưng nhóm cổ phiếu trong diện cảnh báo tạo các cơ hội khác biệt cho NĐT. Liệu điều này có lặp lại trong năm 2010?

Cũ ra, mới vào

16 DN có cổ phiếu trong diện cảnh báo năm ngoái (gồm BHS, FPC, GMD, HAP, IFS, MPC, MTG, PPC, REE, SAM, TPC, TRI, TYA, VHG, KDC và VTA - đã chuyển sàn) đã có sự phân hóa lớn về kết quả sản xuất - kinh doanh. Trong khi một số DN đạt lợi nhuận khá cao như KDC, REE, GMD…, thì một số DN như TYA, MTG tuy đã thoát ra khỏi tình trạng thua lỗ, nhưng kết quả kinh doanh năm 2009 vẫn  còn nghèo nàn. Cá biệt có DN vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”: TRI tiếp tục thua lỗ 82,3 tỷ đồng trong năm 2009. Hệ quả, TRI là cổ phiếu mới nhất vừa được Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo năm 2010 và hạn chế thời gian giao dịch. Còn FPC lỗ gần 19 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2009. Hiện tại, FPC vẫn chưa nộp báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2009. Vì lý do nhiều lần chậm công bố BCTC, FPC đã bị HOSE phạt nặng và cảnh cáo toàn thị trường.

Trong số các cổ phiếu bị kiểm soát năm 2009 mới có duy nhất BHS được HOSE đưa ra khỏi danh sách thì lại xuất hiện thêm nhiều cổ phiếu mới bị đưa vào diện kiểm soát năm 2010. Ngoài cổ phiếu TRI, còn 5 cổ phiếu khác gồm: ANV, BAS, FBT, PVT và MHC. Có thể danh sách cổ phiếu bị kiểm soát chưa dừng lại, bởi lẽ tính đến ngày 23/2 mới chỉ có 198/209 BCTC quý IV/2009 của các DN niêm yết được công bố. Trong số này có một số DN thua lỗ lớn trong 3 quý đầu năm 2009, nhưng vẫn đang gia hạn nộp báo cáo. Một số DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã công bố lỗ trong năm 2009, việc bị đưa vào danh sách cảnh báo chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trao đổi với ĐTCK, bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết của HOSE cho biết, trong số 16 cổ phiếu bị đưa vào diện bị cảnh báo năm 2009, hiện mới chỉ có cổ phiếu BHS được đưa ra khỏi danh sách. Bà Đào giải thích, cho đến nay, BHS là DN duy nhất trong danh sách này đã công bố BCTC năm 2009 qua kiểm toán. Bà Đào cho biết thêm, theo báo cáo chưa kiểm toán thì hầu hết DN có cổ phiếu trong diện cảnh báo đã làm ăn có lãi. Tuy nhiên, để đưa cổ phiếu ra khỏi diện bị cảnh báo, HOSE vẫn phải chờ DN chính thức công bố BCTC kiểm toán. Bà Đào lưu ý, nếu BCTC kiểm toán có các khoản mục loại trừ của kiểm toán viên, ảnh hưởng tới lợi nhuận, thì cổ phiếu sẽ không được xem xét đưa ra khỏi danh sách.

 

Cơ hội đầu tư?

Thị trường phản ứng khá chừng mực với với các cổ phiếu mới bị đưa vào diện bị cảnh báo. Chẳng hạn, ngày 5/2, HOSE công bố đưa 4 cổ phiếu ANV, BAS, FBT, PVT vào diện cảnh báo, bắt đầu từ ngày 9/2, thì cho đến nay, thị giá các cổ phiếu trên và VN-Index cũng có mức tăng - giảm tương đương. Đây là điểm khác biệt rất lớn với cách đây 1 năm, khi các cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát (sau đổi tên thành cảnh báo) lập tức chịu một cuộc tháo chạy tập thể từ nhiều thành viên thị trường, khiến giá các cổ phiếu này thường giảm sàn trong nhiều phiên liền.

Lý giải điều này, ông Lê Anh Thi, Giám đốc đầu tư CTCK Âu Việt cho rằng, một phần xuất phát từ kinh nghiệm của NĐT một năm về trước, hậu quả của cổ phiếu đưa bị đưa vào diện bị cảnh báo không có gì “quá ghê gớm”. Đây chỉ là “động tác kỹ thuật” mang yếu tố “nhắc nhở” của cơ quan quản lý DN thua lỗ trong năm liền trước. Một phần khác, kết quả kinh doanh khá nghèo nàn trong 3 quý đầu năm 2009 của các DN trên khiến thị trường đã chiết khấu một phần tin tức xấu vào giá cổ phiếu.

Ông Thi nhận định, TTCK giai đoạn hậu khủng hoảng biến động với biên độ lớn nên nhóm cổ phiếu trên vẫn có cơ hội để đầu tư. Theo ông Thi, nhóm ngành thủy sản ngoài việc có cơ hội phục hồi trong năm 2010 còn được hưởng lợi từ việc tỷ giá USD/VND tăng, điều này tác động tích cực tới doanh thu và lợi nhuận của DN. Tuy nhiên, ông Thi lưu ý, việc định giá các cổ phiếu này khá khó khăn. Định giá theo giá trị sổ sách (phương pháp P/B) cũng khá mơ hồ và ít tính thuyết phục, do giá trị của các khoản mục trên bảng cân đối kế toán ít khi sát thực với thực tế thị trường, dẫn tới giá trị này nhiều khi chỉ mang tính tượng trưng. Việc định giá theo các phương pháp truyền thống như chiết khấu dòng tiền hay hệ số P/E cũng không xác thực, do EPS của DN đang âm.

Ông Thi cho rằng, NĐT quan tâm đến nhóm cổ phiếu trên nên chờ đến kỳ ĐHCĐ sắp tới để xem xét hướng kinh doanh của DN, khoảng thời gian dự kiến DN sẽ quay trở lại mức lãi dương và việc DN củng cố mảng kinh doanh cốt lõi như thế nào.

Trái lại, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng bộ phận phân tích CTCK Bản Việt có cái nhìn thận trọng hơn về nhóm cổ phiếu trong diện bị cảnh báo. Theo bà Hoa, năm 2009, các DN niêm yết nói chung được hưởng lợi từ nhiều yếu tố khiến lợi nhuận tăng mạnh: gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ khiến chi phí vốn vay của DN giảm mạnh, sự phục hồi của TTCK khiến DN được hoàn nhập phần lớn các khoản dự phòng đầu tư tài chính. Ngoài ra, DN được hưởng lợi khi tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ hay được hoàn nhập khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho.

“Cộng hưởng của khá nhiều yếu tố thuận lợi khách quan, nhưng một số DN vẫn lỗ, có thể suy đoán sự yếu kém này nằm ở công tác quản trị. Năm 2008, nhiều DN hoạt động sản xuất - kinh doanh chính vẫn có lãi, nhưng kết quả kinh doanh bất ngờ tụt dốc mạnh vào cuối năm do bị tác động bởi yếu tố khách quan trong và ngoài nước. Năm 2009, DN hầu như không chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ nguyên nhân khách quan, nên nếu vẫn có kết quả kinh doanh kém cỏi, NĐT nên thận trọng”, bà Hoa nói.

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục